Theo sử sách ghi lại thì kẻ “to gan lớn mật ấy” là một hoạn giả tên là Phan Tông Trinh. Trong quan chế đời xưa, các từ “hoạn giả”, “nội thần”, “nội quan” là các cách gọi hoạn quan (thái giám), tùy theo triều đại mà cách gọi hoạn quan khác nhau, có triều đại gọi là thái giám, hoạn giả, nội thần, nội giám hoặc nội quan hay quan thị; nhưng có triều đại lại gọi các bầy tôi hầu cận vua chúa ở nơi cung cấm là nội thần hoặc nội quan hay hoạn giả (họ vẫn là đàn ông bình thường) để phân biệt với thái giám hay hoạn quan (những người bị khuyết bộ phận sinh dục).
Như vậy trong trường hợp của Phan Tông Trinh nói trên, chữ nội thần hay hoạn giả nên hiểu nghĩa như là viên quan hầu cận vua, nhưng không phải là hoạn quan (thái giám).
Dâm loạn với người đẹp của vua, sự việc tày trời này không được sử sách ghi chép trực tiếp và tường tận, nhưng căn cứ vào sắc dụ của Lê Thánh Tông trả lời triều thần về mức xử lý một vụ án ăn hối lộ, chúng ta phần nào được biết về những nét chính của vụ việc ấy.
|
Vào cung làm chuyện dâm ô (Tranh minh họa) |
Theo sử sách, vào tháng 11 năm Mậu Tý (1468), các quan Ngự sử là Trần Xác và Nguyễn Văn Chất làm sớ dâng lên vua với nội dung cho rằng trong vụ án ăn hối lộ của một số viên quan hầu cận vua, mức hình phạt ban ra là không thỏa đáng, thiếu công bằng. Khi đọc tờ sớ đó, Lê Thánh Tông đã giải thích nguyên nhân, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Có sắc dụ bọn Ngự sử Trần Xác, Nguyễn Văn Chất rằng: “Các ngươi tâu rằng bọn nội thần Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át, Phan Tông Trinh đều là những người hầu cận mà ăn hối lộ. Pháp ty giữ công bằng, tội chúng đáng phải xử tử, sao lại tha tội cho Nguyễn Thư mà Phan Tông Trinh không được tha, thế là công bằng chăng, hay có thiên tư chăng?. Như thế là bất tín với thiên hạ.
Ta nghe tin Nguyễn Tư ăn của đút lót, chết là đáng rồi. Nay ta không giết là có ý mong cho hắn ngày khác đổi lỗi, để có người sai khiến thôi. Còn như Phan Tông Trinh làm con nuôi của nội quan Hiền, Hiền chết xác vẫn còn hôi hổi mà hắn đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; lại còn năm trước Tông Trinh thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai, hai tội ấy đều nặng, giết là đáng”.
|
Xử chém phạm nhân (Tranh minh họa) |
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có một số chi tiết hơi khác, nhưng cơ bản nội dung cũng ghi tương tự như trên: “Mậu Tý, năm thứ 9 (1468)… Tháng 11. Người hoạn giả là Phan [Tông] Trinh phạm tội, giao xuống quan giữ hình ngục xét, luận vào tội chết.
Lúc ấy, hoạn giả là bọn Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Trinh can tội ăn của đút. Pháp ty luận Phan Trinh vào tội tử hình, còn bọn Nguyễn Thư đều được theo sự khoan hồng giảm nhẹ tội. Ngự sử là bọn Trần Thốc và Nguyễn Văn Chất nói: "Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm cán cân công bằng, đáng phải luận bọn này vào tử hình, nay nghị bọn Nguyễn Thư được theo sự khoan hồng giảm nhẹ tội, mà một mình Phan Trinh bị tử hình, như thế thì pháp luật không làm cho thiên hạ tin là công bằng được". Nhà vua nói: "Bọn Nguyễn Thư ăn của đút, tội của chúng đáng phải chết, nay ta không giết, là còn mong một ngày kia chúng đổi lỗi, để phòng có khi sai khiến đến. Còn như Phan [Tông] Trinh làm con nuôi của hoạn quan tên là Hiền, sau khi tên Hiền chết, Trinh lấy cướp vợ của Hiền; năm trước Trinh lại giao hợp đùa bỡn với một cung nữ, hai tội ấy đều nặng cả, nay luận vào tội chết là đáng lắm”.
Ở đây chúng ta thấy chi tiết nhỏ ghi rằng hoạn quan có vợ, sẽ có thắc rằng đã là hoạn quan thì sao lại có vợ?. Thực ra hoạn quan mặc dù không có khả năng sinh hoạt tình dục nhưng trong lịch sử vẫn có những người lấy vợ, lấy thiếp như một cách giải tỏa tâm lý, hoặc là để có người tâm sự, chăm sóc…
Kể ra Phan Tông Trinh không những dâm đãng mà còn quá bạo gan, lấy vợ của cha nuôi làm thiếp của mình, theo Hình luật triều Lê đã phạm tội chết rồi; thế mà còn dám thông dâm cả với cung nữ của vua thì bị khép tội chết thảm không có gì là oan cả. Chưa kể đến tội ăn đút lót cũng là một trọng tội bị xử rất nặng.
Với một kẻ bất trung, bất kính, bất nghĩa, vô đạo, tham lam như Phan Tông Trinh bị xử tội chết là đương nhiên, nhưng không thấy sử sách cho biết về cách áp dụng hình phạt nghiêm khắc dành cho tử tội này.
Lê Thái Dũng