Sau 5 năm, HLV Park Hang-seo đã để lại cho bóng đá Việt Nam một di sản đáng tự hào
Họ sẽ vẫn còn muốn được chụp bức ảnh kỷ niệm với một con người nổi tiếng đã tạo nên một kỷ nguyên vang dội trong bóng đá Việt Nam - kỷ nguyên Park Hang-seo sau 5 năm làm việc tại Việt Nam.
Câu chuyện đàm phán ký hợp đồng với ông, sau này mới biết, tương tự như chuyện “tam cố thảo lư” khi Lưu Bị đến mời Khổng Minh ra giúp mình trong truyện Tam quốc chí. Thời kỳ trước năm 2007, bóng đá Việt Nam có nhiều “dũng tướng” nổi lên từ các lò đào tạo và cũng có một số thành tích thi đấu trong các giải trẻ. Nhưng bóng đá Việt Nam vẫn cứ mãi ì ạch, luôn bị Thái Lan lấn lướt đã đành, mà trong nhiều giải đấu còn không qua nổi vòng bảng. Đại diện lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam lúc đó đón ông về khiến cho mọi người nghi ngại. Một ông HLV vừa già (xấp xỉ 60), vừa xa lạ, vốn không thành công ở giải bóng đá cấp thấp ở Hàn Quốc, sao Liên đoàn phải một lần hai lượt cố gắng đón về. Dù cho ông một thời làm trợ lý cho HLV lừng danh Guus Hiddink thì cũng chỉ là “ngài ngủ gật” ngồi trên băng ghế chỉ đạo.
Nhận đội tuyển bóng đá quốc gia từ tay HLV tạm quyền Mai Đức Chung, ông ra mắt với trận hòa Afghanistan trên sân Mỹ Đình. Vài tháng sau đó, ông đưa đội U23 Việt Nam thành á quân giải U23 châu Á 2018 - giải đấu mà đến bây giờ người hâm mộ vẫn không quên hình ảnh cầu vồng trên tuyết, Xuân Trường dọn tuyết để Quang Hải có quả đá phạt siêu hạng và Văn Thanh khoanh tay ưỡn ngực cười rạng rỡ khi sút thành công cú luân lưu.
Những chiến công liên tục tiếp nối: hạng 4 Asiad 2018, vô địch AFF cup 2018, huy chương vàng SEA Games 30, đưa Việt Nam lần đầu vào vòng loại cuối cùng World Cup, huy chương vàng SEA Games 31. Những chiến công ấy rất đáng tự hào, chứng tỏ sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện chiếc lược làm bóng đá một cách chuyên nghiệp của HLV Park Hang-seo.
Nhưng điều quan trọng ông để lại là nền tảng huấn luyện cho các đội tuyển U23 hoặc đội tuyển quốc gia. Đó là yêu cầu phải có đội ngũ trợ lý đông đúc, đáp ứng được mọi mặt chuyên môn như thể lực, y tế, phân tích kỹ thuật, huấn luyện thủ môn… Và ông, huấn luyện viên trưởng, như một người tư lệnh chỉ huy mọi “tướng lãnh” theo chiến lược của mình, lại là “chính ủy” chăm sóc tinh thần chiến đấu thông qua sự quan tâm, tâm tình uốn nắn từng cầu thủ, từng nhóm cầu thủ.
Trong sân nghiêm túc, kỷ luật; ngoài sân thấm đượm nghĩa tình. Triết lý huấn luyện của ông mang màu sắc hiền triết phương Đông mà ông thể hiện là một con người luôn hành xử khiêm cung ngoài sân bóng, nhưng khá quyết liệt khi chỉ đạo, bênh vực học trò. Kính phục, yêu mến là tình cảm mà đồng nghiệp và cầu thủ dành cho ông. Chính vì lẽ ấy mà họ hết mình lao động, học tập, rèn luyện để được đồng hành cùng ông vươn lên những đỉnh cao mới.
Như mọi dân tộc thấm nhuần văn hóa phương Đông luôn trân trọng nghĩa tình, người hâm mộ Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn trong 2 trận đấu vừa qua khi mang biểu ngữ mang những dòng chữ yêu mến, cảm ơn HLV Park hang-seo. “Cảm ơn thầy Park”. Chắc đó là món quà quý giá nhất HLV Park Hang-seo nhận được sau thời gian làm việc với bóng đá Việt Nam.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.