Kamala Harris – Người phụ nữ da màu đầu tiên thách thức giấc mơ Tổng thống Mỹ

07/11/2024 - 14:59

PNO - Cho đến khi thất bại trước cựu Tổng thống Donald Trump, hành trình tranh cử của bà Kamala Harris là chặng đường độc đáo, căng thẳng và đầy những câu hỏi khó.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đến thăm Hemlock Semiconductor ở Saginaw, Michigan, vào ngày 28/10/2024 - Ảnh: Getty Images/AFP
Phó tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đến thăm Hemlock Semiconductor ở Saginaw, Michigan, vào ngày 28/10/2024 - Ảnh: Getty Images/AFP

Sự nghiệp chính trị

Bà Harris lần đầu tiên tham gia tranh cử tổng thống cách đây 5 năm. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình vào những năm 1990 với tư cách là trợ lý công tố viên quận tại quận Alameda, bang California, và từ năm 2004 - 2011 bà là công tố viên tại thành phố San Francisco.

Lần thăng chức tiếp theo của bà là làm Tổng chưởng lý của California. Bà là người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên được bầu làm luật sư hàng đầu tại tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.

Bà đã tận dụng đà phát triển đó để thúc đẩy chiến dịch tranh cử thành công năm 2016 của mình với tư cách là Thượng nghị sĩ tiếp theo của bang California, một vị trí mà bà đã gây được tiếng vang với phong cách công tố viên của mình trong các phiên điều trần của Uỷ ban.

Nhưng chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 sớm thất bại khi bà Harris phải vật lộn để diễn đạt ý thức hệ và nền tảng chính sách của mình.

Chiến dịch của bà phải ngừng lại trong vòng chưa đầy 1 năm. Chính ông Joe Biden đã đưa người phụ nữ mạnh mẽ này trở lại tâm điểm chú ý của toàn quốc bằng cách thêm bà vào danh sách ứng cử của mình.

Cội nguồn của bà Kamala Harris

Bà Harris sinh năm 1964 tại thành phố Oakland, bang California, với mẹ là người Ấn Độ và cha là người Jamaica. Cha bà là ông Donald J. Harris, giáo sư danh dự ngành Kinh tế tại Đại học Stanford. Câu chuyện của bà với tư cách là con gái lai của những người nhập cư thường được ca ngợi là hình ảnh thu nhỏ của nước Mỹ và mang đến cái nhìn sâu sắc về nền tảng cho niềm tin chính trị của bà.

Cha mẹ của bà ly hôn khi bà 5 tuổi và bà chủ yếu được nuôi dưỡng bởi người mẹ đơn thân theo đạo Hindu, Shyamala Gopalan Harris - một nhà nghiên cứu về ung thư có bằng Tiến sĩ về Dinh dưỡng và Nội tiết tại Đại học California, Beẻkley, đồng thời là nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng.

Bà Harris thường nói về những bài học mà mẹ bà đã truyền lại cho các con gái mình. Bà kể: "Bà ấy cứng rắn, dũng cảm, là người tiên phong trong cuộc chiến vì sức khỏe của phụ nữ. Bà ấy dạy chúng tôi không bao giờ phàn nàn về sự bất công, mà hãy hành động để giải quyết nó".

Bà Harris lớn lên trong sự gắn bó với di sản Ấn Độ của mình, cùng mẹ đến thăm gia đình tại Ấn Độ, nhưng bà cho biết mẹ bà cũng đưa cả cô em gái Maya và bà vào nền văn hóa da màu của Oakland.

"Mẹ tôi hiểu rất rõ rằng bà đang nuôi dạy 2 cô con gái da màu", bà viết trong cuốn tự truyện The Truths We Hold.

Kamala khi còn nhỏ với mẹ và em gái Maya
Bà Kamala khi còn nhỏ với mẹ và em gái Maya

Bãi biển Besant Nagar lấp lánh với bãi cát vàng và tầm nhìn tuyệt đẹp ra Ấn Độ Dương của bang Tamil Nadu, Ấn Độ được nhiều người biết đến là nơi nghỉ dưỡng địa phương nổi tiếng.

Tuy nhiên, đối với bà Kamala Harris, địa điểm được yêu thích này còn có ý nghĩa lớn hơn: theo lời kể của bà, đó là nơi mà các quan niệm của bà về tự do, dân chủ và quyền bình đẳng lần đầu tiên phát triển.

Bà Harris coi những cuộc dạo chơi trên bãi biển là một trong những ký ức tuổi thơ sống động nhất của mình, cùng với ông ngoại của bà, P.V. Gopalan - một công chức sự nghiệp người Ấn Độ mà bà mô tả là "một trong những chiến binh tự do đầu tiên" từng chống lại chế độ cầm quyền Anh.

“Ông tôi có một nghi lễ với những người bạn giống như ông, những người đã phục vụ và chiến đấu… là đi bộ trên bãi biển mỗi sáng. Ông đã để tôi đi cùng” - bà Harris kể lại trong một cuộc tụ họp của người Mỹ gốc Ấn vào năm 2018.

Bà Harris cho biết, bản thân bà đã nắm tay ông mình và lắng nghe những câu chuyện ca ngợi “tầm quan trọng của nền dân chủ”, quan sát thấy “niềm đam mê mà họ dành cho tầm quan trọng của việc có một nền dân chủ đại diện cho người dân, không tham nhũng, đấu tranh cho mọi người và đối xử bình đẳng với mọi người”.

Lựa chọn sứ mệnh riêng

Trong thời gian học trung học ở Montreal, Canada, bà Kamala Harris gặp Wanda Kagan, một cô gái da màu khác đến từ Mỹ học cùng trường. Chính cuộc gặp này đã mở ra con đường chính trị tương lai của bà.

Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ vào tháng 8, bà Harris tiết lộ rằng chính trải nghiệm của Kagan với tư cách là nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã truyền cảm hứng cho bà theo đuổi sự nghiệp trong ngành tư pháp hình sự.

Bà chia sẻ: "Đây là một trong những lý do khiến tôi trở thành công tố viên. Để bảo vệ những người như Wanda, vì tôi tin rằng mọi người đều có quyền được an toàn, được tôn trọng và được công lý".

Kagan, người đã sống tại nhà của bà Harris ở Canada một thời gian, cho biết việc nhìn thấy Harris trên sân khấu đại hội là "cực kỳ xúc động và xúc động".

Bà Harris học luật tại Đại học California, San Francisco, tốt nghiệp năm 1989. Bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là phó công tố viên quận tại quận Alameda gần đó, bà tập trung truy tố bạo lực băng đảng, buôn bán ma túy và lạm dụng tình dục.

Năm 2014, Thượng nghị sĩ Kamala Harris lúc đó đã kết hôn với luật sư Doug Emhoff và trở thành mẹ kế của 2 người con, Cole và Ella.

Bà viết một bài báo cho tạp chí Elle vào năm 2019 về trải nghiệm trở thành mẹ kế và tiết lộ cái tên đã thống trị nhiều tiêu đề sau đó.

Bà giải thích: "Khi Doug và tôi kết hôn, Cole, Ella và tôi đồng ý rằng chúng tôi không thích thuật ngữ mẹ kế. Thay vào đó, họ nghĩ ra cái tên “Momala".

Cùng với ông Doug Emhoff, Cole và Ella là những người ủng hộ nhiệt tình nhất của bà Kamala Harris. Họ lên sân khấu tại DNC để tôn vinh bà Harris và những gì họ gọi là "gia đình lớn, tuyệt vời" của họ.

Em gái của bà, Maya, cháu gái Meena và - có lẽ đáng nhớ nhất - 2 đứa chắt gái của bà cũng đã xuất hiện ở sân khấu tại Chicago.

Những người di cư được bạn bè đón tiếp tại El Paso, Texas, sau khi tham dự cuộc hẹn với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ tại thành phố giáp biên giới Mexico vào ngày 22/10/2024 - Ảnh: AFP

Những người di cư được đón tiếp tại El Paso, Texas, sau cuộc gặp với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ tại thành phố giáp biên giới Mexico vào ngày 22/10/2024 - Ảnh: AFP

Chấp nhận thất bại

Phó Tổng thống Kamala Harris thừa nhận thất bại của mình trong bài phát biểu với những người ủng hộ vào chiều 6/11 tại Đại học Howard - ngôi trường cũ của bà ở thủ đô Washington. "Khi chúng ta thua cuộc bầu cử, chúng ta chấp nhận kết quả" - bà Harris nói với đám đông.

Bà Harris đã gọi điện cho ông Trump trước đó trong ngày, thừa nhận thất bại sau cuộc đua khó khăn nhằm giành quyền lãnh đạo quốc gia. Cả 2 đã thảo luận về tầm quan trọng của việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Chuyên gia thăm dò ý kiến ​​kỳ cựu của Đảng Cộng hòa Frank Luntz cho biết: "Cử tri đã biết mọi thứ về ông Trump - nhưng họ vẫn muốn biết thêm về kế hoạch của bà Harris trong những giờ đầu tiên, ngày đầu tiên, tháng đầu tiên và năm đầu tiên của chính quyền. Chiến dịch của bà đã thất bại to lớn khi tập trung công kích ông Trump nhiều hơn là đưa ra những ý tưởng của riêng bà Harris”.

Phó tổng thống kêu gọi những người ủng hộ bà không nên “tuyệt vọng” khi tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống của mình - Ảnh: AFP/Getty Images
Phó tổng thống kêu gọi những người ủng hộ bà không nên “tuyệt vọng” khi tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống của mình - Ảnh: AFP/Getty Images

Linh La (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI