edf40wrjww2tblPage:Content
Trước khi vào phòng sinh, thai phụ chỉ mong mẹ tròn con vuông
Vô tư kê toa
Bệnh viện (BV) Đa khoa Bưu điện TP.HCM vừa tiếp nhận thai phụ H.T.N. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám thai. Các dược sĩ tá hỏa khi phát hiện trước đó bệnh nhân được một số BV khác kê thuốc cấm khi đi khám các bệnh về nha, tai mũi họng. Chị N. cho biết, chị mang thai được bốn tuần và thời điểm này chị thấy khó chịu ở mũi nên đến một BV khám và được chẩn đoán viêm xoang. Sau đó, chị được chỉ định dùng thuốc Levofloxacin 500mg. Vài ngày sau, chị lại đến các bác sĩ răng hàm mặt để khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm nướu, cho thuốc có hoạt chất Doxycylin 100mg về uống. Đọc tên các loại thuốc mà chị N. sử dụng, dược sĩ Trần Quang Thịnh, BV Đa khoa Bưu điện TP.HCM bức xúc: “Thuốc Doxycylin đã được Bộ Y tế liệt vào mục chống chỉ định cho thai phụ; còn theo Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (Mỹ - FDA) thì đây là loại thuốc được xếp ở mức độ D - loại chắc chắn có nguy cơ cho bào thai. Riêng thuốc Levofloxacin, nếu FDA cảnh báo ở mức độ C - có nguy cơ cho bào thai thì Bộ Y tế xếp vào mức độ 3 - loại thuốc cần cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích. quyển Dược thư Quốc gia Việt Nam phát hành năm 2012 liệt hẳn thuốc này vào nhóm chống chỉ định cho thai phụ”.
Tương tự, chị N.T.P.T. (34 tuổi, ngụ TP.HCM) mang thai được 20 tuần, trong một lần khám thai định kỳ tại BV Đa khoa Bưu điện TP.HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu cao nên chị được khuyên đến các bác sĩ chuyên khoa tiểu đường để khám. Đến một BV khác, chị T. được chẩn đoán bị tiểu đường týp 2. Bác sĩ điều trị đã chỉ định cho chị loại thuốc nhóm nội tiết tố Gliclazid MR 30mg, uống hai viên/ngày. Loại thuốc này có tác dụng hạ đường huyết.
Dược sĩ Trần Quang Thịnh cho biết: “Theo tài liệu về tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định trong thời kỳ mang thai của Bộ Y tế ban hành, Gliclazid MR 30mg là loại thuốc được xếp ở mức độ 4 - mức chống chỉ định cho thai phụ. Mặt khác, trong Dược thư quốc gia Việt Nam, thuốc này cũng được liệt vào nhóm thuốc chống chỉ định cho thai phụ. Còn theo khuyến cáo của FDA thì Gliclazid MR 30mg được xếp vào mức độ C - mức độ có nguy cơ cho bào thai. Bệnh nhân đang mang thai mắc bệnh tiểu đường thì không được dùng thuốc uống mà phải chuyển sang thuốc chích insulin”.
Tại BV Hùng Vương, các bác sĩ đã phát hiện nhiều thai phụ đến khám với siêu âm thai 8-10 tuần có dùng các thuốc điều trị cao huyết áp vốn không được sử dụng trong thai kỳ. Dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, Trưởng khoa Dược, BV Hùng Vương TP.HCM nói: “Phụ nữ bị bệnh cao huyết áp thông thường được điều trị với các nhóm thuốc lợi tiểu và một số nhóm thuốc khác. Nhưng nếu bệnh nhân phát hiện có thai thì phải gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn lại trong việc lựa chọn thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi. Các thuốc lợi tiểu có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho nhau thai - tử cung, từ đó dễ gây ra tình trạng thai nhi chậm tăng trưởng”.
Theo dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, một số nhóm thuốc khác trong điều trị cao huyết áp có thể làm tăng nguy cơ dị tật cho bào thai, đặc biệt là các dị tật trên hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương. Thuốc còn gây hạ huyết áp đáng kể và làm giảm dòng máu đến thận của thai nhi, từ đó có thể đưa tới tình trạng suy thận thai nhi.
Theo dược sĩ Trần Quang Thịnh, khoảng 90% phụ nữ có sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai và khoảng 2-3% số trẻ ra đời bị dị tật bẩm sinh, trong đó có khoảng 5% trường hợp được xác định do thuốc.
Kê thuốc cấm, chỉ bị nhắc nhở
Liệu những loại thuốc có thể gây dị tật cho thai nhi mà nhiều bác sĩ kê cho sản phụ như Tetracylines, fluoroquinolones, glucocorticoids, NSAIDS, gliclazid, metformin… không thể thay thế? Dược sĩ Trần Quang Thịnh khẳng định: những thuốc cấm kê toa cho thai phụ đều có thuốc thay thế, tùy vào tuổi thai, tình trạng thai, bệnh lý của thai phụ… mà bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.
Mỗi BV đều có hội đồng thuốc và điều trị để kiểm tra các toa thuốc mà bác sĩ đã kê có hợp lý không. Với những toa thuốc chưa đạt yêu cầu, hội đồng giám định sẽ đưa ra những chứng cứ khoa học phản biện và những giải pháp tối ưu, thay thế bằng những loại thuốc phù hợp hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Thực tế, với việc kê thuốc có thuốc cấm, chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở. Không ai bảo vệ được cho người bệnh trừ phi bị hội đồng thuốc và điều trị của BV phát hiện. Riêng trường hợp bác sĩ phòng mạch tư kê toa thì càng khó xử lý.
Một bác sĩ trong hội đồng thuốc và điều trị ở một BV hạng 1 tại TP.HCM cho biết, ở nước ngoài, khi bác sĩ bị phát hiện kê thuốc cấm cho thai phụ, chắc chắn phải bồi thường do lỗi của mình gây ra. Và, thai phụ đó tiếp tục được theo dõi đến suốt thai kỳ và sau sinh để xem trẻ sinh ra có bị dị tật hay không. Nếu trẻ sinh ra bị dị tật thì bác sĩ đó tiếp tục bồi thường cho sản phụ. Với những bác sĩ liên tục sai phạm hoặc sai phạm nghiêm trọng thì không chỉ có trách nhiệm bồi thường mà còn bị tước giấy phép hành nghề.
Để nắm được việc bác sĩ nào kê toa thì tất cả các toa thuốc được vi tính hóa trên hệ thống máy tính do BV quản lý. Trong khi ở Việt Nam, hiện các BV không thể kiểm soát hết được hàng ngàn toa thuốc được kê ra mỗi ngày. Việc bác sĩ kê toa thuốc sai nếu bị phát hiện chỉ mới dừng lại ở hình thức cao nhất là khiển trách, giải quyết nội bộ, trừ khi người bệnh tự phát hiện kiện bác sĩ, tuy nhiên điều này khá hiếm.
Văn Thanh