Tôi nhớ, khi chúng tôi còn học tiểu học, trung học cơ sở, thì 1 năm làm kế hoạch nhỏ chừng 2 lần, khi thì gom quần áo cũ (nghe nói để các chú bộ đội lau súng, hay xe cộ trong quân đội), khi thì gom bìa cứng, sách báo cũ. Mỗi lần làm kế hoạch nhỏ là chúng tôi vui vẻ, háo hức vì nghĩ mình đã làm một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
|
"Kế hoạch nhỏ" của các con lại là áp lực của cha mẹ - Ảnh minh họa |
Nhưng ngày nay, làm kế hoạch nhỏ khác xưa rất nhiều.
Chị Tâm ở Hà Nội có 2 con nhỏ đang học tiểu học, việc các con làm kế hoạch nhỏ khiến chị trở nên tất bật.
Đầu tiên, kế hoạch nhỏ là gom 100 vỏ lon (các loại). Nhà trường vừa thông báo hôm trước thì hôm sau các con đã phải nộp rồi. "Trong vòng 1 ngày, làm sao ba các con uống đủ 100 lon bia để các con lấy vỏ lon được" - chị Tâm và các phụ huynh đùa với nhau như thế trong nhóm chat của lớp. Nhưng đùa vui thì đùa, thực tế là hôm sau mỗi đứa trẻ sẽ phải mang 100 vỏ lon đến trường nộp.
Không thể có 100 vỏ lon nhanh như thế, các phụ huynh chỉ còn cách mua ở hàng phế liệu.
Kế hoạch gom 100 vỏ lon của con trai nhỏ vừa kết thúc, thì đến kế hoạch gom 5kg giấy vụn của con gái lớn, và cũng với chiêu “thông báo hôm trước, hôm sau nộp”.
Kết thúc 2 vụ “kế hoạch nhỏ” vất vả, lại đến phong trào mỗi học sinh nhường 1 bữa sáng để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Chị Tâm vui vẻ cho con trai 20.000 đồng để nộp “kế hoạch nhỏ” nhưng đến tối, cô giáo đăng bảng tổng kết lên nhóm chat của lớp, trong đó, những học sinh góp nhiều tiền nhất được tuyên dương ở đầu danh sách, còn những em góp 15.000, 20.000 đồng thì bị đẩy xuống cuối cùng, cô còn cẩn thận bôi mực đỏ vào tên các em góp ít tiền, như một lời "nhắc nhở”.
Chị Tâm bức xúc: "Nhà trường phát động phong trào mỗi học sinh nhường 1 bữa ăn sáng, tôi đưa cho con 20.000 đồng, vì mỗi ngày bé chỉ ăn sáng như vậy. Tôi không hề biết con nhà người ta dùng tới 500.000 đồng cho một bữa sáng". Chị ý kiến trong nhóm chat, thì những phụ huynh có con góp nhiều tiền bảo “Phụ huynh bạn C. không góp nhiều thì cũng nên kệ người ta góp nhiều. Này là chung tay giúp đỡ người nghèo, mà tùy tâm chứ không ép buộc.
Dù vậy, chị Tâm vẫn thấy… sai sai. Chị thấy, ngày nay, học sinh làm kế hoạch nhỏ dường như không phải là làm việc tốt, và các em không có sự hào hứng, còn phụ huynh lại phải đối phó cho xong chuyện.
"Kế hoạch nhỏ mà áp lực to quá" - chị Tâm thở dài ngao ngán. Chị nói rằng chỉ mong nhà trường xem lại cách làm, chứ thế này, không chỉ chị, mà các phụ huynh khác cũng vô cùng đau não.
Huyền Anh