|
Nhóm BTS và ban nhạc Anh Coldplay cùng nhau biểu diễn trong Lễ trao giải âm nhạc Mỹ lần thứ 49 tại Nhà hát Microsoft ở Los Angeles, tháng 11/2021 |
Gần đây, các nhóm nhạc K-pop liên tục cho thấy sức hút khủng khiếp của mình trên các nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới. Vượt mặt loạt tên tuổi đình đám như Justin Bieber, Taylor Swift… BTS xuất sắc trở thành nhóm nhạc được xem nhiều nhất trong lịch sử YouTube. Nhóm đã tích lũy hơn 26,7 tỷ lượt xem trên tất cả các kênh chính thức của mình.
Trong khi đó, Blackpink cũng không hề kém cạnh khi album Born Pink của nhóm dù còn gần 1 tháng nữa mới phát hành chính thức nhưng đã bán được hơn 1,5 triệu bản. Tuy nhiên, mức độ nổi tiếng và giá trị thương hiệu tăng nhanh của các nhóm nhạc K-pop không phải là ẩn số khó lý giải hay chỉ mang tính thời điểm. Đằng sau đó là cả những hoạch định và tính toán đầy kỹ lưỡng.
Thất bại để thành công
K-pop bắt đầu vượt khỏi phạm vi xứ Hàn từ đầu những năm 2000, với sự thống trị của mình tại Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới. Sau đó, nó tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều nước Đông Nam Á cho đến giữa những năm 2010.
Năm 2012, K-pop đã có bước tiến nhảy vọt trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu khi Psy thiết lập nhiều kỷ lục chưa từng có trên các bảng xếp hạng với siêu phẩm Gangnam Style. Kể từ đây, từ khóa "K-pop” đã được liệt kê trong danh sách từ vựng của từ điển tiếng Anh Oxford với nghĩa ám chỉ là “nhạc pop Hàn Quốc”.
|
Siêu phẩm Gangnam Style giúp K-pop ghi dấu ấn mạnh mẽ trên toàn cầu |
Các chuyên gia cho biết, một trong những yếu tố quan trọng giúp K-pop có bản sắc riêng chính nằm ở sự nhạy cảm với môi trường và thời thế, không ngại đổi mới cũng như sáng tạo không ngừng.
Nỗ lực Mỹ tiến đầu tiên của tập đoàn giải trí JYP Entertainment với tham vọng đưa nhóm Wonder Girl tiếp cận thị trường toàn cầu đã thất bại. Nhưng lần vấp ngã đau này đã giúp các nhà hoạch định chiến lược K-pop hiểu rõ và xác định cụ thể hơn phương thức đưa K-pop vươn xa khỏi sân nhà. Từ đó, K-pop dần lan tỏa đến các quốc gia châu Á, sang châu Âu và thậm chí là Bắc Mỹ nhờ thông qua mạng internet.
Nhà phê bình nhạc pop Kim Do-heon đánh giá việc biết cách tạo hiệu ứng trên các phương tiện truyền thông là một đặc điểm bẩm sinh của K-pop, đưa thể loại này trở nên nổi tiếng toàn cầu: “K-pop đã nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, tích cực quảng bá âm nhạc với nhiều nội dung video tự sản xuất, từ đó mở rộng cơ sở người hâm mộ trên thị trường quốc tế”.
Với việc xác định đúng phương thức tiếp cận, K-pop đã vượt qua những bức tường dường như không thể phá vỡ của ngành công nghiệp âm nhạc chính thống của Mỹ, lần lượt đưa BTS, Blackpink, Twice, Monsta X… đạt loạt thành tích cao, thiết lập nên lịch sử.
Video: Pink Venom
Tính bản sắc và xu hướng mới
Không còn nghi ngờ khi nói K-pop là một trong những thể loại âm nhạc ăn khách bậc nhất thời điểm bây giờ. Các chuyên gia chỉ ra rằng bước tiếp theo của K-pop trong quá trình toàn cầu hóa là tìm kiếm sự bền vững.
Trong những năm gần đây, các hãng K-pop nở rộ các cuộc tuyển chọn thực tập sinh trên khắp các châu lục, bất kể nguồn gốc chủng tộc và sắc tộc của họ. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ là làm sao K-pop không bị mất đi “tính Hàn Quốc” khi nỗ lực vươn mình ra thế giới. Bởi hiện tại, nhiều nhóm nhạc nam xứ kim chi thường xuyên ra mắt các đĩa đơn tiếng Anh và hợp tác với các nhà sản xuất âm nhạc nước ngoài để tăng tính hướng ngoại.
Mặc dù bản thân hệ thống K-pop là một mô hình kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện. Đầu tháng 6, BTS tuyên bố tạm ngưng hoạt động nhóm để tập trung cho việc tái tạo năng lượng và các dự án solo. Các thành viên cho biết, nguyên nhân khiến họ dẫn đến quyết định trên là do sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất khi hệ thống K-pop liên tục buộc họ phải phát triển và tạo ra âm nhạc thời thượng.
|
Blackpink xác lập loạt kỷ lục với đĩa đơn mới Pink Venom |
Tính thương mại là bản chất của tất cả các thể loại âm nhạc phổ biến nhưng nhà phê bình nhạc pop Jung Min-jae nói thêm không thể phủ nhận rằng K-pop đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt là khi các nhóm buộc phải thành công trong mỗi lần ra mắt các dự án âm nhạc nếu không muốn bị khán giả lãng quên.
Từ sau thành công của BTS với tư cách là những nhân tố truyền cảm hứng tích cực cho giới trẻ, không ngại thể hiện quan điểm cá nhân với những vấn đề nóng trên toàn cầu và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, K-pop dần chuyển hướng xây dựng mô hình idol. Bên cạnh tài năng thì các nhóm nhạc còn phải biết cách truyền bá thông điệp.
“Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhưng tôi tin các thành viên BTS đang là tấm gương công bằng cho các thần tượng thế hệ trẻ. Họ không chỉ dừng lại ở việc viết lời và sáng tác mà đã phát triển thành những nghệ sĩ có thể truyền bá thông điệp. Cần phải có một triết lý và thay vì đưa những ý tưởng nhất định vào các học viên, các công ty phải phát triển một hệ thống trong đó các học viên có thể phát triển quan điểm của riêng họ với tư cách cá nhân”, Kim Do-heon nói.
Hương Chung