Johnson & Johnson và bài học về sự minh bạch

19/12/2018 - 09:00

PNO - Johnson & Johnson đang đối mặt với khủng hoảng lớn chưa từng có sau hàng loạt thất bại pháp lý vì đã không minh bạch với người tiêu dùng.

Johnson & Johnson va bai hoc ve su minh bach
Những thông tin liên quan đến sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson đang làm người tiêu dùng hoang mang

Chỉ vài ngày sau khi Reuters công bố những trao đổi nội bộ của các nhân vật cấp cao ở Johnson & Johnson - cố giấu chuyện sản phẩm phấn rôm trẻ em của hãng có chứa amiăng, 50 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đã bốc hơi.

Gian dối

Thông tin trên Reuters có chi tiết quan trọng về việc Johnson & Johnson (JNJ) đã không báo cáo với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) về nhiều lần xét nghiệm (ở những phòng thí nghiệm khác nhau) trong quá khứ, chứng tỏ rằng có amiăng trong bột talc. CEO của công ty - Alex Gorsky - vẫn một mực phủ nhận tính xác thực của những báo cáo nghiên cứu.

Trong hồ sơ của Reuters, một nhân sự cấp cao ở JNJ từng cho rằng, trong thành phần chính của bột phấn rôm được yêu thích của JNJ có chứa amiăng và chất khoáng độc hại này có thể gây ung thư. Người này cũng đã đưa ra khuyến nghị năm 1971 rằng, công ty nên cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng bột talc. Hai năm sau, một quản lý cấp cao khác phải đưa ra báo động đỏ, cho rằng công ty không nên quá tin tưởng phấn mang thương hiệu JNJ không có amiăng. Trong hàng trăm trang nội dung tài liệu nội bộ, các lãnh đạo JNJ đã rất lo lắng khả năng chính phủ cấm sử dụng bột talc. Những tập tài liệu này đã được giữ kín, không đến cơ quan chức năng đúng lúc.

Hai nhà khoáng vật học - Arthur Langer tại Trung tâm Y tế Mount Sinai (Mỹ) và Fred Pooley tại Đại học Cardiff (xứ Wales) - từng hợp tác trong một nghiên cứu về amiăng có trong phấn rôm bán trên thị trường. Khi họ phát hiện ra khoáng chất nhiều khả năng là amiăng có trong phấn của JNJ, Pooley đã gọi cho công ty này cảnh báo, nhưng cái ông nhận lại, theo ghi chú nội bộ, là phản ứng không chấp nhận, bác bỏ. Nghiên cứu này của Pooley lẽ ra được giới thiệu ở một hội nghị về sức khỏe ở Anh vào tháng 9/1975, nhưng ông đã gác lại, vì JNJ làm áp lực. Năm 1976, Langer cùng một số đồng nghiệp ở Mount Sinai đã cung cấp thông tin cho phóng viên, rằng họ đã phát hiện amiăng trong nhiều sản phẩm phấn bột talc trên thị trường.

Ban lãnh đạo JNJ đã gặp Langer, nói ông hãy tránh gây hoang mang không cần thiết cho các bà mẹ. Đáp lại, các nhà khoa học ở Mount Sinai đã đề cập thẳng đến việc họ đã tránh nhắc đến JNJ, vì hàm lượng amiăng quá nhỏ, ở mức không nghiêm trọng. Tất cả nội dung này đều được ghi lại trong tài liệu nội bộ của JNJ. Đến nay, vẫn còn rất nhiều khuất tất xung quanh những thông tin còn trong “bóng tối”, vì nhiều lý do nhạy cảm; nhưng bấy nhiêu đủ khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi về việc JNJ đã minh bạch thông tin tới đâu trong nỗ lực xử lý khủng hoảng liên quan đến danh tiếng sản phẩm quá quen thuộc với mọi người.

Johnson & Johnson va bai hoc ve su minh bach
 

Nhiều lãnh đạo JNJ, sau đó, đã đề xuất một quy trình kiểm nghiệm và cố thuyết phục dư luận rằng, những thí nghiệm trước đó không chính xác. Họ còn yêu cầu chính phủ Mỹ ngăn chặn việc công bố những kết quả (phần lớn gây bất lợi cho JNJ) từ những nghiên cứu mà JNJ không trực tiếp tham gia. Cách ứng xử của JNJ đã không thuyết phục được người tiêu dùng. Đến nay, JNJ đã nhận 12.000 đơn kiện trên toàn nước Mỹ, liên quan đến sản phẩm phấn rôm của hãng. Chính sự thiếu minh bạch trong thời gian dài khiến niềm tin khách hàng dành cho JNJ sụp đổ.

Quyền lợi người tiêu dùng ở đâu?

Năm 1999, Darlene Coke, sống ở Texas, bị chẩn đoán mắc ung thư với các khối u trên bề mặt màng phổi. Đây là căn bệnh hiếm gặp ở nữ giới, thường chỉ xuất hiện ở nam giới hít phải nhiều bụi amiăng trong những ngành công nghiệp nặng. Darlene đã thuê luật sư Herschel Hobson đại diện quyền lợi cho mình. Sau khi tìm hiểu những nguồn tiếp xúc của bà Darlene, luật sư Herschel xác định: thứ mà bà tiếp xúc nhiều nhất chính là phấn rôm bà thoa cho hai con gái và cho chính mình trong thời gian dài.

Darlene Coke khởi kiện JNJ, nhưng công ty phủ nhận cáo buộc có amiăng trong sản phẩm của mình. Cuối cùng, bà Darlene đã bỏ cuộc vì không thể tìm đủ chứng cứ chứng minh phấn rôm JNJ bà sử dụng có amiăng. Thông tin của Reuters lần này như một cú bật nhắm vào JNJ và cũng là điều những ai hoàn toàn tin tưởng sản phẩm phấn rôm của công ty phải suy nghĩ lại.

Tháng Bảy vừa qua, 22 phụ nữ từng là khách hàng dùng phấn rôm của JNJ cáo buộc sản phẩm của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng. JNJ một mực khẳng định sản phẩm của mình an toàn. Kết luận tại tòa cho rằng, các xét nghiệm của JNJ và FDA (ủng hộ JNJ) còn thiếu sót. Thiếu sót của JNJ là phủ nhận khả năng amiăng lẫn trong bột talc - điều các nhà khoa học cũng không dám chắc chắn. JNJ bị tuyên phạt 4,69 tỷ USD. 

Thiên Như (theo New York Times, CNBC, Vox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI