Kẻ - người - lớn - độc - ác

26/11/2017 - 22:44

PNO - Nếu không thể yêu thương trẻ, không tìm thấy chút hạnh phúc trong trẻo từ những ánh mắt hồn nhiên, đôi chân bé bỏng ấy thì tốt nhất đừng tự nhận mình là… con người!

Ngày 23/11, những hình ảnh đầu tiên về vụ người giúp việc tại Phủ Lý, Hà Nam đánh, tát, nhồi cháu bé 2 tháng tuổi nhiều lần trên không chỉ vì cháu khóc, dỗ hoài không nín. Ngày 25/11, hình ảnh cháu gái N.H.N.T (7 tuổi) ở Kiên Giang với vết lở một bên má và hai cánh tay mà theo lời em là bị cha dùng một thanh sắt nung đỏ rồi dí vào.

Ke - nguoi - lon - doc - ac
Hình ảnh bé gái 7 tuổi bị bạo hành ở Kiên Giang

Và đây, cuộc sống đọa đày của 40 đứa trẻ tại ngôi nhà số 65N/2 đường HT5, P. Hiệp Thành, quận 12 đã và đang được vén lên. Nên nhớ, trước đó, địa ngục này đã tồn tại, mỗi ngày, những trò tra tấn trẻ vẫn diễn ra đằng sau cánh cổng màu xanh ấy. Và còn nhiều nơi, nhiều góc khuất khác nữa…

Dưới cái tên Mầm xanh, mang chức trách chăm lo, săn sóc 40 mầm non (từ 12 tháng đến 5 tuổi), là những khuôn mặt người lớn nhưng mang mầm ác độc, tàn bạo, dối trá.

Ăn chậm, ngủ khó là bị đánh lên đầu, bị tát vô mặt, bị dậm, đá chân lên ngực. Chúng có thể bị ném từ bất cứ phía nào, vật dụng gì nếu không nghe lời, thậm chí, có cả “món” dao bản to dí ngay vào mặt kèm lời dọa giết. Ăn bị nôn trớ là bị bắt ăn lại. Hai bé thường bị viêm đường ruột thì bắt ngồi bô suốt ngày, đến hâm lở.

Linh – chủ trường và Quỳnh, giáo viên – thừa biết những gì chúng làm là tội lỗi nên chúng rất ma mãnh biết đối phó, dối trá. Trước khi tan trường, giao các bé cho phụ huynh, chúng cũng giăng diễn nào là múa hát, lau mặt cho các bé, ai biết, 40 trẻ dùng chung 2 cái khăn, 2 chậu nước, chỉ cần 1 bé mang bệnh, khả năng truyền nhiễm, lây lan là chắc chắn.

Tận mắt xem hình ảnh tung nhồi đứa bé lên cao, day giật nó, tát nó của bà Nguyễn Thị Hàn. Bàng hoàng. Rùng mình.

Cố không nhìn vào vết lở của bé gái ở Kiên Giang bởi cảm giác như hơi nóng từ que sắt của người cha táng tận dí vào chính da thịt con mình. Bất nhẫn. Tàn bạo.

Và những trò quái gở ở Mầm Xanh, chỉ có thể gào lên trong nỗi căm phẫn bởi sự độc ác của những kẻ nhân danh, giả dối làm cái công việc chăm trẻ để hành hạ trẻ.

Ke - nguoi - lon - doc - ac
Màn dí dao bản vào mặt trẻ kèm lời dọa giết tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh

Phép tắc, thủ tục, chúng có đầy đủ. Cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, đột xuất, chúng đối phó và qua mắt được hết. Chỉ có thứ lương tri - ở những người lớn này – là núp trong bóng tối, che đậy và gian xảo, ở đó, ngay trước mặt những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, chưa có kỹ năng để bày tỏ, phản ứng (cho người thân chúng hiểu), thứ lương tri ấy đã chết.

Thì cũng ngay Kiên Giang, đang diễn ra Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, lại còn mang hẳn chủ đề: “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, thế mà bé gái 7 tuổi mỗi ngày vẫn đi học với vết lở trên má và hai cánh tay.

Hay tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2017 tổ chức liên tiếp 3 ngày tại Hà Nội vào cuối tháng Tám vừa qua cũng đã tập hợp 23 thông điệp của 200 trẻ em đại diện cho tiếng nói trẻ em cả nước để gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Thì nào cũng là “bạo lực không bao giờ là cách giải quyết tốt nhất”, “Hãy chấm dứt những hình phạt bạo lực trẻ em trong nhà trường”…

Nhưng, liệu chừng những thông điệp hay ho ấy có xuống đến từng cộng đồng kia, có len vào trong suy nghĩ, hành vi của những Hàn, Linh, Quỳnh để họ tự kiểm soát mà thôi không làm đau những đứa trẻ?

Hay thông điệp thì cứ vươn cao, còn sự tàn bạo, độc ác thì vẫn thản nhiên mà…xuống tay? Để mỗi ngày qua đi, tiếng khóc ấy cứ yếu ớt dần, những buổi đến lớp là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Trẻ chưa biết nói hay bập bẹ, chúng chỉ có mỗi ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ yêu thương và cần được bảo vệ, chăm sóc.

Và các bé đã phải câm nín trước sự tàn nhẫn của kẻ - người – lớn – ác – độc kia!

***

Ke - nguoi - lon - doc - ac
Nếu không thể yêu thương trẻ, không tìm thấy chút hạnh phúc trong trẻo từ những ánh mắt hồn nhiên, đôi chân bé bỏng ấy thì tốt nhất đừng tự nhận mình là… con người!

Một dòng trạng thái kêu cứu được ai đó đẩy lên trên mạng xã hội. Lập tức, chúng tôi lên phương án thâm nhập để tìm mọi cách tiếp cận, giải cứu trẻ.

Ngay buổi sắm vai bảo mẫu đầu tiên, từ nhà trọ, phóng viên Báo Phụ Nữ đã gọi về trong sự thảng thốt vì không tin nổi những gì mà các bé đang phải trải qua từng ngày. Chúng tôi cùng chung tâm trạng, phải nhanh chóng thu thập thông tin, hình ảnh để cung cấp và phối hợp cùng cơ quan chức năng sớm giải cứu các bé. Chậm ngày nào là tội tình và nguy hiểm cho trẻ ngày đó. Nhưng, càng vào sâu, những chiêu trò đối phó của chủ trường càng kềm chân chúng tôi để cố gắng tìm cho ra chân tướng của những vụ việc quái dị diễn ra bên trong ngôi nhà 65N/2 này. 

Vụ việc bị bung bất ngờ. Chiều ngày 24/11, ngay sau cuộc kiểm tra của Phòng Giáo dục quận 12, phóng viên Báo Phụ Nữ bị chủ trường nghi ngờ và cho tiến hành lục soát, kiểm tra. Tối 24/11, chúng tôi buộc phải rút phóng viên ra khỏi địa bàn. Bảo toàn tính mạng của phóng viên. Nhưng ai sẽ mang lại sự an toàn, lành lặn cho 40 đứa trẻ ở Mầm Xanh?

Nếu không thể chịu được tiếng khóc của trẻ, không đủ lòng kiên nhẫn để dỗ trẻ, chăm bón bữa ăn giấc ngủ cho trẻ thì tốt nhất đừng chọn cái công việc chăm trẻ, ở gần trẻ.

Nếu không thể yêu thương trẻ, không tìm thấy chút hạnh phúc trong trẻo từ những ánh mắt hồn nhiên, đôi chân bé bỏng ấy thì tốt nhất đừng tự nhận mình là… con người!

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI