Kế hoạch xây dựng siêu đập của Trung Quốc ở Himalaya khiến Ấn Độ “mất ngủ”

12/04/2021 - 20:18

PNO - Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một con đập siêu lớn với sản xuất điện năng lớn gấp ba lần sản lượng điện của đập Tam Hiệp, nhà máy điện lớn nhất thế giới ở Trung Quốc. Kế hoạch của Bắc Kinh khiến các nhà bảo vệ môi trường khu vực và nước láng giềng Ấn Độ lo ngại sâu sắc.

Công trình dự kiến bắc ngang qua sông Brahmaputra trước khi con đường thủy này rời khỏi dãy Himalaya và chảy vào Ấn Độ, cắt ngang hẻm núi dài nhất và sâu nhất thế giới - Ảnh: AFP
Công trình dự kiến bắc ngang qua sông Brahmaputra trước khi con đường thủy này rời khỏi dãy Himalaya và chảy vào Ấn Độ, cắt ngang hẻm núi dài nhất và sâu nhất thế giới - Ảnh: AFP

Dự án ở huyện Medog (Mạt Thoát) dự kiến ​​sẽ phá vỡ kỷ lục sản xuất điện của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở miền Trung Trung Quốc, và được ghi nhận có công suất 300 tỷ kilowatt điện mỗi năm.

Dự án đại thủy điện Medog được đề cập trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, và được công bố hồi tháng 3/2021. Nhưng kế hoạch đưa ra thiếu chi tiết, không xác định khung thời gian hoặc nguồn ngân sách.

Bắc Kinh có thể biện minh cho dự án khổng lồ này như một giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch và thân thiện với môi trường, nhưng nó có nguy cơ gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà bảo vệ môi trường giống như trường hợp đập Tam Hiệp - được xây dựng từ năm 1994 đến 2012.

Đập Tam Hiệp tạo ra một hồ chứa nước khổng lồ và di dời 1,4 triệu cư dân lên thượng nguồn.

Brian Eyler, Giám đốc chương trình năng lượng, nước và tính bền vững tại Trung tâm tư vấn Stimson (Mỹ) cho biết: “Xây dựng một con đập có kích thước bằng siêu đập Tam Hiệp là một ý tưởng thực sự tồi tệ vì nhiều lý do”.

Ngoài các hoạt động địa chấn được biết, khu vực này còn chứa đựng một sự đa dạng sinh học độc đáo. Ông Eyler cho biết con đập sẽ ngăn chặn sự di cư của cá cũng như dòng chảy phù sa làm giàu đất đai trong các trận lũ lụt theo mùa ở hạ lưu.

New Delhi cũng bày tỏ sự lo ngại trước dự án này của Bắc Kinh. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang ở vị thế kiểm soát phần lớn nguồn cung cấp nước ở Nam Á.

Tháng trước, nhà khoa học chính trị Brahma Chellaney viết trên tờ Times of India (TOI): "Chiến tranh giành nguồn nước là một thành phần quan trọng của cuộc chiến vì chúng cho phép Trung Quốc tận dụng sức mạnh ở trung tâm thượng nguồn Tây Tạng đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhất là nước". Ông cảnh báo rủi ro của hoạt động địa chấn sẽ khiến đập nước trở thành một "quả bom nước" đối với cư dân ở hạ lưu.

Phản ứng với ý tưởng xây dựng đập của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã nhắc đến triển vọng xây dựng một con đập khác trên sông Brahmaputra để bồi đắp nguồn dự trữ nước của quốc gia.

Ông Eyler nói: “Vẫn còn nhiều thời gian để đàm phán với Trung Quốc về tương lai của siêu đập và những tác động của nó. Nhưng nếu kết cục tồi tệ, Ấn Độ sẽ buộc phải xây dựng một con đập ở hạ lưu Brahmaputra”.

Việt Hưng (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI