|
“Tứ giác vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM hiện đã do tư nhân đứng tên quyền sử dụng đất - Ảnh: Cafeland |
Các vụ án gây thất thoát vốn nhà nước, “tư hữu hóa” tài sản công trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang là “mồi lửa” hàng đầu trong các bức xúc xã hội. Một bộ phận người dân dường như mặc nhiên xem các vụ án mà cái tên dân gian gắn liền với địa chỉ các khu “đất vàng” tại quận 1 (TPHCM) như 15 Thi Sách, 8-12 Lê Duẩn, 2-4-6 Hai Bà Trưng… là do con buôn giỏi lách luật và cán bộ quản lý kém, hay còn căn nguyên nào khác nữa?
Trao đổi với hai luật sư Nguyễn Đăng Vỹ và Nguyễn Hồ (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), chúng tôi hầu mong thấy được phần nào bản chất vấn đề nhức nhối mà các vụ án đã được “gọi tên”, thật ra cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm này.
Phóng viên: Một điểm chung “quái lạ” ai cũng thấy trong các vụ án “đất vàng” bị tư nhân thâu tóm, đó là trong quá trình giao đất để thực hiện dự án, rồi tiến hành cổ phần hóa (CPH)… thì các công sản này đã bị định giá rẻ bèo?
- Ông Nguyễn Đăng Vỹ: Mục đích định giá thấp đất công khi góp vốn CPH là ý chí của doanh nghiệp nắm giữ vốn nhà nước. Ý chí đó chỉ nhằm vào tư lợi bằng cổ phiếu ưu đãi và mục đích sau đó hầu như là nhằm hình thành đơn vị thứ ba mua lại hay thâu tóm. Hay nói cách khác, khi CPH, doanh nghiệp góp vốn nhà nước bằng hình thức giao đất. Sau khi góp vốn rồi thì nhanh chóng chuyển quyền sử dụng đất sang cho đơn vị thứ ba để hợp thức hóa tài sản.
Chả ai dại gì đem hạ thấp giá trị tài sản xuống góp vốn rồi để đó cả. Chẳng qua là nhằm làm suy giảm giá trị tài sản nhà nước đó để cho doanh nghiệp thứ ba được lợi mà thôi. Cái đó không thể che mắt được dư luận.
Một cách khách quan nhất, tôi cho rằng khi chuyển nhượng một tài sản, một dự án hay thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước mà giá không sát với thị trường thì rõ ràng đã làm thiệt hại cho Nhà nước. Việc định giá đất rất thấp thường không có đơn vị khách quan để thẩm định. Đúng ra cần qua một đơn vị kiểm toán độc lập đánh giá để tránh thất thoát.
|
Luật sư Nguyễn Đăng Vỹ |
* Nếu vấn đề là thiếu công tác thẩm định giá, vậy thì thưa ông, có chi tiết này, năm 2011, UBND TPHCM ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng theo giá thị trường là hơn 1.236 tỷ đồng. Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, trực thuộc Bộ Công thương) không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quyết định này. Nhưng không hiểu sao, 3 năm sau, họ có chứng thư thẩm định lại giá gửi Sở Tài chính TPHCM, xác định giá trị quyền sử dụng khu đất chỉ hơn 997 tỷ đồng. Lạ hơn, mức giá này được Hội đồng thẩm định giá TPHCM thống nhất?
- Trách nhiệm này thuộc về địa phương trong giao đất, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất… Thẩm quyền Luật Đất đai giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố trở lên quản lý, quyết định thông qua các cơ quan tham mưu cấp dưới. Vậy trong quá trình cơ quan cấp dưới tham mưu lên, UBND thành phố đã kiểm tra, thẩm định đến đâu? Trường hợp Sabeco không thực hiện nghĩa vụ tài chính mà sau 3-4 năm lại định giá thấp xuống thì quả là hết sức thắc mắc. Có phải giá ngày xưa lại có “khả năng” cao hơn giá ngày nay hay sao?
Ở đây, tôi muốn nhắc đến công tác cán bộ. Trong các vụ án gây thiệt hại công sản, cơ quan điều tra phần lớn khởi tố các vị cán bộ nguyên là lãnh đạo bộ ngành, tỉnh thành với các hành vi thường là “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” hoặc “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Thế nhưng, bên cạnh một thực tế có những người quản lý cấp cao chưa được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành bài bản, dẫn đến việc ra quyết định một cách thiếu hiểu biết, thì có thể nói, hầu hết các vụ án vẫn chưa làm rõ được hành vi có tư lợi hay không? Tất nhiên, cứ cho là suy diễn, nhưng có thể thấy rằng nếu không tư lợi thì không ai lại đi làm thất thoát tài sản nhà nước để nhận lãnh hậu quả pháp lý nặng nề cả.
Việc cán bộ, đảng viên suy thoái về mặt đạo đức là có thật. Nhưng cơ quan chức năng chỉ mới nhìn đơn thuần vào mặt thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà chưa đi sâu vào động cơ cá nhân của những người này, thì đó mới là “kẽ hở” của việc thực thi pháp luật.
|
“Tứ giác vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM hiện đã do tư nhân đứng tên quyền sử dụng đất |
* Thưa ông, ngoài thiếu thẩm định giá độc lập, các vi phạm nghiêm trọng cũng thường xảy ra trong quy chế đấu thầu liên quan việc triển khai dự án có vốn nhà nước?
- Thực tế đấu thầu chẳng qua là hình thức. Tôi thấy nên cải tổ về Luật Đấu thầu, sao cho các đơn vị chủ quản không thể chi phối đem “sân sau” vào. Luật phải cụ thể hóa để loại được các đơn vị tham gia đấu thầu là “chân gỗ”.
Nghĩa là những đơn vị không có năng lực cạnh tranh, không có khả năng vốn, không có năng lực thi công… nhưng vẫn được đưa vào tham gia đấu thầu hòng làm “Thúy Vân” đẩy “Thúy Kiều” là đơn vị được “chỉ định thầu” từ trước lên. Luật cũng cần có chế tài mạnh hơn để xử lý hành vi “chân gỗ”.
* Tình trạng doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện CPH thì thoái vốn để cho đơn vị thứ ba thường là tư nhân làm chủ hoàn toàn dự án, tài sản nhà nước đang như một “xu thế”?
- Ban đầu chủ trương của Chính phủ cho CPH là nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh sức khỏe của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhưng các nhà đầu tư cũng lợi dụng chủ trương này để chiếm dụng tài sản nhà nước dần dần bằng hình thức góp vốn. Quy định tại Nghị định 126/2017 của Chính phủ, Nhà nước phải nắm 51% cổ phần chi phối để chỉ định chủ tịch hội đồng quản trị. Các đơn vị thường dùng đất đai, tiền, tài sản khác để bảo đảm đủ tỷ lệ này khi CPH.
Sau khi thành một công ty cổ phần rồi thì doanh nghiệp đó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được chuyển nhượng, thoái vốn… Và trong quá trình hoạt động, việc thoái vốn nhà nước từ từ và phải “ưu tiên” cho cổ đông trong liên doanh mua. Như thế, dần dần để cho tư nhân nắm quyền quyết định.
Tuy nhiên, việc thoái vốn, bán cổ phần cũng phải làm theo quy định chứ không phải bát nháo như hiện nay thể hiện qua các đại án. Doanh nghiệp nhà nước CPH được xem là cổ đông sáng lập. Do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, muốn thoái vốn phải có thời gian tối thiểu 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
* Người dân hết sức quan tâm liệu có thể thu hồi các tài sản công đã bị tư nhân thâu tóm khi các bản án liên quan đến trách nhiệm quản lý vốn, tài sản nhà nước đã được tuyên?
- Ở điểm này, Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự cũng chưa có sự đồng nhất. Điều 63 Luật Đất đai thì được thu hồi tài sản do vi phạm hay giao dịch vô hiệu.
Nhưng Điều 133 Bộ luật Dân sự, quy định chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ mua bán, chuyển nhượng ngay tình. Có nghĩa là một khu đất của Nhà nước qua hợp đồng góp vốn vào doanh nghiệp CPH thì sau đó doanh nghiệp đó được công nhận quyền sử dụng đất. Nếu công ty tiếp tục chuyển nhượng lại cho đơn vị thứ ba một cách hợp pháp thì xem như khó hoặc không thể thu hồi.
Bởi có thể giao dịch ban đầu vô hiệu do vi phạm các quy định trong quá trình CPH nhưng giao dịch sau ngay thẳng thì xem như hợp pháp. Người thứ ba ngay tình thì Nhà nước phải có đủ tiền bồi thường cho họ thì mới thu hồi được vì họ mua bán hợp pháp. Còn ai sai người đó chịu trách nhiệm. Trong trường hợp nếu muốn nói đơn vị thứ ba là “sân sau” hay “không ngay tình” thì buộc lòng cơ quan chức năng phải chứng minh, rất khó cho công tác thu hồi. Tôi nghĩ nên xem xét điều chỉnh sự “cắn nhau” của hai luật này.
* Ông có đồng quan điểm này không, thưa luật sư Nguyễn Hồ?
- Ông Nguyễn Hồ: Khi nói lỗ hổng pháp luật tức là cách nhìn nhận của người đó đã sai. Bởi xét cho cùng, pháp luật chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài của đạo đức, lẽ phải. Nếu pháp luật hiện hành chưa kịp quy định thì cứ lấy cái gốc luật pháp là đạo đức, là lẽ phải ra để xét xử… Khi xử xong nó sẽ trở thành quy định pháp luật gọi là án lệ.
|
Luật sư Nguyễn Hồ |
Trước hết, trong câu chuyện quản lý nhà nước, rõ ràng chỉ có một lỗ hổng đó là việc kiểm tra, giám sát không nghiêm. Đồng thời, lỗ hổng lớn nhất đó chính là bản thân người làm công vụ, được trao phó trách nhiệm của Nhà nước đã thực thi nhiệm vụ theo tinh thần liêm chính hay chưa? Tôi cho rằng những người vi phạm trong các vụ đại án đều am tường luật lệ hơn ai hết. Việc cố ý vi phạm chỉ có thể quy về hai lý do là lợi ích tinh thần hoặc vật chất mà thôi. Tinh thần ở đây có khi là mưu đồ phá hoại, vật chất thì dễ thấy rồi.
Thứ đến, về câu hỏi tài sản thất thoát có thu hồi được không, theo tôi, với tinh thần pháp luật lấy đạo đức, lẽ phải làm đầu, thì có thể trả lời rằng chắc chắn thu hồi được. Trừ khi ra tòa, đội ngũ luật sư của các nhóm lợi ích quá mạnh có thể cãi trắng án, các bị cáo vô tội, thì coi như tư nhân hưởng các “đất vàng” này. Khả năng này e rằng không thể xảy ra.
Nếu các bị cáo bị tuyên có tội, các giao dịch bị coi là trái pháp luật, hành vi diễn ra giao dịch dân sự, mua bán ngay tình, thì quy định không được hồi tố. Nhưng có ba tình huống cho xử lý tài sản do giao dịch trái pháp luật mà có.
Một, bên “ngay tình” có tham gia vào hành vi trái pháp luật đó không? Bên mua và bên bán cùng nhau dựng nên câu chuyện để “cướp” tài sản chung của nhân dân cả hai phải trả lại đủ tiền. Ví dụ vụ án AVG.
Hai, anh không tham gia nhưng biết đó là hành vi phạm pháp mà vẫn mua và cơ quan tố tụng chứng minh được hành vi này, thì đó là tội danh theo Điều 323 Bộ luật Hình sự “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Ba, nếu bên mua hoàn toàn không biết, chỉ thấy “bán rẻ” mà mua thì tình huống này giữa Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự có móc nối với nhau. Lúc này, cơ quan thực thi pháp luật quay trở lại Điều 123 Bộ luật Dân sự giao dịch vô hiệu vì vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc đó quy định trong Điều 131 Bộ luật Dân sự rằng tài sản của ai trả lại người nấy. Đây là kịch bản nhẹ nhất mà luật sư bên bị hướng tới.
* Ông nghĩ sao khi theo một vài tờ báo, Bộ Công an đề nghị cần thiết phải xem xét, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn vốn nhà nước?
- Theo tôi, với những quy định hiện hành chỉ cần thực thi và quản lý với tinh thần liêm chính và thận trọng thì chả bao giờ Nhà nước thất thoát được.
*Xin cảm ơn hai ông đã chia sẻ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Hai “thủ môn” trấn giữ tài sản công, nhưng vẫn bị tư nhân đá “lọt lưới”
Câu chuyện mất mát tài sản công rất lớn ở khâu đất đai, theo tôi, khi CPH doanh nghiệp nhà nước chỉ được CPH nhà máy, thương hiệu, hệ thống phân phối, nhân lực… còn đất thì hoàn toàn của Nhà nước. Khi tách rời câu chuyện đó hay quản lý kém để tổ chức tư nhân và một số cán bộ nhà nước “phù phép” tư hữu hóa thì xin phép nói trắng ra là Nhà nước bị “cướp” tài sản.
Nói thật, tài sản nhà nước, ở đây là đất công, luôn được quản lý “dọc ngang”. Ví dụ các bộ ngành, nổi lên vừa qua là Bộ Công thương, cho phép CPH đó là quản lý ngành dọc. Còn giao đất là trách nhiệm của chính quyền địa phương ngành ngang. Như vậy, nói vui là chúng ta có đến hai “thủ môn” nhưng vẫn để lọt lưới. Hai “thủ môn” này cố tình “bán độ” cho các “tiền đạo đối phương” sút vào lưới chứ làm sao mà “ghi bàn” được. Một thủ thành thôi còn chưa vô thì hai làm sao mà vô.
Tôi làm dự án bất động sản nên biết rõ rằng, khi xin một miếng đất mà chỉ cần có một mét vuông đất công thôi, thì vài năm trời xin còn chưa được, đâu có dễ qua mặt được Nhà nước đâu. Ngoại trừ, Nhà nước để cho qua mặt. Vậy vấn đề này là “không vô tình” khi mà rõ ràng các vụ án liên quan đến các khu “đất vàng” ở TPHCM đều dính dáng đến quản lý nhà nước “dọc ngang” là bộ ngành và địa phương. Trình độ như chúng ta là dân mà đều biết, thì hỏi làm sao trình độ cỡ bự như bộ trưởng, phó chủ tịch thành phố không biết khi giá trị thực của tài sản hàng ngàn tỷ đồng mà đi giao có vài trăm tỷ?
Nguyên tắc một mét vuông đất công cũng phải đấu thầu không được bán chỉ định nhưng sai ở đây là cố tình tìm cách bán chỉ định và thường mất ít nhất 70% so với giá trị thật. Chưa kể, ngoài định giá theo thị trường, thì khi tính tiền sử dụng đất để giao cho doanh nghiệp còn phải căn cứ vào chuyện sinh lãi ở các diện tích sàn theo quy mô dự án đầu tư trên đất nữa. Đó là lý do khi định giá lại tài sản thường gấp 3-4 lần so với giá trị thật.
|
Quốc Ngọc (thực hiện)