Kể chuyện tết cô đơn trên nước Đức

29/01/2020 - 20:00

PNO - Năm hết tết đến, nhà nhà lại ngồi sum vầy với nhau.

Nhưng cũng chính khoảng thời gian này, những người con ở nước Đức vì còn mải tất bật với cuộc sống nơi xứ người là những người buồn nhất, cô đơn không sao kể xiết. Họ, những con người nhớ tết, lại ngồi quây quần lại với nhau, cùng nhau nấu ăn, trò chuyện để tạm thời quên đi cái lạnh giá của mùa đông châu Âu mà đón năm mới đang sang. 

Cộng đồng người Việt tuy quy mô to nhỏ từng thành phố khác nhau, nhưng trải đều khắp nước Đức. Đến hẹn lại lên, họ lại kết nối với nhau thông qua mạng xã hội để cùng tổ chức một buổi tiệc cuối năm thật ấm cúng, để tìm lại hương vị tết của quê hương, đồng thời cũng kết nạp thêm nhiều thành viên mới vào. 

Quy mô và xôm tụ nhất phải kể đến Hội Sinh viên ở thủ đô Berlin. Chương trình Berliner Tet là một lễ hội do các bạn sinh viên kết hợp với những người Việt đang định cư ở Berlin tổ chức. Với phương châm #SavetheTet, các bạn rất mong muốn sẽ tái hiện lại không khí tết Việt Nam, với những hoạt động tiền sự kiện đậm chất Việt Nam và được đầu tư kĩ càng từ giữa tháng Một. Bạn nào lo lắng vì đến tết vẫn chưa biết gói bánh chưng thì đã có "Workshop Gói bánh chưng" do chính các cô chú người Việt tại Berlin đứng ra tổ chức. Hay ai muốn thử vận may thì đã có mini game "Lì xì đầu năm" vô cùng vui nhộn. Ngoài ra, còn có gian hàng lắc bầu cua, các tiết mục văn nghệ từ múa truyền thống đến hiện đại... dành cho các bạn trẻ. Chương trình diễn ra vào ngày 2/2 nhưng đến nay vé đã được bán hết vì nhiều bạn  đang rất háo hức.

Các bạn trẻ của nhóm Deco-Team mong muốn sẽ tổ chức một lễ hội đậm chất Việt Nam. Nguồn: Facebook Vietsoc Berlin-Potsdam

Cũng như ở Việt Nam, phong tục đi lễ chùa đầu năm với nhiều bà con ở Đức là một hoạt động không thể thiếu. Nếu như ở Berlin người người đi chùa Phổ Đà, ở thành phố Leipzig ở Đông Đức có chùa Phước Nghiêm, thì ở Frankfurt có chùa Phật Huệ. Chùa không chỉ phục vụ mục đích tín ngưỡng của người dân, mà ở đó văn hóa tín ngưỡng của người Việt được giới thiệu rộng khắp cho bạn bè ngoại quốc thông qua những buổi lễ cầu nguyện, hay những buổi giao lưu văn hóa ẩm thực.

Chùa không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở Đức, mà nó còn là nơi giao lưu giữa hai văn hóa Việt-Đức. Nguồn: Blogspot Chùa Phật Huệ

Với các bạn sinh viên ở thành phố năng động Darmstadt hay thành phố cảng Hamburg, nơi tập trung rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam, thì tết là một dịp để mọi người ngồi lại cùng nhau ăn miếng bánh, nhấp miếng trà và rôm rả kể chuyện gia đình. Không náo nhiệt hoành tráng như ở Berlin, buổi họp mặt của các bạn sinh viên chỉ gói gọn trong các hoạt động như gói bánh chưng và biểu diễn văn nghệ, với sự góp mặt của các nghệ sĩ cây nhà lá vườn.

Tuy vậy, không phải người con xa xứ nào cũng có dịp gặp mặt nhau cuối năm mà chỉ có thể ngồi một mình, tự tìm mọi cách để mang tết vào nhà. Người thì bày cách làm bánh ướt chỉ với mấy lá bánh tráng, người thì hướng dẫn cách làm hoa đào với nến. Hoặc có nhiều bạn lựa chọn du lịch đó đây, như một cách để đón tết, vừa mở mang tầm mắt, lại vừa có thể chạy trốn khỏi nỗi cô đơn. 

Những bông hoa đào được làm từ sáp nến. Nguồn: Facebook Hằng Muun

Tết đến với nhiều bạn du học sinh là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Năm nay không có chương trình Táo Quân, các bạn chỉ có thể lặng lẽ viết vội vài câu tản mạn về gia đình, về tết của những ngày xa xưa, cho nỗi buồn trôi đi rồi lại cặm cụi học bài.

“Tết đến rồi đi, chỉ có nỗi nhớ ở lại”, một du học sinh 3 năm rồi không được đón tết tại Việt Nam cảm thán.

Bạch Dương

(Du học sinh tại Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI