Kẻ trộm ngay trong nhà

20/05/2019 - 09:00

PNO - Không ít vụ trộm cắp, khi công an vào cuộc phá án, khoanh vùng nghi can thì lòi ra “mặt chuột non choẹt” là cô cậu teen nhà mình.

Nhà có khách quý từ Canada về thăm, lưu lại chơi một tuần, đến ngày thứ sáu thì chị Hoàng Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM) phát hiện bị mất một triệu rưỡi đồng chị để trong bóp treo tạm ở tủ áo. Quái lạ là tổng số tiền đến năm triệu đồng mà chỉ mất một triệu rưỡi, chị gọi chồng và hai con vào phòng riêng, “họp” khẩn. 

Mượn tạm!

Chồng vừa nghe đã quả quyết thằng con lớn 15 tuổi lấy. Bất ngờ bị đánh úp, nó chối đây đẩy và còn đẩy nghi vấn sang những người mấy ngày qua lui tới thăm khách Việt kiều. “Vậy chắc chắn là có trộm đột nhập lấy tiền. Để mẹ coi còn mất gì nữa không rồi ra phường trình báo công an” - chị chốt.

Ke trom ngay trong nha
 

Khuya đó, ngay đúng vị trí số tiền đã mất, chị nhận được tờ giấy với nét chữ nguệch ngoạc của con. Tờ giấy hơi mờ nhòe. Hình như con đã khóc khi viết: “Con mượn tạm tiền mẹ để mua tập sách, mua card điện thoại, rủ bạn đi ăn… Do mẹ lu bu nên con chưa hỏi mẹ. Con xin lỗi ba mẹ. Mẹ đừng báo công an” - nguyên văn bức thư ngắn gọn. Sau đó trực tiếp hỏi chuyện, con nói vòng vo quanh co, bằng “nghiệp vụ điều tra”, chị Hoa mới nắm được động cơ của con là để lấy tiền mua bộ trang sức xi mạ tặng bạn gái (hòng đánh dạt mấy “vệ tinh” vây quanh nàng).

Thực ra, chị Hoa đã đoán biết ai là kẻ trộm, việc sẽ trình báo công an chỉ là dọa dẫm để con trai thú nhận. Cũng không ít lần con tự tiện lấy tiền của chị để tiêu xài riêng, trong đó có lần mua dầu xoa bóp bất ngờ tặng bà ngoại khiến chị sướng ngất, tự hào vì có con hiếu thảo (dù từ tiền trộm). Chị không đủ tỉnh táo để nhìn nhận con chơi chiêu: tiền mua dầu xoa bóp không thấm vào đâu so với số tiền chôm được, vậy số còn lại, con đã làm gì? Rõ ràng “nghề chôm” cũng lắm công phu: con phải “tư duy chiến lược”, canh “thiên thời, địa lợi, nhân… lơ là” để ra tay và đặc biệt là tạo một hoàn cảnh đáng thương cảm gọi là tình tiết giảm nhẹ khi lỡ sự việc đổ bể. 

Những lần con “rỉa” bóp ấy, chị không làm biện pháp mạnh mà chỉ nhắc nhở qua loa. Có những phen phát hiện mất tiền nhưng thấy số tiền không đáng nên chị cũng chẳng cần điều tra, truy cứu, mất công xào xáo gia đình, con cái nông nổi, sinh hành động tiêu cực thì hối hận. Lần này, với số thiệt hại lớn và tính chất ma mãnh của con như thế, chị quyết làm cho con chừa nhưng chẳng biết cách nào. 

Tự làm ra tiền, khỏi “chôm”

Theo luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhiều phụ huynh có tâm lý cưng chiều con, quan niệm rằng khi xưa mình khổ sở, thiếu thốn, giờ đã có điều kiện tài chính khá hơn thì phải cho con cuộc sống tốt hơn, đầy đủ, thoải mái hơn. Tốt hơn cho con có đồng nghĩa với cho con thật nhiều tiền? Và cho bao nhiêu thì đủ để con khỏi phải chôm? Việc cha mẹ cung phụng quá nhiều tiền mà ít quan tâm con dùng tiền để làm gì càng đẩy con vào lối sống đua đòi, hưởng thụ, ích kỷ. 

Ke trom ngay trong nha
Không ít vụ trộm cắp, khi công an vào cuộc phá án, khoanh vùng nghi can thì lòi ra “mặt chuột non choẹt” là cô cậu teen nhà mình

Con không quen nhịn, khi không có tiền thì tự tiện lấy của cha mẹ mà chẳng cần xin phép, cũng chẳng cần bận tâm số tiền ấy cha mẹ dành để làm việc gì. Thái cực còn lại là những đứa con không được cha mẹ cho tiền, hoặc cho quá ít, nó sẽ tâm tư trong khi cả lớp, các bạn đều phồng túi, thèm gì thì móc tiền ra mua trông thật oai. Vào tuổi teen, các con phát sinh nhiều nhu cầu xài tiền: sách vở, điện thoại, quà bánh, giao thiệp bạn bè, vui chơi giải trí, theo đuổi đam mê… 

Cha mẹ không thể chấp nhận toàn bộ nhu cầu ấy nên nhiều cô cậu đã âm thầm rút rỉa, vun vén cho mình. Chẳng hạn bước vào tuổi biết rung động đầu đời, teen cần một khoản “tình phí” để rủ “ấy” đi uống trà sữa, xem phim (nếu “ấy” ngại đánh lẻ thì phải rủ cả nhóm đi, lại càng tốn kém). 

Yêu ở tuổi teen, vốn được người lớn gọi là tuổi ăn tuổi học - đâu phải dễ hé môi điều này cho người lớn biết, có thể phải đối mặt với tình trạng hoảng hốt, cấm đoán thì nguy. Thú đam mê của con có phải luôn được cha mẹ thấu hiểu, hỗ trợ, đồng hành hay khi nhắc đến đam mê ấy là nghe liền câu phán “trò ruồi bu, dẹp, lo học!”. 

Cha mẹ còn cấm con tham gia, mơ gì đến “chi tiền”. Không giải được bài toán cung cầu một cách đường hoàng, chính thống, một số chàng nàng teen sẽ thành… “đạo chích”.

Chị Nguyễn Thị Yến Quyên (buôn bán hàng ăn uống ở Q.4, TP.HCM) cho rằng, phụ huynh cứ để tiền đúng chỗ không cần cất giấu, vì có giấu con cũng cố tìm cho ra. Kiểm soát chặt chẽ số lượng cuối ngày, kiểm tra lại nếu thấy thiếu thì mời con “làm việc” với tư cách người lớn.

Lần đầu hỏi mà con chối thì phụ huynh nói: “Nếu con không lấy thì ba mẹ xin lỗi vì đã ngờ oan cho con. Ba mẹ biết con không tham và cũng không có tính xấu là ăn cắp. Nhưng việc này ba mẹ sẽ không bỏ qua mà phải tìm cho ra thủ phạm. Con cũng nên giúp ba mẹ tìm cho ra người lấy số tiền này vì ba mẹ không thể chấp nhận trong nhà mình lại có người không tốt như vậy”. Đối với trẻ có thói quen xài tiền phải kiểm tra xài vào những khoản gì có lành mạnh hay không. 

Có những trẻ từ bé đã có khuynh hướng coi thường ranh giới sở hữu, dễ dàng tự tiện xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Trẻ khi đó không nhận thức rõ mình đang làm điều xấu xa, sai trái, chỉ biết mình đang cần tiền mà cha mẹ thì có tiền. Cha mẹ im im cho qua vì nghĩ rằng không quan trọng, nghĩ rằng lớn lên con sẽ hết, hoặc nếu muốn xử lý thì cũng không có thời gian, lúng túng về phương pháp… chính là tiếp tay cho cái sai, giúp vốn cho con quen tật khó bỏ.

Không ít vụ trộm cắp, khi công an vào cuộc phá án, khoanh vùng nghi can thì lòi ra “mặt chuột non choẹt” là cô cậu teen nhà mình. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt, Q.3, TP.HCM): Khi con chôm tiền, không “xử” thì “ứng” kiểu nào?

 - Nếu con muốn tiêu xài hoặc mua sắm “hạng sang” theo chúng bạn, cho bằng anh bằng chị thì bạn cần phải trò chuyện với con về giá trị của sức lao động và giá trị của bản thân để con không nhầm lẫn giữa khái niệm: nhiều tiền = ngưỡng mộ. 

- Nếu con thường xuyên sử dụng tiền hoang phí, vừa mới cho đã hết nên rơi vào tình trạng túng thiếu làm liều. Cha mẹ cần phải hướng dẫn con xác định điều CẦN (nhu cầu thiết yếu) và điều MUỐN (điều đòi hỏi, có cũng được, không cũng chả sao) để con thiết lập sự phù hợp những nhu cầu của bản thân để quản lý tiền. Điều “cần” luôn ưu tiên, còn điều “muốn” phải hạn chế.

Ke trom ngay trong nha
Thạc sĩ Mỹ Hạnh

- Nếu con thường xuyên lấy tiền không rõ lý do: bạn nên xem việc sinh hoạt hằng ngày của con có đang gặp khó khăn gì không? Có thêm hạng mục sinh hoạt mới (ví dụ: game, giúp đỡ bạn...) hoặc mình có phải là người rất khó khăn trong việc cho tiền con nên con không trực tiếp đề nghị? Tùy từng nguyên nhân mà ứng xử. 

Tuy nhiên dù nguyên nhân là gì thì việc im lặng cho qua là “tối sách”, vì khi lấy được đồng tiền dễ dàng trẻ sẽ không hiểu được giá trị sức lực, cố gắng để có tiền. 

Chưa kể, “ăn cắp quen tay”, trẻ sẽ có những hành vi xấu như: nói dối, lừa gạt hoặc có thể vi phạm luật khi lấy của người khác và trở thành kẻ cắp. Nên trò chuyện nhỏ nhẹ và tác động vào nhận thức của con, cũng như xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, đó là sự tôn trọng: không đụng vào đồ của người khác nếu chưa xin phép. 

Khi con lỡ “phạm lỗi” lấy tiền hãy tạo điều kiện để con làm việc giúp bạn và bạn trả công. Trẻ sẽ trả “nợ” cho bạn với số tiền kiếm được. Đó cũng là cách hay để trẻ trải nghiệm về cách ứng xử với đồng tiền.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI