Kể chuyện Trường Sa cho bé nghe

26/02/2023 - 15:51

PNO - “Biển đảo Việt Nam đẹp lắm, tôi muốn góp một phần nhỏ bé kể cho các bé nghe về vẻ đẹp, về những giá trị thiêng liêng ấy của Tổ quốc” – nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.

Ngày 26/2, tại Đường Sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), Lionbooks tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình với sự kết hợp của nhà văn Bùi Tiểu Quyên và họa sĩ ThanhPhan.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ về bộ sách tại Đường Sách TPHCM.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ về bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình tại Đường Sách TPHCM.

 

Bộ sách gồm 2 tập Phong ba nơi đầu sóngBiển ấy là của mình được thực hiện dưới hình thức sách tranh song ngữ Việt - Anh, với mong muốn có thể mang cuốn sách đi thật xa, và các bạn nhỏ chưa thực sự sõi tiếng Việt cũng có thể hiểu nội dung, tinh thần của cuốn sách về tình yêu biển đảo và quê hương đất nước.

Bộ sách được tác giả Bùi Tiểu Quyên – hiện là phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, cũng là tác giả nhiều đầu sách quen thuộc với cả độc giả người lớn lẫn thiếu nhi – chắp bút từ cảm hứng và chất liệu có được từ chuyến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào tháng 4/2019, cùng đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Từ chuyến đi này, Tiểu Quyên đã viết tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay Cà Nóng chu du Trường Sa và đạt nhiều giải thưởng văn học quan trọng.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên và tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên và tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa.

Chia sẻ về bộ sách, tác giả Bùi Tiểu Quyên cho biết, khi viết Cà Nóng chu du Trường Sa (dành cho thiếu nhi từ 11 tuổi), chị từng nghĩ rằng giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bé nhỏ tuổi hơn, vì văn học đề tài biển đảo dành cho thiếu nhi hiện rất thiếu. Và cơ duyên đến bất ngờ khi Cà Nóng chu du Trường Sa phát hành, thì được Lionbooks đặt hàng 2 tập sách tranh cho trẻ nhỏ.

“So với cuộc phiêu lưu của chiếc máy ảnh Cà Nóng lần trước, thì câu chuyện lần này về chú cún Phong Ba và các bạn cún nhỏ cùng khám phá đảo Trường Sa được viết với cảm xúc điềm tĩnh hơn, khi mình đã có độ lùi nhất định sau chuyến hải trình đến Trường Sa. Mình cũng làm việc với tâm thế bình thản hơn, chuyên nghiệp hơn, chắt lọc hơn” – nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.

Tại chương trình giao lưu, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cũng đã đọc giới thiệu tập 1 Phong Ba nơi đầu sóng cho các em nhỏ nghe.
Tại chương trình giao lưu, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cũng đã đọc giới thiệu tập 1 Phong Ba nơi đầu sóng cho các em nhỏ nghe.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên cũng đặc biệt đánh giá cao phần tranh của họa sĩ ThanhPhan – một nữ họa sĩ sinh năm 1998, chưa từng đến Trường Sa nhưng đã thể hiện sự hiểu biết và tình yêu sâu sắc với Trường Sa chỉ qua những nét vẽ.

“Từ bản thảo rồi những tư liệu, hình ảnh mà tôi gửi, ThanhPhan đã tìm hiểu rất kỹ, đã cảm nhận và tạo nên bầy cún nhỏ rất dễ thương cùng những hình ảnh rất đặc trưng của Trường Sa. Từ cái lư hương ở đền thờ Gạc Ma, từ những chiếc lá, những bông hoa phong ba nho nhỏ, ThanhPhan đều chăm chút từng chi tiết. Đặc biệt là từng cái huy hiệu, nét chữ trên mũ áo quân phục hải quân, chúng tôi đã xem rất kỹ. Mọi người cố gắng làm tốt và chính xác nhất có thể, để truyền đạt cảm xúc nhiều nhất cho các bạn nhỏ…” – nhà văn Tiểu Quyên bày tỏ sự hài lòng khi bộ sách mà chị ấp ủ cuối cùng cũng đến được với các em nhỏ.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, họa sĩ ThanhPhan và đại diện Lionbooks tại chương trình giao lưu.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, họa sĩ ThanhPhan và đại diện Lionbooks tại chương trình giao lưu.

Với họa sĩ ThanhPhan, dù đã thực hiện nhiều đầu sách thiếu nhi về văn hóa Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên đến với đề tài biển đảo, cô vô cùng hứng khởi.

 

ThanhPhan nói: “Từ lâu tôi đã mong muốn vẽ một cuốn sách về chủ quyền biển đảo. Khi nhận và đọc qua bản thảo của Trường Sa! Biển ấy là của mình, tôi xúc động lắm. Một câu chuyện truyền tải thông điệp rất sâu sắc, nhưng tác giả lại chọn một điểm nhìn dễ thương và gần gũi vô cùng. Ngoài truyền tải nội dung bản thảo theo yêu cầu tác giả, tôi cũng mong muốn thể hiện được những gì đặc trưng nhất, những nét khác biệt giữa Trường Sa và các hòn đảo khác, làm sao để người xem nhìn vào tranh là nhận ra đây là Trường Sa. Đồng thời mang đến cho các bé những hình ảnh sống động, truyền tải được tinh thần lạc quan của người lính, người dân nơi biển đảo”.

 

 

Trường Sa! Biển ấy là của mình là bộ sách khởi đầu cho năm 2023 và cũng là bộ sách tiếp theo thuộc series Em yêu Việt Nam mình – dòng sách tôn vinh con người, thiên nhiên và các giá trị Việt do Lionbooks thực hiện.

 

Bộ sách đứng dưới góc nhìn của chú cún có tên Phong Ba – loài cây đặc trưng của Trường Sa. Xuyên suốt 2 tập sách, các độc giả nhí sẽ cùng chú cún Phong Ba đáng yêu, nghịch ngợm, luôn tò mò về nơi mình sinh ra khám phá mọi ngóc ngách về Trường Sa: từ thiên nhiên, con người đến lịch sử của cả quần đảo. Qua lăng kính của Phong Ba, qua lời dạy của bác Phi Lao, bộ sách truyền đạt thông điệp giản dị, sâu sắc về tinh thần sống lạc quan và sự kiêu hãnh, tự hào về quê hương biển đảo của mình.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI