Với những người yêu điện ảnh một cách cực đoan, kẻ sát nhân đáng sợ nhất trong các sản phẩm văn hóa giải trí Mỹ này cũng chính là kẻ đã kết liễu cuộc đời tài tử Heath Ledger.
Biểu tượng của ngưỡng chịu đựng được “xả van”
Lấy cảm hứng từ quân bài joker của bộ bài Tây và mang hình hài của chú hề trong nghệ thuật hài độc thoại, là kẻ thù của Batman (một siêu anh hùng của vũ trụ DC Comics); là ác nhân bậc nhất, gieo rắc nỗi kinh hoàng khủng khiếp tại thành phố (giả tưởng) Gotham… Joker ra đời năm 1940 trong tập truyện Batman.
|
Sau 79 năm, Joker đã trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ, hiện diện ở truyện tranh, kịch, phim truyền hình, phim điện ảnh, ly tách... |
79 năm sau, Joker trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ, được nhắc đến như một nhân vật siêu tội phạm vĩ đại nhất từng được tạo ra, với định nghĩa ngắn gọn: “là kẻ chống lại mọi thứ Batman theo đuổi”. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Joker có số lượng người yêu thích ngang bằng số lượng người căm ghét.
Một trong những lý do để người ta sợ hãi “đại ác nhân” Joker, không hẳn vì những lần hắn tắm máu Gotham hay vì hắn sở hữu nụ cười mà âm thanh của nó ám ảnh đến tận xương tủy người đối diện. Điều đáng sợ nhất là gã hề điên loạn này buộc người ta phải đối diện với phần tối nhất của chính mình.
Ở một nơi mọi thứ bị xói mòn bởi nạn tham nhũng, nơi mà sự nhơ nhớp được che lấp bởi bao nhiêu thói ngụy biện của những người lãnh đạo, một xã hội mà cuộc sống của những người tầng lớp thấp bị chà đạp và coi rẻ như Gotham… Joker chính là biểu tượng của ngưỡng chịu đựng được “xả van”. Khi sự dồn nén được giải phóng, dù bằng bạo lực hay bất bạo lực, đều mang con người chạm đến sự khoái trá. Càng gây ra được sự hỗn loạn, Joker càng khoái trá. Hay nói cách khác, Joker chính là nỗi khoái trá của mỗi người khi ẩn ức được giải tỏa.
Từ nhu cầu được giải tỏa thông qua sự hỗn loạn, Joker dần tìm được niềm vui khi tạo ra các hỗn loạn. Điều khôi hài nhất, nếu không khoác lên mặt nạ gã hề, Joker mang một vẻ ngoài khá lịch thiệp. Cách tạo hình ấy một lần nữa mang ý nghĩa giễu cợt thói giả tạo của một tầng lớp nào đó trong xã hội.
|
Joker là kẻ "chống lại mọi thứ mà Batman theo đuổi" |
Joker hay Batman?
Nhưng vì sao lại là Batman? Vì Batman quá chính nghĩa, vì Batman là người duy nhất trên thế giới không bị tha hóa - trong con mắt của Joker. Chính vì thế, sự tồn tại của Batman cũng chính là sự tồn tại của Joker. Hay nói cách khác, Batman và Joker chính là phần “con” và phần “người” trong mỗi cá nhân. Joker hay Batman sẽ thắng tùy việc người ta để phần “người” trỗi dậy hay phần “con” nắm quyền điều khiển.
Trong một cơn tỉnh táo bất thường, rất nhiều người đã nhận ra suốt chiều dài các cuộc đụng độ giữa Joker và Batman trong truyện tranh, có rất nhiều lần người này đã có thể kết liễu người kia nhưng cả hai đều dừng lại.
Dĩ nhiên việc Joker trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ còn bởi nhiều nguyên do khác. Những câu nói từ nhân vật Joker khiến người ta hoặc khóc hoặc cười hoặc ngẫm nghĩ mãi trên đoạn đường về nhà: “Tao đâu có bị điên, tao chỉ tỉnh táo khác tụi bây thôi”, “Nếu mày giỏi một thứ gì đó, đừng bao giờ làm nó miễn phí”, “Mày nói rằng mày không thể giết tao mà không bị biến chất thành kẻ như tao. Tao cũng không thể giết mày mà không làm mất đi kẻ duy nhất trên thế gian này có thể đối đầu với mình. Chuyện này chẳng phải mỉa mai lắm sao?”, “Họ cười tao vì tao không giống họ, tao cười họ vì họ quá giống nhau”, “Không quan trọng mày là ai, đừng mất công thanh minh. Những gì mày đang làm sẽ định nghĩa con người mày”, “Chúng mày cần những người như tao để chỉ tay vào và nói người xấu. Để làm gì? Để chúng mày được thành người tốt?”…
|
|
Nếu hỏi rằng cán cân lượng người yêu và ghét Joker sẽ nghiêng bên nào, thì câu trả lời cũng khó như việc đoán được chừng nào Joker và Batman mới thôi đối đầu nhau. Và có vẻ như đối tượng căm ghét Joker nhiều nhất nằm ở phía… chính quyền. Không khó để hiểu được điều đó. Với mỗi lần tạo ra một cuộc tắm máu, Joker cũng đồng thời gây nên một cuộc hỗn loạn. Hàng ngàn người đeo mặt nạ chú hề đập phá những thứ trước mặt mình trên đường phố và máu là thứ duy nhất còn sót lại sau đó ở Gotham, bên cạnh những con người kiệt quệ về sức lực lẫn trí não. Joker tạo ra hiệu ứng cánh bướm và bạo lực là thứ duy nhất kiểm soát mọi thứ.
Khi Joker nhảy xổ vào đời thực
Điều đáng sợ đó đã kéo theo diễn biến khủng khiếp ở đời thực: năm 2012, một cuộc thảm sát làm 12 người chết đã diễn ra trước một suất chiếu phim Batman: The Dark Knight Rises. James Holmes - kẻ cầm súng xả vào đám đông trước rạp chiếu phim - khi được đưa về đồn cảnh sát với mái tóc đỏ quạch (màu tóc giả mà nhân vật Joker đã đội trong phim, ở phân cảnh hắn đột nhập vào bệnh viện rồi xả súng) đã tự nhận mình là Joker, là kẻ thù của Batman và hắn sẽ làm ngược lại những điều mà Batman làm: nếu Batman cứu người thì hắn sẽ giết người.
Cuộc điều tra của cảnh sát sau đó cho biết, James Holmes đã chuẩn bị hơn 6.000 viên đạn, sẵn sàng cho một cuộc tắm máu.
Nước Mỹ rúng động. Các suất chiếu phim tiếp theo bị tạm dừng. Bất kỳ thanh niên nào trên phố mang mặt nạ gã hề đều bị đưa vào đồn cảnh sát thẩm tra. Dường như chưa khi nào nước Mỹ trải qua những ngày nặng nề đến thế. Các chuyên gia lên án mạnh mẽ việc phim được công chiếu với những cảnh bạo lực thái quá và thành phố Gotham trong bóng tối nhập nhoạng cùng vô số hình vẽ graffiti trên tường đầy nhớp nhúa hiện ra quá thường xuyên đã tác động tiêu cực đến cảm xúc của người xem.
Nhưng nước Mỹ đã không thể sửa sai, ngoài việc từ đó về sau, mỗi khi các sản phẩm về Joker ra mắt, người ta giám sát một cách mạnh mẽ hơn khả năng tạo ra bạo lực. Cho đến bây giờ, không khán giả nào được bước vào rạp chiếu phim với mặt nạ hay trang phục chàng hề. Tại các suất chiếu phim Joker (phiên bản được suy luận là “tiền truyện” Joker, trước khi hắn theo đuổi Batman như thể đó mới là mục đích sống) cách đây vài ngày, thậm chí người nào mang mặt nạ gã hề đi trên phố cũng được “hỏi thăm”.
“Tội ác” của Joker ở đời thực không chỉ có thế. Tháng 1/2008, diễn viên Heath Ledger qua đời, xung quanh anh là năm loại thuốc rơi vương vãi. Trong biên bản kết luận của cảnh sát, nguyên nhân tử vong là “dùng thuốc quá liều”. Thế nhưng, những người bạn của Heath Ledger cho biết, sau khi hoàn thành vai diễn Joker trong The Dark Knight Rises, anh thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm, phải uống nhiều loại thuốc điều trị căng thẳng và mất ngủ.
|
Vai diễn Joker đã lấy đi Heath Ledger nhưng đây cũng là vai diễn khiến anh trở thành bất tử trên màn ảnh |
Một cách gián tiếp, những người bạn này nói rằng chính vai diễn Joker đã lấy đi Heath Ledger. Thời điểm đó, phim vẫn chưa ra mắt công chúng. Khi phim được công chiếu, màn hóa thân của Heath Ledger khiến các nhà phê bình điện ảnh không tiếc lời ngợi ca. Cái tên Heath Ledger đã được xướng lên trong lễ trao giải Oscar 2012, hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, cùng 1 phút tưởng nhớ từ giới điện ảnh.
Joker, kể từ đó có thêm một lượng người căm ghét, vì quá yêu Heath Ledger.
Năm 2006, Joker xếp vị trí thứ nhất trong danh sách "100 siêu tội phạm vĩ đại nhất mọi thời đại" của tạp chí Wizard còn trong danh sách "200 nhân vật truyện tranh vĩ đại nhất mọi thời đại" của tạp chí này năm 2008, Joker đứng vị trí số 5. Trong khi đó, năm 2009, IGN xếp Joker ở vị trí thứ hai trong danh sách "Top 100 siêu tội phạm mọi thời đại trong thế giới truyện tranh”. Riêng tạp chí Empire xếp Joker ở vị trí thứ tám trong danh sách "Top 50 nhân vật truyện tranh của mọi thời đại". Trong danh sách "25 siêu tội phạm vĩ đại nhất mọi thời đại" của tạp chí Complex năm 2013, Joker đứng ở số 1. |
Lương Hàn