Kế hoạch tiêm mũi Pfizer thứ ba được đón nhận như thế nào?

10/07/2021 - 09:02

PNO - Dù công ty dược phẩm sinh học Pfizer thông báo rằng có thể đã đến lúc cân nhắc việc tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho mọi người, nhưng nhiều bác sĩ và quan chức y tế công cộng cho rằng lúc này tiêm vắc xin cho những người chưa được tiêm chủng sẽ có lợi hơn là tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm đủ hai liều.

Kế hoạch tiêm tăng cường liều vắc xin thứ ba của Pfizer đang gây nên những tranh cãi về sự cần thiết phải thực hiện việc này - Ảnh: CNN
Kế hoạch tiêm tăng cường liều vắc xin thứ ba của Pfizer đang gây nên những tranh cãi về sự cần thiết phải thực hiện việc này - Ảnh: CNN

"Thật tuyệt vời khi một liều vắc xin tăng cường, sẽ được phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp, sẵn sàng bất cứ lúc nào chúng ta cần. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta cần nó ngay bây giờ", tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Y khoa Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, Giám đốc y vụ Quỹ Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm, nói với CNN hôm 9/7.

Trước đó một ngày, các công ty dược phẩm sinh học Pfizer và BioNTech thông báo rằng liều vắc xin thứ ba của họ - được tiêm sau liều thứ hai 6 tháng - sẽ có tác dụng duy trì "mức độ bảo vệ cao nhất" ở những người đã được tiêm chủng.

Pfizer và BioNTech chỉ thông báo mà không công bố bất kỳ dữ liệu mới nào, nhưng người phát ngôn của Pfizer sau đó nói với báo giới rằng công ty có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều tăng cường lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào tháng 8.

Chỉ vài giờ sau khi Pfizer/BioNTech thông báo về mũi vắc xin tăng cường, FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã lên tiếng trong một tuyên bố chung chưa từng có tiền lệ, nhấn mạnh rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ "không cần tiêm nhắc lại vào thời điểm này" và những người chưa được tiêm phòng nên “tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân và cộng đồng”.

Tuyên bố cũng cho biết, "chúng tôi sẵn sàng phê duyệt các liều tăng cường chỉ trong trường hợp và khi khoa học chứng minh rằng chúng là cần thiết”.

Phát biểu với CNN hôm 9/7, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NAID), nói: "Chúng tôi tôn trọng những gì Pfizer/BioNTech đang làm, nhưng công chúng Mỹ nên nghe theo lời khuyên của CDC và FDA; một thông điệp rất rõ ràng CDC và FDA muốn đưa ra là nếu bạn đã được tiêm chủng đầy đủ vào thời điểm này, bạn không cần tiêm nhắc lại”.

Các nhà sản xuất vắc xin đang xem xét những gì có thể cần thiết trong tương lai, trong khi các quan chức y tế công cộng tập trung vào nhu cầu tiêm chủng hiện tại.

Một số bằng chứng thực tế về khả năng miễn dịch suy giảm đối với vắc xin COVID-19 của Pfizer đã xuất hiện ở Israel, và Bộ Y tế Israel hôm 5/7 đưa ra một tuyên bố ngắn gọn cho biết một phân tích cho thấy vắc xin Pfizer ít có khả năng bảo vệ chống lại các ca bệnh nặng hơn trước đây và liên kết sự thay đổi này với sự lây lan của biến thể Delta. Bộ Y tế Israel cho biết họ phát hiện hiệu quả của vắc xin Pfizer giảm từ hơn 90% xuống còn khoảng 64% khi biến thể Delta (B.1.617.2) lan rộng khắp đất nước.

Nói về sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường, đặc biệt trong việc bảo vệ con người chống lại các biến thể virus mới xuất hiện, giáo sư  Schaffner cho rằng vắc xin Pfizer và các loại khác đã được chứng minh là “vẫn có tác dụng bảo vệ”.

Theo ông, việc một người đã được tiêm vắc xin nhập viện vì căn bệnh liên quan đến COVID-19 thực sự không phổ biến, điều này củng cố thêm quan điểm rằng những vắc xin này vẫn đang phát huy tác dụng chống lại các biến thể virus, vì theo ước tính của CDC, biến thể Delta hiện chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm mới COVID-19 ở Mỹ. Nhìn chung, vì khả năng bảo vệ của vắc xin chống các ca bệnh nặng COVID-19 vẫn còn cao, nên những người đã tiêm chủng đầy đủ “không nên lo lắng”, ông Schaffner nói.

Vậy khi nào chúng ta sẽ cần đến liều vắc xin thứ ba? Các chuyên gia cho biết cần có thêm dữ liệu để quyết định xem liệu cuối cùng mọi người có cần tiêm thêm liều vắc xin tăng cường hay không.

Các cố vấn liên bang về vắc xin (Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng của CDC) tháng trước cho biết sự gia tăng những ca “đột phá” - các trường hợp lây nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm chủng đầy đủ - có thể cung cấp một gợi ý trong tương lai.

Hầu hết các thành viên của ủy ban đều đồng ý rằng cần có thêm dữ liệu về lợi ích của liều tăng cường, nhưng sự gia tăng các ca lây nhiễm "đột phá" có thể là dấu hiệu trong tương lai cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu đi và đã đến lúc đánh giá lại nhu cầu về liều tăng cường.

Trong tương lai, có một số người có thể hưởng lợi từ liều vắc xin tăng cường hơn những người khác, trong đó có những người bị suy giảm miễn dịch. Giáo sư Schaffner cho biết những bệnh nhân thuộc nhóm này chiếm từ 2% đến 4% dân số Hoa Kỳ. Ví dụ, những người ghép tạng có thể không có phản ứng đầy đủ với vắc xin vì họ dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để giảm nguy cơ cơ thể từ chối các cơ quan mới được cấy ghép.

Ngoài ra, trong số những bệnh nhân không có kháng thể sau khi tiêm hai liều vắc xin, 1/3 trong số họ thấy sự gia tăng kháng thể sau liều thứ ba, và trong số những người có lượng kháng thể thấp sau hai liều, tất cả đều thấy sự gia tăng sau liều thứ ba.

Cẩm Hà (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI