Thuận hỏi: “Em có thấy chị giống một bà Khmer chưa?” khi chị vừa từ Trà Vinh lên TP.HCM vào một ngày cuối tuần để giải quyết công việc tại Kafka Bookstore (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Còn những ngày trong tuần, chị ở huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) chăm sóc khu vườn, đàn gà vịt, lũ chó nhỏ, bầy thỏ và mèo, sống hòa mình với đồng bào Khmer ở nơi này…
Đọc sách dưới vòm cây, trong vườn
Mỗi buổi sáng cuối tuần, ở một góc Thảo Cầm Viên Sài Gòn có một nhóm những-người-lớn-yêu-sách bày biện sách vở, ghế ngồi, quà tặng chuẩn bị cho trẻ nhỏ. Dưới những vòm cây xanh mát ấy, bọn trẻ con (trong độ từ 4-8 tuổi) sẽ được đọc cho nghe những câu chuyện thú vị, ý nghĩa. Sau mỗi cuốn sách hay được nghe, các em được chơi trò đố vui cùng sách, vẽ tranh, nhận quà… Sau đó, bọn trẻ có thể tiếp tục cùng nhau đi tham quan vườn thú.
|
Chị Trần Thị Thanh Thuận - cô chủ hiệu sách Kafka |
Chương trình của Kafka Bookstore được tổ chức lần đầu vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 11/2020, đến nay đã trở thành sân chơi quen thuộc dành cho phụ huynh và trẻ em yêu thích đọc sách. Đây là ý tưởng của Trần Thị Thanh Thuận (sinh năm 1983) - chủ hiệu sách Kafka. Chị còn tổ chức một chương trình khác thú vị không kém là đưa trẻ em về quê, đọc sách trong khu vườn nhà chị ở Trà Vinh. “Tôi mong qua những chương trình như vậy, trẻ em sẽ dần tự cảm nhận được tinh thần, sự gắn kết với thiên nhiên, cây cối và muôn loài” - chị Thanh Thuận bày tỏ.
Nhiều phụ huynh và các bé tham gia các hoạt động của Kafka, giờ trở thành khách quen, bạn bè của cô chủ hiệu sách. Nhiều bé xem Cây xanh rì rào là điểm hẹn, luôn có mặt đúng giờ, thậm chí sau mỗi buổi đọc sách lại dắt tay mẹ đến bên cô Thuận, nài nỉ mẹ hứa với cô là chương trình lần sau sẽ lại đưa bé đến. Các buổi đọc sách ở Thảo Cầm Viên, mỗi lần đọc chỉ khoảng mươi bé tham gia, nhưng như vậy cũng đã đủ cho một không gian đọc gần gũi, ấm áp.
“Hồi bằng tuổi các em bây giờ, tôi mê sách lắm. Khi đó, tôi đọc cả các bài viết trong giấy báo mẹ tôi dùng để bao bìa vở cho tôi. Tôi nhớ quyển sách đầu tiên mình sở hữu là một cuốn truyện cổ tích nước ngoài, quà tặng của một cô bán ve chai. Sách giấy màu đen xỉn, đã rơi hết bìa trước bìa sau, chỉ còn những câu chuyện ở lại, vậy mà tôi đọc được và nhớ đến tận bây giờ” - chị Thuận hồi tưởng.
|
Ở Kafka Bookstore có những chú mèo gây thương nhớ cho khách hàng |
Những năm tháng ấy, gia đình Thuận sống ở Tiền Giang, trẻ con đi học ở ngôi trường không có vách, chỉ có thanh gỗ được đóng ngang để chặn… những chú bò tò mò cứ hay đến nhìn vào lớp học. Nước uống cho các trò nhỏ thì đựng trong lu. Trường nghèo quá nên không có thư viện, không có quyển sách nào, chỉ có một quả địa cầu để thầy cô dạy cho học trò biết vị trí nơi này nơi kia trên thế giới. “May mà lúc ấy trong nhà tôi có một tủ sách nhỏ, chủ yếu là các tác phẩm văn học Nga. Tôi đọc hết rồi lân la đến tiệm cho thuê truyện, đọc cả những cuốn tiểu thuyết diễm tình ăn khách thời đó” - chị Thuận cười.
Giữa nhà và trường học có một ngôi chùa. Năm xưa, lúc rảnh rỗi, Thuận hay mang theo sách vào chùa, làm bài tập xong thì đọc. Thế giới quan của cô bé Thuận là những trang sách hay, đọc dưới những vòm cây gió xôn xao, trong không gian yên tĩnh, thanh bình của ngôi chùa quê. Thế giới ấy đã theo Thuận cho đến ngày trưởng thành, lập nghiệp, mở hiệu sách và tiếp tục đưa những đứa trẻ của đô thị vào hành trình tìm kiếm sự say mê từ những trang sách, được đắm mình trong những câu chuyện hay theo cách gần gũi với thiên nhiên như thế.
“Người lớn vẫn thường nghĩ rằng, bây giờ khó có cách nào khiến trẻ nhỏ thích đọc sách thay vì say mê các trò chơi online. Nhưng tôi tin là có cách, nếu các bậc phụ huynh luôn truyền cảm hứng đọc, giúp các con cảm nhận được phía sau những trang sách kia là những điều vô cùng thú vị, bổ ích”- chị tâm tình. Và bằng một cách gián tiếp, đứa trẻ năm xưa từng trải nghiệm một tuổi thơ với “thế giới sách” cùng những ngày rong chơi ngoài đồng, ngoài sông, lên gò hái trâm, hái sơ-ri, nhảy xuống kênh hái rau ngổ… là Thuận, giờ đây đang muốn trao truyền tinh thần cảm thụ ấy cho những đứa trẻ của đô thị.
Chị nói, đôi khi nhìn các con nô đùa hồn nhiên trong vườn, vui chơi với chó mèo, gà vịt cũng thấy ấm lòng. Với chị, cứ để trẻ con gắn kết với thiên nhiên một cách giản dị như vậy, rồi đến một lúc nào đó, các bé sẽ tự cảm nhận được những điều giản dị quý giá từ thiên nhiên, cây cối, vạn vật.
Giấc mộng “chữa lành”
Hiệu sách Kafka giờ đã là điểm hẹn quen thuộc, tin cậy của nhiều bạn đọc. Thế nhưng, ít ai biết từ giai đoạn “khởi nghiệp” bán sách (2014) đến nay, cô chủ phải liên tục “bù lỗ”. Kafka từng có lúc tạm đóng cửa, rồi chuyển địa điểm từ Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) sang đường Cù Lao (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chỉ kinh doanh sách chứ không kết hợp mô hình sách - cà phê như trước kia. “Ba năm qua, tôi tập trung xây dựng các kế hoạch phát triển hiệu sách. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì sang năm 2021, tôi có thể yên tâm là không phải bù lỗ nữa” - chị Thuận chia sẻ.
|
Miền quê “chữa lành” của Thuận luôn ngập tràn sắc hoa để đem đến nguồn năng lượng tươi vui cho những ai ghé qua |
Ba năm qua, chị đã từ bỏ công việc của một kiến trúc sư để tập trung vào kế hoạch phát triển hiệu sách. Tôi hỏi, sao không bỏ Kafka để giữ lại công việc kiếm ra “rất nhiều tiền” như lời chị nói. Thuận cười: “Tôi thấy mình có nợ với Kafka…”. Cái nợ từ sáu năm trước, hiệu sách đã vực chị ra khỏi trầm cảm, bế tắc sau khi mẹ mất. Khi ấy, chị cố làm để quên đi nỗi buồn đau. Thuận nợ với chính mình vì lời hứa ngày xưa, rằng “khi mẹ về hưu, hai mẹ con sẽ cùng nhau mở hiệu sách”. Thế nên Thuận đối với Kafka bằng tất cả ân tình.
Giờ đây, công việc ở hiệu sách đã tạm ổn, Thuận có những người cộng sự yêu sách, tích cực, đủ để chị yên tâm về gầy dựng “không gian chữa lành” ở Trà Vinh - mảnh đất mà chị nói là “duyên may” để mình được tìm thấy và tiếp tục một nguyện ước khác của cuộc đời mình. Trong khu nhà vườn, Thuận đang trồng hoa, rau, các loài cây dược liệu…; nuôi mười chú chó, tám chú mèo, bầy thỏ và đàn gà vịt. Nơi ấy cũng có tủ sách nhỏ cho trẻ em vùng quê; ngày hai buổi, chị lên lớp dạy những đứa trẻ nghèo.
“Cảm giác như vùng đất ấy cũng đang cần mình” - chị tâm tình. Niềm vui làm được điều gì đó có ý nghĩa khiến chị có lúc cứ như con thoi, đi về giữa Sài Gòn - Trà Vinh. Dẫu mệt, chỉ cần nhìn thấy bọn nhỏ vui vẻ, say mê đọc sách, thích thú với những câu chuyện thì mệt mấy cũng vơi. Những nhân viên ở hiệu sách Kafka chủ yếu là sinh viên cũng có thể tìm thấy ở nơi này những kỹ năng mềm: giao tiếp, tự tin, ứng xử, chia sẻ…
“Sang năm, khi việc kinh doanh ở hiệu sách ổn định, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho khu vườn ở quê. Mỗi giai đoạn mình đều cần tập trung cho những điều quan trọng. Tôi muốn xây dựng khu vườn ấy trở thành một không gian chữa lành, nơi mọi người có thể tìm thấy chút thư thái, sống chậm lại và nhận diện tâm hồn mình, những điều ấp ủ, những việc muốn làm…” - Thuận bộc bạch. Những sớm thức giấc tập thể dục rồi cho mèo chó gà thỏ ăn, những chiều bắc ghế ra sân cỏ nằm ngắm mây, những đêm thấy cả bầu trời sao… chị đã cảm nhận ý nghĩa cuộc sống ở những chiều kích khác.
Bùi Tiểu Quyên