Kể hay không kể?

03/11/2024 - 21:05

PNO - Với chuyện riêng của em thì khác. Cô dâu mới lúc nào cũng là chủ đề thu hút sự tò mò. Em nên có nguyên tắc riêng và giữ vững nguyên tắc đó.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lập gia đình lần hai với một người có nhiều điều kiện tốt hơn em. Anh là út và là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em gái. Anh là trưởng bộ phận ở công ty, thu nhập tốt và đã có nhà riêng. Anh cao ráo đẹp trai, nhiều cô để ý nhưng anh chưa yêu ai.

Em cũng không hiểu vì sao anh lại chọn em - một nhân viên bình thường, có phần tự ti mặc cảm vì đã qua 1 đời chồng. Trước nay, em ít khi chia sẻ chuyện riêng của mình. Vì em chưa có con và đang sống một mình nên nếu không nói thì không ai biết em từng ly hôn. Khi quen nhau, em đã kể hết mọi chuyện với anh, không hề giấu. Anh nói anh yêu em vì sự thẳng thắn, chân thành.

Sau đám cưới, vợ chồng em vẫn sống ở thành phố. Mỗi tháng về quê thăm nhà anh, các chị em thường tụ tập nấu ăn trong bếp, nói chuyện. Mọi người vô tư kể chuyện chồng con, bàn tán chuyện các cô bạn gái trong xóm hoặc những người bà con lấy chồng hạnh phúc vui vẻ hay đang nợ nần, gây gổ. Em cảm giác các chị em rành hết gia cảnh mỗi nhà trong xóm.

Mọi người hay hỏi em, có ý muốn em kể chuyện nhà mình, nhất là chuyện chồng cũ và vì sao em chia tay. Em cũng ít kể. Lần rồi chị Hai góp ý, nói em không cởi mở chia sẻ với mọi người, sống không thật lòng. Mấy lần em muốn kể nhưng nghĩ tới chuyện riêng của mình bị đem ra bàn tán, em lại ngừng.

Hồi chưa lấy chồng, em không ngại gì, có sao nói vậy. Giờ lấy chồng rồi, nói ra người ta bàn tán cả chồng mình, cho là mình không xứng này nọ rất mệt. Vì vậy, em không thích về thăm nhà chồng nữa. Chồng em cứ hỏi mà em không biết nói sao. Xin chị cho em lời khuyên.

Như Huyền (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Như Huyền thân mến,

Kể chuyện là tập tính của phụ nữ. Thường khi trong những dịp gặp gỡ tụ họp, chị em hay lấy câu chuyện để trao đổi, bình luận, từ đó thể hiện suy nghĩ, quan điểm. Mỗi người mỗi ý khen chê, đôi khi thành xoi mói, đàm tiếu chuyện thiên hạ.

Trong nhà, các chị em muốn nghe ý kiến của em, từ đó hiểu thêm về thành viên mới cũng là chuyện bình thường. Em cứ thoải mái nghe chuyện, góp chuyện, chân thành bày tỏ suy nghĩ. Với chuyện gia đình nhỏ của em, nên chọn những chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ, chủ động kể và hỏi ý các chị em để hiểu thêm về tính cách của chồng mình.

Với chuyện riêng của em thì khác. Cô dâu mới lúc nào cũng là chủ đề thu hút sự tò mò. Em nên có nguyên tắc riêng và giữ vững nguyên tắc đó. Có ai hỏi trực diện, em cứ nói chuyện đã cũ rồi, em không muốn nhắc lại. Không cần giải thích tại sao em không kể, cũng không cần tỏ thái độ khó chịu hay che giấu. Chỉ là chuyện đó không liên quan đến cuộc sống hiện tại của em và em có nhiều chuyện vui hơn, cần thiết phải kể cho các chị em nghe hơn, vậy thôi.

Em không cần đánh đổi bản thân để thỏa mãn sự tò mò của mọi người. Nói ra chưa chắc ai đã hiểu được. Quá khứ của mình là điều mình trân trọng, đem bày ra giữa chợ cho mọi người mổ xẻ vô tình, mình chỉ đau lòng thêm.

Giao tiếp là một quá trình phải học hỏi và chuẩn bị. Em vừa tham gia một gia đình mới, cần học cách giao tiếp hiệu quả để xây dựng mối quan hệ tích cực với gia đình mới của mình. Chuẩn bị trước các câu chuyện, các câu trả lời, em sẽ không bị dồn vào chỗ lúng túng, bị động hay lỡ lời, nói những điều chưa kịp nghĩ.

Sau một vài lần trò chuyện, các chị em trong nhà sẽ hiểu em, sẽ dừng lại ở các ranh giới em đã xác định. Em có thể quan sát mọi người để chuẩn bị chuyện kể cho phù hợp. Còn nếu em không về thăm nhà chồng nữa, mối giao tiếp này sẽ bế tắc, đôi khi còn ảnh hưởng, phá hỏng nhiều thứ khác tốt đẹp hơn. Chúc em sớm hòa nhập và thoải mái hơn trong gia đình mới.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Tấn Minh (Huyện Châu Thành, Tiền Giang): Nhờ chồng hỗ trợ

Việc chia sẻ về quá khứ với chồng cũ là một vấn đề khá tế nhị, có thể khiến chồng hiện tại cảm thấy không thoải mái, thậm chí ghen tuông hoặc so sánh bản thân với người cũ.

Theo bạn chia sẻ, chồng hiện tại là người nổi trội, trong khi bạn là cô gái bình thường thì có thể anh ấy cũng đã ngầm tìm hiểu về quá khứ của bạn từ trước. Một khi chọn bạn làm vợ, anh ấy đã chấp nhận quá khứ của bạn.

Tôi nghĩ bạn có thể chia sẻ với chồng về quá khứ cùng những lo lắng để anh ấy hiểu và chia sẻ. Nếu chồng bạn là người khéo léo, bạn có thể nhờ anh ấy nói chuyện với các chị để họ hiểu hơn về hoàn cảnh của bạn, giúp bạn giảm bớt áp lực.

Sau khi chia sẻ, đừng quên chứng minh cho chồng thấy rằng bạn luôn yêu anh và muốn xây dựng tương lai hạnh phúc bên anh ấy.

Thúy Giang (Quận 10, TPHCM): Nên chọn lọc thông tin để chia sẻ

Mọi người có quyền đưa ra ý kiến nhưng không nhất thiết bạn phải nghe theo. Tuy nhiên, gia đình chồng là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, việc né tránh liên tục bằng cách chọn không về nhà chồng sẽ không làm cho vấn đề biến mất mà còn có thể khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng, gây ra những sự hiểu lầm không đáng có với chồng. Trong khi đó, các chị chồng vẫn có thể tiếp tục bàn tán, tò mò về chồng cũ của bạn.

Thay vì né tránh, bạn nên chủ động tạo ra những cuộc trò chuyện vui vẻ, tích cực, cởi mở với các chị chồng. Bạn có thể kể về chồng cũ của mình cho các chị chồng nghe nhưng nên khéo léo chọn những câu chuyện vui vẻ, tích cực, không nhất thiết phải kể chi tiết những chuyện buồn.

Bạn có quyền từ chối trả lời những câu hỏi quá riêng tư, truyền thông điệp cho các chị chồng hiểu hôn nhân đổ vỡ là do lỗi từ 2 phía và việc bạn không muốn bàn nhiều về chồng cũ cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với chồng cũ cũng như chồng hiện tại.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI