Karaoke bịt biển quảng cáo như âm phủ: Ai phải chịu trách nhiệm?

04/11/2016 - 10:34

PNO - Chia sẻ với Phụ nữ TP.HCM về việc ai sẽ phải trách nhiệm hình sự, dân sự trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng này, Luật sư Phạm Công Út cho rằng trách nhiệm thuộc về nhiều người.

Vi phạm các quy định quảng cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: Sở lên tiếng!

Vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong vào chiều 1/11 được xác định do tàn lửa hàn xì rơi xuống, bắt vào những vật liệu quảng cáo cỡ lớn dễ cháy, dẫn đến vụ hoả hoạn. Đặc biệt, hầu hết biển quảng cáo quán karaoke ở Hà Nội đều bịt kín mít mặt tiền, khó tiếp cận nếu có sự cố.

Chiều 3/11, trao đổi PV về vấn đề này, lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội khẳng định đã nắm được thông tin chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông vi phạm các quy định quảng cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Vị lãnh đạo cho biết, theo phân cấp của UBND TP Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội chỉ là đơn vị quản lý nhà nước, đưa ra kích thước đối với các biển hiệu và biển quảng cáo. Còn việc giám sát thực thi, chấp hành các quy định của pháp luật thuộc chính quyền địa phương.

"Chúng tôi đã chỉ đạo và có văn bản yêu cầu, hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, với các quán karaoke thì chiều cao khoảng 2m, còn chiều ngang thì bằng bề ngang của tòa nhà. Trong trường hợp này quán karaoke làm quảng cáo từ tầng 1 lên tới tầng 7 là sai phạm nghiêm trọng.

UBND TP Hà Nội phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý thì họ phải yêu cầu chủ kinh quanh dỡ đi. Đã là kích thước thì phải đảm bảo theo quy định", vị lãnh đạo nói.

Karaoke bit bien quang cao nhu am phu: Ai phai chiu trach nhiem?
Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội khẳng định đã nắm được thông tin chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông vi phạm các quy định quảng cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh: Vũ Hà).

Đại diện Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, khi chủ kinh doanh không chấp hành đúng các quy định đã được đề ra thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

"Những yêu cầu này đã quy định rõ ràng rồi. Còn chủ kinh doanh có thực hiện hay không là việc của người ta. Sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi ủng hộ thành phố Hà Nội yêu cầu cơ quan công an khởi tố vụ án. Khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy thì phải khởi tố", ông nói.

Từ vụ cháy kinh hoàng mới xảy ra trên phố Trần Thái Tông, lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh, các loại hình kinh doanh có điều kiện, nhất là karaoke phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn PCCC, thực hiện tốt các cam kết đã được đưa ra. Ngoài ra, cũng cần tăng cường sự quản lý của các cơ quan chính quyền địa phương.

"Karaoke là một hình thức kinh doanh có điều kiện. Cho nên để được phép hoạt động  thì phải đảm bảo an ninh trật tự, PCCC. Tiếp đến là các điều kiện tiếng ồn, ánh sáng. Muốn kinh doanh an toàn thì chủ nhà hàng phải đảm bảo các điều kiện đó. Còn không đảm bảo điều kiện đó thì không được phép kinh doanh.

Những chỗ xảy ra sự việc trên là đều không thực hiện đúng yêu cầu. Quy định có nhưng ban quản lý, phía người kinh doanh đều không nghiêm túc thực hiện nên để xảy ra cháy đáng tiếc", vị lãnh đạo nói.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM về việc ai sẽ phải trách nhiệm hình sự, dân sự trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng này, Luật sư Phạm Công Út phân tích.

"Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự: Nếu mà đây là cơ sở kinh doanh thì người đứng tên đăng ký giấy phép kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm về hình sự. Còn nếu đây không phải là cơ sở kinh doanh mà là nhà ở riêng lẻ của tư nhân, cá nhân thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm. Còn nếu đây là một cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan đó, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm.

Đồng thời, song song đó là những người trực tiếp tạo ra vụ hỏa hoạn này, thí dụ, như thông tin báo chí đưa có khả năng là do các thợ hàn. Như vậy, sự tắc trách, thiếu cẩn trọng này là của thợ hàn hay là của chủ cơ sở lắp ráp bảng hiệu này, họ không có những kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn lao động.

Chẳng hạn cơ sở kinh doanh không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện, vẫn cố kinh doanh, vẫn lắp bảng hiệu (lắp bảng hiệu cũng có quy định theo kích cỡ, kích thước như thế nào mới được phép). Như vậy, về trách nhiệm hình sự, phải mở rộng ra, tức là sẽ  liên quan đến rất nhiều người chứ không chăm chăm vào người thợ hàn.

Karaoke bit bien quang cao nhu am phu: Ai phai chiu trach nhiem?
Karaoke bịt biển quảng quáng như âm phủ, ai phải chịu trách nhiệm? (Ảnh: Vũ Hà).

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự, ai sẽ là người bồi thường vụ cháy nổ này? Nếu như có hợp đồng giữa chủ nhà với bên thi công (cơ sở gắn biển quảng cáo) trong đó có ghi rõ, bên thi công chịu trách nhiệm hoàn toàn vấn đề an toàn lao động, phải đảm bảo hết thì lúc đó chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng nếu như không có câu đó, phải xét đến vấn đề liên đới chủ nhà với chủ cơ sở này. Lúc đó sẽ có sự tranh chấp dân sự giữa 2 người xem ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn, lỗi thuộc về ai.

Còn về những người làm công (thợ hàn) nếu như cơ sở lắp bảng hiệu là một pháp nhân là 1 công ty. Công ty làm thiệt hại đầu tiên thì công ty sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trước, sau đó công ty pháp nhân đó sẽ yêu cầu người thợ hàn hoàn trả lại mình khoản tiền mình đã bồi thường. Chứ người thiệt hại không phải là người trực tiếp đứng ra bồi thường cho nạn nhân bị hại.

Nếu là pháp nhân thì có thể người ta có điều kiện về kinh tế để thi hành án, thi hành nghĩa vụ bồi thường. Còn người làm công thì trước mắt họ không có trách nhiệm dân sự, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể vậy".

Theo luật sư Út, cho đến thời điểm hiện tại chưa thể nói trước điều gì: "Mức án lớn phải gánh chịu ra sao thì còn phải chờ vào quyết định khởi tố về vấn đề truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ xem xét có bao nhiêu hành vi, bao nhiêu tội...  Khi ấy, sẽ kết luận được sẽ phải gánh chịu bao nhiêu năm tù, còn hiện tại mới chỉ là khởi tố vụ án hỏa hoạn, chứ chưa khởi tố bị can, chưa xác định được tội gì, chưa có bảng cáo trạng...", luật sư Út nói.

Còn theo luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về chủ quán karaoke.

Theo LS Hùng, quán karaoke trên đã bị đình chỉ hoạt động từ tháng 10. Khi chủ quán không đảm bảo điều kiện về PCCC gây thiệt hại, bất ổn cho khách hàng thì họ phải chịu trách nhiệm chính. Còn về phía nhóm thợ hàn, làm thuê cho chủ quán nhưng không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động dẫn đến đám cháy xảy ra thì họ cũng có cái sai: "Tôi cho rằng, lỗi lớn nhất là chủ thuê người lao động. Còn những người thợ hàn chỉ chịu trách nhiệm liên đới thôi", LS Hùng nhấn mạnh.

Vĩnh Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI