Kẽ hở chết người từ luật súng đạn New Zealand

17/03/2019 - 06:00

PNO - Bi kịch xả súng cướp đi sinh mạng của 49 mạng người khiến giới chức New Zealand phải nghĩ cách thay đổi luật sở hữu súng trong thời gian sớm nhất.

Cứ 4 người thì có 1 người sở hữu súng

Kẻ xả súng Brenton Tarrant trong thảm họa ngày 15/3 đã dùng tổng cộng 5 cây súng trường bắn tỉa, bắn thẳng vào đám đông vô tội mà chẳng hề nương tay. Có những người trúng đạn gục xuống, Brenton Tarrant vẫn không tha, tiếp tục nã đạn.

Cảnh tượng kinh hoàng xảy ra khiến nhiều người đặt câu hỏi luật sở hữu súng đạn của New Zealand đang ở đâu và những kẻ hở nào đang tồn tại?

Chiều 16/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định: “Chúng ta phải thay đổi luật sở hữu súng”. Đây là một trong những phương án có thể áp dụng, ngoài ra còn có phương án “cấm sở hữu súng trường bắn tỉa”.

Ke ho chet nguoi tu luat sung dan New Zealand
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định: “Chúng ta phải thay đổi luật sở hữu súng”.

Small Arms Survey (đơn vị chuyên công bố những khảo sát sở hữu vũ khí trên toàn cầu) cho biết, hiện có khoảng 1,2 triệu súng cầm tay do người dân New Zealand sở hữu, nghĩa là cứ bốn người thì có một người sở hữu súng. Với tỷ lệ này, New Zealand hiện nằm trong 20 quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, bạo lực từ các cá nhân sở hữu súng là chuyện hiếm có ở New Zealand nên có những kẽ hở không được chú ý.

Ở New Zealand, số vụ sử dụng súng giết người rất hiếm. Theo thống kế của trang GunPolicy.org, trong năm 2015, số vụ dùng súng giết người là 8 vụ, tỷ lệ 0,18/100.000. Nếu xét trong cùng năm ở Mỹ, con số này là 13.000 vụ, tỷ lệ là 4,04/100.000.

Nhưng vụ tấn công khủng bố ngày 15/3 đã buộc dư luận và giới chức lên tiếng.

Luật súng đạn được New Zealand thông qua năm 1983 và năm 1992, Quốc hội New Zealand phải ban hành luật sửa đổi sau khi dư luận làm áp lực dữ dội vì vụ xả súng xảy ra năm 1990 ở thành phố Aramoana làm 13 người chết. Cho đến nay, luật súng đạn vẫn không có thay đổi nào đáng kể trừ những thay đổi thiên về kỹ thuật được thông qua năm 2012.

Luật kiểm soát súng khắt khe hơn không thể ngăn chặn tất cả vụ xả súng. Nhưng theo nghiên cứu, luật càng chặt chẽ, càng ít súng thì số người chết sẽ giảm thiểu. Đánh giá đăng trên tạp chí Epidemiologic Reviews năm 2016 từ 130 kết quả nghiên cứu ở 10 quốc gia cho thấy, những nội dung siết chặt hơn trong luật nổ sung về sở hữu súng có thể giúp giảm đáng kể số người thiệt mạng.

Nhiều nghiên cứu của các nhóm, tổ chức khác trên thế giới cũng đã củng cố kết luận trên.

Luật sở hữu súng ở New Zealand đang hoạt động thế nào?

Ke ho chet nguoi tu luat sung dan New Zealand
Kẻ xả súng Brenton Tarrant trong thảm họa ngày 15/3 đã dùng tổng cộng 5 cây súng.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật của New Zealand, quyền sở hữu súng của cá nhân không được công nhận là quyền hợp pháp và cũng không quy định trong Hiến pháp New Zealand. Vậy điều gì đã khiến cho việc cá nhân sở hữu súng tồn tại ở New Zealand?

Luật pháp New Zealand có những kẽ hở xuất phát từ quy định đăng ký súng cầm tay và quy định liên quan đến vũ khí bán tự động. Chính trong nội bộ New Zealand cũng đã có những tranh cãi gay gắt liên quan đến vấn đề này.

Nhiều người sở hữu súng không muốn luật thay đổi theo hướng gắt gao hơn. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát lên tiếng chỉ trích luật pháp có những khoảng trống quá nguy hiểm.

Cũng chính vì quyền sở hữu súng của cá nhân không được công nhận là quyền hợp pháp nên mới có sự nhập nhằng. Hệ thống pháp luật của New Zealand chú trọng vào việc cấp giấy phép nhưng lại không bắt buộc việc đăng ký sở hữu súng cầm tay.

Ở New Zealand, một người ban đầu cần có giấy phép hợp pháp để mua, sở hữu súng. Điều kiện để cấp giấy phép mua, sở hữu súng dựa vào việc kiểm tra lịch sử phạm tội, lịch sử có hành vi bạo lực và lịch sử sử dụng ma túy, cồn cũng như các mối quan hệ với những đối tượng có khả năng gây nguy hiểm…

Người muốn cấp giấy phép còn phải tham gia lớp học an toàn về súng cầm tay. Cả quá trình này mất khoảng vài tháng.

Khi đã vượt qua quy trình xem xét này, một người có thể mua súng và thuốc nổ, dù một số loại súng cầm tay như súng ngắn và một số loại súng trường bán tự động lại cần sự điều chỉnh từ cảnh sát. Bên cạnh đó còn có một số thủ tục xem xét thêm.

Giấy phép phải được làm mới mỗi 10 năm và cảnh sát có quyền thu hồi giấy phép mua, sở hữu súng nếu cho rằng một người không còn thích hợp sở hữu súng và có thể gây đe dọa đến cộng dồng.

Những người kinh doanh cũng được cấp phép và được cảnh sát quản lý.

Những cây súng được “phù phép”

Ke ho chet nguoi tu luat sung dan New Zealand
Cảnh sát New Zealand đã nhiều lần cảnh báo về kẽ hở trong luật súng đạn nhưng luật vẫn chưa có những điều chỉnh hợp lý.

Đó là câu chuyện giấy phép mua và sở hữu, sở hữu súng ở New Zealand còn phải nhắc đến việc đăng ký.

Tuy nhiên, sở hữu súng cầm tay ở đất nước này không phải lúc nào cũng yêu cầu đăng ký. Ví dụ, theo luật, một số loại súng trường tự động – thường được xem là vũ khí tấn công – phải được đăng ký như là súng trường bán tự động kiểu quân dụng.

Nhưng việc đăng ký sử dụng lại có thể “hô biến” trong chớp mắt với một vài chiêu thức. Một trong số đó là việc nhét máng súng có sức chứa nhỏ vào súng trường AR-15, một loại súng trường tấn công, thì có thể miễn đăng ký sử dụng cây súng này.

Ngoài ra còn có trường hợp đưa những bộ phân từ súng trường bán tự động kiểu quân dụng vào loại súng khác như một kiểu “độ súng” tinh vi và không phải đăng ký đây là cây súng nguy hiểm. Nhưng thực chất cây súng đã được “độ” qua có khả năng sát thương không thua gì súng trường bán tự động kiểu quân dụng.

Cảnh sát New Zealand từ lâu đã rất lo lắng về lỗ hổng pháp lý này có thể tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng.

Brenton Tarrant có quyền sở hữu hợp pháp với 5 cây súng hắn ta sử dụng trong vụ xả súng, nhưng cảnh sát hiện chưa xác định được liệu Brenton Tarrant có “phù phép” những cây súng trên hay không.

Minh Khôi (Theo Vox, Stuff)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI