Những beat nhạc buồn lên ngôi
Trong bảng xếp hạng top trending của YouTube, riêng mảng âm nhạc tại Việt Nam, thời gian qua xuất hiện hàng loạt bản beat (nhạc đệm không lời) của những ca khúc: Xuân này con không về, Sầu tím thiệp hồng, Tiền thắng tình thua... chễm chệ góp mặt ở những vị trí khá cao, với hàng triệu lượt nghe/xem.
Điều này thường khó xảy ra tại các thời điểm khác trong năm, thậm chí ở những năm trước. Nhiều người dùng YouTube bình luận: "Lần đầu tiên thấy beat nhạc karaoke lọt top 8 thịnh thành", "Thật không thể tin bảng xếp hạng thịnh hành YouTube lại có nhiều beat nhạc như năm nay", "6 ngày liên tục một beat nhạc xếp vị trí thứ 5 trending, thật khó tin"...
Hoạt động karaoke phổ biến trong mùa tết, “bùng nổ” từ thành thị đến nông thôn, bất chấp đêm ngày. Năm nay do tình hình dịch khiến nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài bị trì trệ. Vì thế, karaoke tại gia lại trở thành lựa chọn hàng đầu.
Hầu hết những ca khúc trên đều đã xuất hiện cách đây nhiều năm, nhưng đến mùa tết lại thịnh hành trở lại. Ngoài nhóm xuất hiện trong danh sách trending YouTube trên còn phải kể đến: Gánh mẹ, Đắp mộ cuộc tình, Duyên phận, Vùng lá me bay... Năm nay, Tiền thắng tình thua có thể xem là ca khúc đầy triển vọng. Bài hát này xuất hiện trên YouTube khoảng 3 năm trước, nhưng phải đến mùa tết này mới thực sự trở thành “hiện tượng” trong giới thích cầm mic.
|
Tiền thắng tình thua (sáng tác Phương Tử Long) được hát ở nhiều nơi trong mùa tết năm nay |
Đi đến bất kỳ nơi đâu đều có thể dễ dàng bắt gặp những giai điệu trên. Thậm chí, vào đêm 11 tháng Giêng, khi mọi hoạt động làm việc gần như trở lại bình thường thì tại TPHCM vẫn dễ nghe thấy những ca khúc trên vang vọng ở một góc phố hay một con hẻm nhỏ.
Tết, dịp đầu năm luôn gắn với những niềm vui, sự sôi động với mong ước khởi đầu một năm vui vẻ, thuận lợi. Cũng chính vì thế, hoạt động karaoke trở thành lựa chọn hàng đầu với mục đích cơ bản là giải trí, thư giãn đầu óc.
Những ca khúc trên được lựa chọn có nhiều lý do: giai điệu dễ hát (không có những quãng dài, những nốt quá cao), lời dễ thuộc, hoặc bị ảnh hưởng từ tâm lý đám đông - thấy người khác hát cũng hát theo. Nhưng chúng hầu hết đều mang giai điệu buồn, sầu khổ, bi luỵ. Niềm vui, sự hoan hỉ cho dịp đầu năm chẳng thấy đâu, chỉ còn đọng lại những hờn giận, oán than, trách móc nhau.
Âm nhạc mang những giai điệu buồn thường dễ chạm tâm tư của người nghe. Năm nay, vì dịch nên nhiều gia đình không thể về quê ăn tết. Vì thế, không khó để hiểu Xuân này con không về vì sao lại chễm chệ nằm trong vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng trending nhiều ngày liền.
Nhưng khi nỗi buồn, tình cảm tiêu cực ấy cứ tăng lên theo cấp số nhân trên phạm vi rất rộng thì lập tức trở thành nỗi ám ảnh. Điều đó càng trở nên đáng sợ hơn với những vị khán, thính giả bất đắc dĩ sống xung quanh khi các bài hát nổi lên trong chất giọng nhừa nhựa đã thấm bia rượu hay những thanh âm từ the thé đến chát chúa.
|
Chỉ với những thiết bị đơn giản đã có thể hình thành nên một dàn karaoke |
Nỗi ám ảnh chưa có hồi kết
Trung tuần tháng 2 vừa qua, 2 bị can ở Kiên Giang vừa bị truy tố vì cố ý gây thương tích, mà nguyên nhân xuất phát từ việc nạn nhân hát karaoke quá lớn. Cuối tháng 1/2021, một thanh niên ở Tiền Giang gây thương tích 30% vì bị giật micro khi đang hát karaoke. Gần như, mùa tết năm nào cũng có những vụ xô xát, hành hung, thậm chí gây ra án mạng từ việc karaoke... Bản chất karaoke không xấu, nhưng việc sử dụng của con người đã biến chúng thành nỗi ám ảnh, “hung thần” thực sự.
|
Đã có không ít án mạng xảy ra chỉ vì karaoke làm ồn |
Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cụ thể về mức tiền phạt với hành vi gây ồn tại khu dân cư, nơi công cộng, với mức từ 100.000-500.000 đồng, phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Ngoài ra, hành vi sinh hoạt gây tiếng ồn cũng có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, với mức phạt tối đa lên đến 160 triệu đồng. Chủ tịch UBND các cấp và Công an nhân dân có quyền xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp này.
Tại các thành phố lớn, đã có những trường hợp nhờ cơ quan chức năng can thiệp để giảm thiểu tình trạng trên. Nhưng tại các vùng quê, nông thôn, có thể do người dân không nắm luật, hoặc biết nhưng lại “chín bỏ làm mười”, sợ ảnh hưởng tình làng nghĩa xóm, sợ ảnh hưởng tính mạng từ những vụ việc đã xảy ra nên cũng đành ngậm ngùi chịu đựng, bỏ qua. Cứ như thế, nỗi ám ảnh này lại kéo dài từ tháng này qua năm nọ vẫn chưa có dấu hiệu "thuyên giảm".
Để chấm dứt, không có lựa chọn nào hơn khi những vị khán giả bất đắc dĩ cần nắm, hiểu luật để áp dụng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp kiên quyết và cứng rắn hơn, thay vì cố gắng giảng hòa và xoa dịu người dân theo kiểu dĩ hòa vi quý.
Trung Sơn