Kẻ nhập viện, người tử vong vì trị bệnh bằng 'thần dược' dân gian

02/08/2019 - 07:00

PNO - Hai ngày qua, giới bác sĩ sửng sốt với hai trường hợp nhập viện do chữa bệnh co giật bằng uống sừng tê giác và chữa nấm bằng cách đắp kiến ba khoang.

Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen chữa bệnh bằng “thần dược” dân gian như: uống nhau mèo trị hen suyễn, uống nọc rắn trị ung thư... Mất hàng trăm triệu để mua “thần dược” để rồi bệnh nhân lâm vào cảnh kẻ nhập viện, người tử vong.

Ảo tưởng về “thần dược”

11g, chiếc xe du lịch chở khách từ TP.Vũng Tàu về TP.HCM tấp vào quán cơm ở tỉnh Đồng Nai. Chừng 10 phút sau, một người đàn ông tay ôm bình rượu rắn đến chào mời: “Đây là rượu rắn hổ mang trị đau lưng, nhức mỏi và điều hòa được cả huyết áp. Ai mua thì tôi bán rẻ 2 triệu đồng”.

Cả bàn khách xôn xao vì giá rẻ bèo của bình “thần dược”. Ít phút sau, bình rượu “quý” đã được người đàn ông ở TP.HCM mua về với mục đích trị bệnh đau lưng.

Ke nhap vien, nguoi tu vong vi tri benh bang 'than duoc' dan gian
Nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do điều trị ung thư bằng rượu rắn

Câu chuyện rượu ngâm rắn và các loại côn trùng được quảng cáo như “thần dược” ở các trạm dừng chân xe khách không mới, nhiều người vẫn tin vào công dụng của những bình rượu không rõ nguồn gốc này và mua về trị bệnh. 

Ông Nguyễn Văn L., quê Bình Dương, hiện đang điều trị tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, ăn ngủ không được, ói và tiêu chảy. Bị ung thư phổi giai đoạn cuối, phải nhập viện điều trị nhưng gặp ai bệnh nhân này cũng kể chuyện mình suýt khỏi bệnh nhờ điều trị bằng “thần dược” là... 100 con rắn hổ đất. Nghe nói vùng Bến Cát (tỉnh Bình Dương) có ông thầy chuyên trị ung thư bằng rắn hổ đất nên ông tìm đến điều trị.

“Thầy bảo rắn tự nhiên bán 1 triệu đồng/kg. Cách trị bệnh ung thư bằng rắn là uống mỗi ngày một con hoặc ba ngày/con. Ngày đầu uống máu, hôm sau uống nọc rắn pha rượu rồi xác rắn thì hầm đu đủ hoặc nấu cháo. Mấy ngày đầu uống vô thấy khỏe nên tôi uống hết 100 con, tốn khoảng 100 triệu đồng”, ông L. kể.

Ông L. khẳng định nhờ uống rắn mà mình khỏe lên nhưng hiện ông đang phải điều trị vì tiêu chảy, ói và tràn dịch màng tim. Chiều 28/7, bệnh nhân này lên cơn khó thở và được chuyển qua phòng hồi sức cấp cứu. Nhiều bệnh nhân cùng phòng tiếc nuối: “Giá như ông L. dành 100 triệu đồng mua rắn để xạ trị, điều trị bệnh thì bệnh tình có lẽ sẽ chuyển biến tốt hơn”.

Chị N.T.T., ngụ Q.Bình Tân, có con trai 7 tuổi, bị hen suyễn, nghe chỉ dẫn nhau mèo có thể trị dứt điểm bệnh này nên hằng tháng chị đều đi “săn” nhau mèo về trị bệnh cho con. Trên thị trường, hiện giá nhau mèo được bán dao động từ 3-5 triệu đồng/cái.

Hai năm qua, con chị đã sử dụng tám cái nhau mèo, tốn hết khoảng 40 triệu đồng nhưng có khỏi bệnh hay không thì vẫn phải chờ… năm tới. “Người ta chỉ ngâm rượu, chấm đầu đũa vào cho cháu mút, rồi ăn luôn phần nhau... Vừa trị thuốc dân gian, tôi vừa phải dắt cháu đi khám định kỳ ở bệnh viện. Giờ lỡ theo thuốc dân gian rồi thì mình phải dùng đủ ba năm mới biết khỏi hay không”, chị T. Nói.

Người tử vong, kẻ nhập viện

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận bé N.K.A.D. (22 tháng tuổi, ở H.Củ Chi) trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Gia đình cho biết, trước khi nhập viện vài giờ có cho bé uống bột mài từ sừng tê giác, do một người bạn cho để chữa tình trạng co giật. Sau đó, vì thấy con bị sốt, các đầu ngón tay xanh tím nên vội đưa bé đi cấp cứu.

Ke nhap vien, nguoi tu vong vi tri benh bang 'than duoc' dan gian
 

Ngày 1/8, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) - cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.M., ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét do đắp kiến ba khoang.

Anh M. cho biết, bị nấm bẹn, vùng da rát đỏ và có nhiều mụn nước nhưng anh ngại tới bệnh viện. Vì vậy, anh làm theo bài thuốc dân gian được người quen khẳng định là “gia truyền”, bắt cả mớ kiến ba khoang về giã nát rồi đắp lên vùng bị nấm. Ngay sau đó, vùng da này bị lở loét nặng nề, hoại tử khiến anh đau đớn không chịu được và phải vào bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhân Lê M.T., quê Bến Tre, khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM và được chẩn đoán bị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 3. Bác sĩ đưa phác đồ điều trị là hóa trị để ngăn chặn sự phát triển của khối u. Vô được toa thứ hai thì bệnh nhân bỏ ngang.

4 tháng sau, T. vào cấp cứu tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM trong tình trạng hôn mê. Người nhà cho biết, sau hóa trị lần 2, sức khỏe của T. tốt hơn nhưng nghe người ta nói uống máu và nọc rắn hổ đất sẽ hết bệnh nên T. dùng thử. Uống đến con thứ ba thì T. hôn mê, gia đình phải chở lên bệnh viện cấp cứu.

Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cho biết: “Sức khỏe của bệnh nhân đã suy kiệt, độc tính của rắn hổ quá nặng, bệnh nhân bị suy đa tạng nên không thể cứu được”.

Mấy chục năm trong nghề, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bỏ ngang phác đồ điều trị để trị bằng “thần dược” truyền miệng như: máu, nọc độc các loại thú và bi kịch ập đến.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh khẳng định: “Ngày nay, y học rất phát triển, đã chữa được nhiều loại ung thư, kể cả ung thư giai đoạn muộn cũng có thể điều trị giúp bệnh nhân duy trì, kéo dài sự sống. Hiện nay, có nhiều cách để chữa ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp trúng đích… nên bệnh nhân ung thư cần phải có niềm tin vào bác sĩ và giữ vững tinh thần, cùng chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật. Đừng bỏ ngang điều trị sẽ làm tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, gây nguy hiểm tính mạng”. 

Bệnh hiểm nghèo và niềm tin mù quáng

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày (cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), giảng viên bộ môn y học Trường đại học Y Dược TP.HCM - chia sẻ: “Khi mắc bệnh nan y như ung thư, nhiều bệnh nhân và người thân thường quan niệm: dao kéo khối u, xạ trị, hóa trị làm người bệnh càng mau chết nên có tâm lý tìm đến các bài thuốc dân gian.

Nghe ai chỉ thầy giỏi thuốc hay, dù đó là rắn rết, bò cạp, mật cóc đầy độc tố, dễ chết người cũng uống liều. Điều này rất đáng tiếc, vì bệnh nhân bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh, làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn”. 

Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ khẳng định, chưa có sách vở hay công trình nghiên cứu nào cho rằng, rắn chữa khỏi bệnh ung thư. Dùng nọc rắn bằng cách uống trực tiếp thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong bởi độc tính cao.

Ung thư là một căn bệnh, kể cả đông hay tây y, phải được thăm khám, chẩn đoán để điều trị hiệu quả chứ không phải phong trào “trăm hoa đua nở”, ai muốn điều trị thế nào cũng được.

Người dân khi mắc bệnh nan y thì vái tứ phương, việc đó bác sĩ rất thấu hiểu, nhưng cần phải tỉnh táo và tìm bệnh viện có uy tín để điều trị. Tuyệt đối không bỏ ngang phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh viện để chạy theo các bài thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được khoa học kiểm chứng. 

Không có tài liệu nói nhau mèo chữa hen suyễn

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Võ Văn Chi - tác giả cuốn sách Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam - cho biết, từ trước đến nay bản thân ông chưa đọc được tài liệu nghiên cứu nào nói về công dụng chữa bệnh của nhau mèo. Theo ông, hầu hết công dụng chữa bệnh của nhau mèo chỉ được dân gian truyền miệng.

Ngay cả trong cuốn sách nói trên của ông hay một số sách nghiên cứu của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng chỉ ghi nhận công dụng chữa bệnh của thịt mèo, xương mèo, gan mèo chứ không có nhau mèo. Vậy, công dụng chữa hen suyễn của nhau mèo chỉ là lời đồn dân gian.

 Thùy Dương - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI