Kẽ hở nào của 'luật hiến tạng' để kẻ xấu lợi dụng mua bán?

23/12/2018 - 06:00

PNO - Gần đây, lực lượng công an liên tục phát hiện đường dây “mua bán mô và bộ phận cơ thể người”. Các đối tượng làm hồ sơ giả dưới dạng hiến tặng tự nguyện để qua mặt cơ quan chức năng.

Đáng nói, các ca ghép này được thực hiện công khai tại các bệnh viện. Để tìm những kẻ hở trong luật pháp Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng mua bán nội tạng, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc phỏng vấn với GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam về vấn đề này.

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh (bên phải) cho rằng hiến tạng phải vì mục đích nhân văn, tự nguyện

 KHÔNG ĐƯỢC CHIA TIỀN, MẸ TỐ CON BÁN THẬN

PV: Thưa GS, vào tháng 10, Công an Hà Nội bắt đối tượng Trần Văn Phương (sinh năm 1989, trú tại xã Dương Đức, Lạng Giang, Bắc Giang) cùng đồng bọn trong đường dây buôn bán nội tạng núp bóng danh nghĩa hiến tặng. Đầu tháng 12, Công an Hà Nội lại bắt Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1989, trú tại xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội) cùng 8 đối tượng môi giới thành công 15 ca bán thận.

Phải chăng do Việt Nam có duy nhất “Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người” - “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên không kiểm soát hết những kẽ hở để kẻ xấu chui lọt?

GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh: Ở các nước, việc cho – nhận – ghép mô, tạng được chia thành 3 trung tâm độc lập để tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hiện Việt Nam có 19 bệnh viện thực hiện ghép tạng; trong đó có nhiều bệnh viện tuyến tỉnh.

Cụ thể, một trung tâm điều phối quản lý người hiến tạng có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin người cho tạng tự nguyện. Một trung tâm quản lý danh sách bệnh nhân đang chờ được ghép tạng.

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy  TP.HCM chăm sóc và đưa tiễn cơ thể người hiến tạng về nơi tổ chức tang lễ

Cuối cùng là một trung tâm độc lập để thực hiện các xét nghiệm, tìm sự tương thích giữa người cho với người nhận. Sau khi có kết quả này, trung tâm xét nghiệm sẽ gửi kết quả đến trung tâm có chức năng thông tin cho bệnh viện có người bệnh được chọn để thực hiện ghép tạng.

Tuy nhiên, “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” của Việt Nam hiện chỉ có duy nhất “Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người” làm cả 2 chức năng (quản lý danh sách người chờ ghép và tiếp nhận thông tin người hiến tạng) nên khó kiểm soát được hết.

Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phát hiện trường hợp mua bán thận ở tỉnh Bạc Liêu làm giả giấy tờ qua mặt bác sĩ. Trong hồ sơ này có giấy xác nhận của cơ quan địa phương rằng giữa người bán và người cho là chị em họ.

Thế nhưng, khi chuẩn bị lên bàn mổ, mẹ của người bán thận tố con bà bán 1 quả thận với giá 5.000 đô la Mỹ (khoảng 100 – 120 triệu đồng) nhưng không cho bà đồng nào nên bệnh viện phát giác sự việc và ngưng ca ghép.

Vì vậy, theo tôi luật Việt Nam cần chỉnh sửa để thành lập ra 3 trung tâm độc lập trong việc quản lý hiến ghép tạng, chứ không tập trung duy nhất ở Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Nếu không có sự phân chia chức năng chuyên biệt giữa hệ thống người cho và người nhận thì khó lòng bảo đảm được sự minh bạch trong việc tuyển chọn cho dù có hình thành được danh sách chờ ghép trên cả nước.

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
Một ca ghép tim thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế

* Thưa GS Trần Ngọc Sinh, hiện nay chúng ta nói nhiều đến các đội tượng “cò thận” ở bên ngoài, trong khi những ca trót lọt này được thực hiện ngay tại các bệnh viện, chứ không phải thực hiện chui. Vậy có trách nhiệm của bác sĩ trong việc mua bán nội tạng?

- Ghép tạng không chỉ tuân thủ pháp luật không vì mục đích mua – bán mà còn đảm bảo tính nhân văn, đạo đức của người bác sĩ. Nếu bác sĩ “thiên vị” không chọn đúng người cần ghép nhất thì đó là tội ác. Ghép thận mang tính nhân văn rất cao nhưng bác sĩ dính vào việc không công tâm thì ngành Y sẽ bị vấy bẩn.

Lấy nội tạng vì mục đích thương mai khó thực hiện mổ chui vì sau khi lấy mô tạng phải được ghép ngay, cụ thể mô dưới 8 giờ, tim và phổi dưới 5 – 6 giờ, gan dưới 10 – 12 giờ, thận dưới 36 giờ.

Tuy nhiên, tại Điều 12 về “Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống”; hiện nay, mỗi bệnh viện thực hiện ghép tạng đều từ sự tuyển chọn của một nhóm người, nên có thể phát sinh vấn đề giữa bác sĩ, người cho và người nhận không minh bạch, có thể dẫn đến mua bán tạng.

Đặc biệt, tại khoản a mục 4 của điều 12 nêu rõ: “Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người”. Điều này rất nguy hiểm, vì từ một nhóm người phụ trách vừa tuyển chọn, vừa tư vấn và ghép thì không khách quan, có thể xảy ra việc mua bán thận hoặc bỏ qua khâu thẩm định về mặt pháp lý. Nếu công an phát hiện cũng không thể bắt được bác sĩ vì giấy tờ được hợp pháp hoá theo đúng quy định của Bộ Y tế về hiến tạng tự nguyện.

Vì vậy, cần sửa điều khoản này lại. Cụ thể, người hiến tặng tự nguyện sẽ được cơ quan chức năng khác có nhiệm vụ hỏi thăm, tiếp xúc, tư vấn. Bác sĩ chỉ gặp người hiến để tư vấn sức khỏe trước và sau khi mổ lấy tạng, giải thích về các biến chứng có thể xảy ra để thực hiện cho ca mổ. Đồng thời, để bảo vệ bác sĩ, luật nên quy định bác sĩ ký cam kết “Chống ghép tạng vì mục đích thương mại”.

CON DÂU BỊ  ÉP CHO THẬN MẸ CHỒNG

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
Một bệnh nhân mòn mỏi chờ ghép thận

*Việc ghép tạng cho người trong nước đã khó, liệu việc thực hiện ghép tạng của người Việt hiến tự nguyện cho người nước ngoài có dễ xảy ra mua – bán?

- Tại các nước, người nước ngoài muốn được ghép nội tạng tại nước đó phải định cư ở nước đó ít nhất 2 năm mới đảm bảo không mua - bán tạng. Điều này ràng buộc người mua sẽ không chờ đợi nổi nếu vì mục đích thương mại.

Đường dây buôn bán nội tạng chủ yếu là bán thận vì cơ thể người có 2 quả thận nên việc lấy thận dễ thực hiện hơn lấy gan.

Trong khi luật Việt Nam ở khoản 1, điều 34 lại cho phép “Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh người được ghép”.

Qui định này chưa đủ chặt chẽ để kiểm soát người nước ngoài được ghép tạng tại Việt Nam. Vì vậy, luật nên thay đổi như các nước là người nước ngoài phải định cư ít nhất 2 năm tại Việt Nam mới được nhận tạng hiến tự nguyện của người Việt.

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
Một ca mổ lấy thận từ người hiến

Còn khoản 2 rất mơ hồ: “Người Việt Nam chỉ được ra nước ngoài để hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người được ghép”. Với tình trạng hiện tại thì việc làm giả hồ sơ ở khâu này sẽ thực hiện được rất dễ dàng.

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từng phát hiện một người Việt Nam đi làm xét nghiệm và có ý định sang Mỹ hiến tạng vì mục đích thương mại nhưng giả giấy tờ bà con họ hàng. Hoặc một trường hợp con dâu bị anh em nhà chồng ép phải hiến thận cho mẹ chồng.

Theo tôi, hiện nay Việt Nam đã ghép tạng rất thành thạo và nhiều nơi thực hiện được, do đó chúng ta chỉ cho phép thực hiện ghép tạng của người Việt trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ người cho tạng, tránh những thương vụ mua – bán tạng xuyên quốc gia.

* Thưa GS, hiện nay nhiều người kêu gọi cho trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng, theo ông nên chặt chẽ luật này như thế nào?

Ke ho nao cua 'luat hien tang' de ke xau loi dung mua ban?
Trẻ em đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

- Tại nhiều nước đã cho trẻ dưới 18 tuổi khi chết được hiến tạng cho y học. Tại Pháp, chính tôi từng thực hiện các ca mổ ở trẻ mới sinh ra không có não để lấy gan, thận, tim… ghép cho các bé khác. Hiện Việt Nam có quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể”, điều này lãng phí nguồn tạng dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, luật phải quy định rõ là trẻ dưới 18 tuổi chỉ được hiến tạng khi chết não để tránh tình trạng buôn bán thận ở trẻ nhỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ tương lại.

Kể từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào năm 1992, đến nay, cả nước chỉ mới thực hiện 3.200 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim, một ca ghép tụy tạng, 2 ca ghép phổi. Số ca ghép tạng còn quá thấp so với nhu cầu hơn 10.000 ca suy thận mạn giai đoạn cuối cần ghép thận, 6.000 ca cần ghép giác mạc, 1.500 người cần được ghép gan và hàng trăm người cần được ghép tim, phổi, tụy…

* Xin cảm ơn GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh!

Văn Thanh thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI