Sau nhiều tuần đồn đoán, Joe Biden cuối cùng đã công bố vị phó tướng trong cuộc bầu cử tổng thống. Cái tên được đưa ra không hề bất ngờ: Kamala Harris - nữ thượng nghị sĩ bang California và từng là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào cuối năm ngoái.
|
Joe Biden và Kamala Harris |
Bà Kamala Harris là người phụ nữ thứ 3 từng được một đảng lớn chọn cho vị trí ứng viên phó tổng thống sau Geraldine Ferraro (1984) và Sarah Palin (2008). Thế nhưng, bà là người da màu đầu tiên và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì Tổng thống Donald Trump thường bị nhận xét “kỳ thị và phân biệt chủng tộc”.
Hilary Clinton là người phụ nữ đến gần nhất với chiếc ghế tổng thống nhưng khả năng rất cao bà Harris mới là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Ở tuổi 78, ông Biden cho biết nếu đắc cử sẽ chỉ đảm nhận một nhiệm kỳ. Do đó, bà Harris ở cương vị phó tổng thống dường như là lựa chọn hợp lý nhất của đảng Dân chủ.
Nền tảng giáo dục tuyệt vời
Sinh năm 1964 tại bang California, bà Harris có cha mẹ là người nhập cư và đều là những nhà khoa học. Di dân từ Ấn Độ, mẹ bà từng nhận bằng tiến sĩ ngành nội tiết tại Đại học California còn cha bà (người Jamaica) là giáo sư kinh tế danh dự của Đại học Stanford.
Bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard với 2 tấm bằng cử nhân khoa học chính trị và kinh tế vào năm 1986. Sau một thời gian làm thực tập viên cho cho thượng nghị sĩ Alan Cranston và tham gia các chiến dịch chống lại sự bất công trong xã hội, bà quay lại trường học. Năm 1989, bà Harris nhận bằng tiến sĩ luật của Đại học California tại Hasting. Một năm sau, bà thi thành công vào luật sư đoàn.
|
Kamala Harris khi còn là công tố viên San Francisco vào năm 2011 |
Công tố viên gây tranh cãi
Bà Harris từng đảm nhận cương vị công tố viên San Francisco (2004 đến 2011) và công tố viên liên bang của California (2011-2017). Kinh nghiệm pháp đình từng là thế mạnh của bà trong cuộc bầu cử sơ bộ và chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống do làn sóng #BlackLiveMatters vẫn lan tỏa mạnh từ sau cái chết của George Floyd.
Bà Harris tự mô tả mình là một “công tố viên tiến bộ”. Bà vừa có thể cứng rắn với tội phạm vừa đối mặt với những bất bình đẳng sâu sắc của hệ thống tư pháp. Bà tiết lộ lý do chọn sự nghiệp này vì bà tin mình chỉ thay đổi hệ thống tư pháp tốt nhất nếu hoạt động từ bên trong. Đây cũng là thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử của bà: thuyết phục cử tri tin rằng bà sẽ đại tu hệ thống tư pháp vì là “người bên trong”.
Mặc dù vậy, bà Harris cũng vấp phải nhiều chỉ trích.
Với tư cách là công tố viên, bà Harris hiếm khi truy tố các sĩ quan cảnh sát giết dân thường. Bà cũng bị chỉ trích vì từ chối cho phép thử nghiệm DNA - một hành động có thể đã minh oan cho Kevin Cooper, một người đàn ông da đen bị kết án tử hình. Chưa hết, bà từng nhiều lần bảo vệ cơ quan tố tụng trước những cáo buộc về hành vi sai trái.
Bà Harris công khai phản đối hình phạt tử hình như một phần trong cam kết mang đến một hệ thống tư pháp công bằng hơn. Năm 2004, khi một cảnh sát bị giết, bà từ chối tìm kiếm hình phạt tử hình và điều này đã khiến sở cảnh sát San Francisco nổi giận. Tuy nhiên, 10 năm sau, khi một thẩm phán liên bang tuyên bố phương pháp và cách thức thi hành án tử hình của bang California vi hiến thì bà Harris lại bất ngờ kháng cáo. Bà cho rằng đây là nhiệm vụ của mình với tư cách là công tố viên.
Chưa hết, trong kế hoạch cải cách công bố năm ngoái của bà Harris có nhiều chính sách tiến bộ mà trước đó bà đã phản đối.
|
Kamala Harris tại Thượng viện |
Thượng nghị sĩ bang California
Được bầu vào Thượng viện năm 2016, bà Harris là người phụ nữ da đen đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Trong khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi tại đây, bà nổi bật với những cuộc thẩm vấn chuyên sâu các quan chức của chính quyền Donald Trump cũng như các ứng viên của ông cho vị trí thẩm phán tối cao hay Bộ trưởng Tư Pháp.
Trong những năm gần đây, bà Harris đã tìm cách gắn kết mình hơn với cánh tả của đảng Dân chủ. Ban đầu, bà ủng hộ dự luật “Hệ thống chăm sóc y tế cho tất cả” của Bernie Sanders trước khi tự ứng cử làm tổng thống. Bà cũng ủng hộ các đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/1 giờ và sửa đổi hệ thống bảo lãnh.
Bà Harris ủng hộ mạnh mẽ cải tổ ngành cảnh sát sau vụ giết George Floyd cũng như các đề xuất cải thiện việc xử lý tội phạm liên bang. Ngoài ra, bà còn phục vụ trong một số ủy ban cấp cao tại Thượng viện như Ủy ban Tình báo và Ủy ban Tư pháp.
|
Kamala Harris trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2019 |
Chiến dịch tổng thống
Giai đoạn đầu, bà Harris được đánh giá là một cái tên tiềm năng. Hầu hết ảnh hưởng của bà đến từ những ý tưởng tiến bộ. Ví dụ, bà là ứng cử viên đầu tiên đề nghị chính quyền liên bang xóa bỏ các hạn chế phá thai của tiểu bang - một đề nghị mà hầu hết các ứng viên đảng Dân chủ sau này đã ủng hộ.
Bà Harris còn thu hút sự chú ý của công chúng khi chỉ trích gay gắt ông Biden xoay quanh vấn đề chủng tộc. Đây cũng là hình tượng bà muốn hướng tới. Đội ngũ tranh cử của Harris cho biết bà có thể nắm quyền kiểm soát trong bất kỳ cuộc tranh luận nào kể cả Tổng thống Donald Trump.
Nhiều người thậm chí đã gọi bà Harris là “Obama phiên bản nữ” bởi những điểm tương đồng trong xuất thân, nền tảng giáo dục và màu da.
Đáng tiếc, bà Harris đã tuyên bố bỏ cuộc vào cuối năm ngoái sau khi cạn kiệt tiền bạc. Bà đã vượt lên trong các cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận đầu tiên nhưng nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Theo New York Times, bà Harris dường như “thiếu một hệ tư tưởng chính trị hoàn chỉnh và đôi khi phải vật lộn để trình bày một chủ đề gây tranh cãi, ví dụ như hệ thống y tế”.
|
Mối quan hệ của ông Biden và bà Harris ban đầu không mấy tốt đẹp |
Mối quan hệ với Biden
Đối với nhiều nhà quan sát chính trị, có vẻ như mối quan hệ giữa bà Harris và ông Biden đã rạn nứt từ nhiều tháng trước.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái tại Miami, bà Harris đã tung ra đòn tấn công mạnh nhất khi nhắc lại lập trường chính trị của ông Biden trong thập niên 1970 khi ông chống đối dịch vụ xe buýt dành cho các học sinh thuộc nhóm thiểu số cũng như hợp tác với nhiều chính trị gia kỳ thị chủng tộc.
Mặc dù vậy, đội ngũ của ông Biden đã công bố một số thông tin vào hôm thứ Ba nhằm tạo ra mối liên kết giữa 2 chính trị gia từng là kẻ thù. Trong đó, ông lưu ý rằng bà Harris từng là công tố viên của bang California khi Beau - con trai của ông - cũng là công tố viên của bang Delaware. “Cả hai đã trở nên thân thiết trong khi chiến đấu chống lại sự lạm quyền trong ngành ngân hàng,” thông cáo viết. "Thông qua tình bạn với Beau, bà ấy đã biết đến Joe Biden”.
"Tôi đã theo dõi họ đối đầu các ngân hàng lớn, nâng đỡ giới công nhân cũng như bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị lạm dụng", ông Biden viết trên Twitter. “Lúc đó, tôi đã rất tự hào và bây giờ càng tự hào hơn khi có bà ấy cùng chung tay trong chiến dịch tranh cử lần này”.
Liệu cử tri có chọn Harris?
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, bà Harris đặc biệt thu hút các đảng viên đảng Dân chủ có quan điểm ôn hòa hoặc bị hấp dẫn bởi tiểu sử của bà. Harris có thể củng cố sức hút của ông Biden đối với phụ nữ da màu và phụ nữ nói chung - những người mong muốn thấy được hình ảnh của bản thân phản ánh trong vai trò lãnh đạo đất nước.
Bà Harris còn một vũ khí bí mật: mối liên hệ với hội nữ sinh Alpha Kappa Alpha - nơi bà từng tham gia khi còn là sinh viên tại đại học Howard. Hội này có khoảng 300.000 thành viên và ngân sách hàng triệu USD có thể giúp tổ chức các buổi gây quỹ trên khắp đất nước.
Thế nhưng, phe cánh tả tiến bộ rất có thể sẽ thất vọng về bà Harris. Họ cho rằng bà không thể mang đến cuộc cách mạng mà họ mong chờ như Bernie Sanders.
Sự nghiệp lâu dài của bà Harris trong lĩnh vực tư pháp cũng có thể gây khó chịu cho một số cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri trẻ tuổi - những người mong muốn nhìn thấy một cải cách mạnh mẽ đối với ngành cảnh sát nhưng không phải đến từ người được hậu thuẫn bởi Nhà trắng.
Mai Thảo (theo New York Times và CNN)