K-pop và cú hích từ sự kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại

05/05/2023 - 07:13

PNO - Không chỉ bảo tồn văn hóa truyền thống, các nghệ sĩ K-pop còn cho thấy sự đột phá và hướng đi táo bạo trong việc kết hợp chất liệu cũ và mới.

Xu hướng kết hợp âm nhạc cữ và mới

Bên cạnh việc tiếp thu những xu hướng âm nhạc mới và biến chúng thành nét riêng của mình, các ngôi sao K-pop những năm gần đây còn bắt đầu tận dụng sức ảnh hưởng của bản thân để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Mới nhất, Blackpink và BTS vừa có màn kết hợp các nhạc cụ dân tộc, đưa những âm hưởng truyền thống vào trong âm nhạc của mình. 

Ca khúc Thunderous (2021) của Stray Kids được thể hiện trên phông nền cung điện truyền thống Hàn Quốc
Ca khúc Thunderous (2021) của Stray Kids được thể hiện trên phông nền cung điện truyền thống Hàn Quốc

Trong bộ phim tài liệu Suga: Road to D-Day của Suga (BTS), phát hành trên Disney+ vào ngày 21/4, nam ca sĩ khiến công chúng kinh ngạc, ngỡ như mình đang theo dõi buổi diễn tại Trung tâm Gugak quốc gia ở Seoul. Anh tự tin đọc rap theo giai điệu của haegeum, geomungo và gayageum (các loại nhạc cụ truyền thống có dây), tạo thành một bản hòa tấu tuyệt vời.

Ngoài ra, ca khúc mới của Suga là Haegeum, lấy cảm hứng từ nhạc cụ cùng tên còn đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng iTunes tại 90 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, vào ngày 22/4.

Theo một nhà quản lý tại Big Hit Music (công ty quản lý BTS), Suga đã nảy ra ý tưởng kết hợp âm thanh của các nhạc cụ truyền thống vào âm nhạc trong 3 năm qua. Thử nghiệm bắt đầu với Daechwita (năm 2020), ca khúc chịu ảnh hưởng của âm nhạc rước kiệu cung đình thời Joseon.

Trong một thế giới mà K-pop ngày càng khẳng định vị thế toàn cầu, đây được xem là một cách tuyệt vời để giới thiệu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Những nghệ sĩ gạo cội nhiều năm biểu diễn nhạc cụ dân tộc cũng không giấu được niềm vui sướng khi các thần tượng đã lan tỏa âm nhạc truyền thống ra thế giới.

MV Daechwita - Sugar

 

 

Chung Jae-kuk - từng đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật của dàn nhạc tại Trung tâm Gugak quốc gia - cho biết: “Tôi đã biểu diễn Daechwita hàng trăm lần, nhưng Daechwita của Suga bây giờ nổi tiếng hơn. Dù bài hát của Suga không giống Daechwita gốc, nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để âm nhạc truyền thống Hàn Quốc được mọi người biết đến rộng rãi hơn”.

Quả thật, các ngôi sao K-pop ngày nay đã nhận ra tiềm năng của chất liệu cũ để giúp âm nhạc của họ trở nên khác biệt. 4 cô nàng Blackpink đã cho thấy sự dung hòa rất tốt chất liệu cũ và mới, tạo điểm nhấn cho màn biểu diễn bùng nổ của mình trong Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật thung lũng Coachella, tại Mỹ vào cuối tháng Tư. Nhóm đã “chơi lớn” khi lắp đặt mái ngói truyền thống của xứ kim chi ngay trên sân khấu, rồi trình diễn ca khúc Pink Venom với âm thanh của các nhạc cụ truyền thống (trong đó có đàn geomungo) hay điệu múa quạt trong bài Typa Girl.

Trước đó, các yếu tố của văn hóa dân tộc cũng đã thúc đẩy những bộ óc sáng tạo của ngành công nghiệp K-pop trong vài năm qua, với loạt sản phẩm như Fiance (Mino), Destiny (Oh My Girl), Tiger is Coming (Leenalchi), Shangri-La (VIXX), Red Tie (An Ye-eun)…

Hướng đi mới cho K- pop 

Trong một thế giới đầy cạnh tranh, nơi mà sự mới lạ và đổi mới là những yêu cầu để tồn tại, những dòng nhạc và các nhạc cụ truyền thống cũ của Hàn Quốc từng bị coi là trở ngại đối với quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, với việc các ca sĩ K-pop hiện đang lấy cảm hứng từ các yếu tố văn hóa truyền thống vào âm nhạc và các buổi biểu diễn của họ cho thấy quan điểm trên đã không còn phù hợp.

Won Il - một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc truyền thống hiện đang là giám đốc nghệ thuật của dàn nhạc Gyeonggi Sinawi - cho biết: ranh giới giữa K-pop và âm nhạc dân tộc Hàn Quốc đang dần mờ nhạt và thế hệ trẻ ngày càng coi trọng văn hóa truyền thống.

“Hát pansori theo nhịp trống hiện đại là một cách hiện đại hóa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, điều này có thể thấy trong âm nhạc của SsingSsing, Leenalchi hay Lim Kim. Các ca sĩ đã tìm mọi cách để phổ biến âm nhạc truyền thống. Tôi nghĩ thế hệ trẻ tài năng có đủ tiềm lực để cho thế giới biết về văn hóa truyền thống Hàn Quốc thông qua âm nhạc, câu chuyện, phim truyền hình và thời trang” - Won Il nói.

Blackpink biểu diễn tại Coachella ngày 22/4/2023
Blackpink biểu diễn tại Coachella ngày 22/4/2023

Trước đây, các nhạc sĩ bảo thủ khá khắt khe và coi bất cứ những thay đổi nào trong âm nhạc truyền thống đều không tốt, nhưng hiện thời thế đã thay đổi. Các nhạc sĩ có kinh nghiệm trong cả âm nhạc phương Tây và Hàn Quốc đã tìm ra cách để khiến văn hóa truyền thống trở nên dễ tiếp cận hơn với giới trẻ.

Cách buổi hòa nhạc của BTS lấy bối cảnh tại cung điện hoàng gia cổ kính Gyeongbokgung được phát sóng trên America’s Tonight Show with Jimmy Fallon (năm 2020) hay nhóm Stray Kids giới thiệu thể loại kể chuyện âm nhạc cổ của Hàn Quốc (pansori) trong các buổi hòa nhạc của họ ở Mỹ và Nhật Bản, đã giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn văn hóa truyền thống xứ kim chi.

DJ Hitchhiker - cựu thành viên của ban nhạc rock Hàn Quốc Rollercoaster và hiện là nhạc sĩ ở Mỹ - cho biết di sản văn hóa của xứ kim chi hiện đang gây được tiếng vang trên toàn cầu và đây có thể là hướng đi mới tiềm năng cho K-pop. Bởi ngoài việc mang đến sự mới mẻ, hướng đi này còn giúp giới trẻ hiểu và tự hào hơn về truyền thống văn hóa dân tộc. 

Chung Thu Hương

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI