Jean-Claude Gallotta: Biên đạo múa như nghề đạo diễn phim

27/06/2013 - 02:36

PNO - PNO - Đại diện xuất sắc của nghệ thuật múa đương đại Pháp vừa đến TP.HCM chiều 26/6 để dàn dựng vở ballet Nghi lễ mùa xuân (Le sacre du printemps). Đây là một trong những vở múa có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX, đánh dấu...

Tác phẩm do nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky sáng tác và Vaslav Nijinsky biên đạo cho Đoàn múa Les Ballets Russes của Serge Diaghilev thể hiện. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên ra mắt với khán giả vào năm 1913 tại Nhà hát Champs-Élysées (Paris), vở này đã vấp phải một làn sóng chỉ trích dữ dội vì âm nhạc và động tác vũ đạo vô cùng mạnh mẽ và độc đáo, đi ngược với toàn bộ khuôn mẫu về nghệ thuật múa ballet trước đó, tại nên một cơn chấn động trong giới nghệ thuật phương Tây lúc bấy giờ.

* Phiên bản biểu diễn lần này khác gì so với nguyên bản ông dựng tại Pháp?

Jean-Claude Gallotta: Bien dao mua nhu nghe dao dien phimBiên đạo múa Jean-Claude Gallotta: Mức độ tương đồng giữa phiên bản tại Việt Nam và Pháp là 80%. Nếu so phiên bản của tôi với bản gốc của Nijinsky, khác biệt nằm ở chỗ, sẽ không có một-nhân-vật là nàng trinh nữ được hiến tế vào mùa xuân mà là nhiều-nhân-vật, bất kể nam hay nữ, vì bối cảnh được đặt trong điều kiện dân chủ, khi bình đẳng giới được đề cao và phụ nữ được tôn trọng. Các vũ công không mặc trang phục nghi lễ cổ điển mà thay vào đó bằng áo thun, quần jeans đương thời. Phông nền sân khấu được đơn giản hóa, chỉ tái hiện một phân cảnh đường phố, tạo tính tương tác tối đa với người xem.

Mở đầu, tôi thích dùng sự tĩnh lặng, sau đó mới đưa âm nhạc vào. Tôi hay ví von nghề biên đạo của mình không khác gì một đạo diễn điện ảnh, nghĩa là trình bày kịch bản trước rồi mới đưa âm nhạc vào. Năng lượng là thứ khán giản có thể cảm nhận từ vở này: dữ dội và không lúc nào ngơi nghỉ, 13 diễn viên múa sẽ cuốn hơi thở người xem theo từng nhịp động tác. Tôi trộn lẫn các động tác kỹ thuật của múa với thao tác đời sống thường ngày. Nhiều khán giả có thể bối rối không biết đặt trọng tâm vào đâu, song đó là phong cách biên đạo của tôi để cho thấy sự đa dạng trong cuộc sống.

* Nếu âm nhạc đầy tính xung đột là yếu tố chính gây ra cuộc tranh cãi thì tại sao khi dựng lại vở này, ông vẫn giữ nguyên giai điệu của Stravinsky?

- Truyền thống biên đạo của tôi là sử dụng âm nhạc hiện đại. Nhưng với Nghi lễ mùa xuân, tôi chọn âm nhạc cổ điển của Stravinsky, đó là cách tôi tưởng nhớ và tôn vinh ông. Còn nhớ thuở thiếu thời khi mới nghe nhạc Stravinsky, tôi lập tức bị cuốn hút bởi những giai điệu giàu hình ảnh, mở ra trước mắt tôi những vùng cấm, sự gợi cảm, những cơ thể cuồng quay, những hơi thở dồn dập, những xúc cảm khó giãi bày… Với Stravinsky, nghe nhạc chưa đủ, mà còn phải ngắm nhìn âm nhạc.

Vở công diễn đầu tiên cách đây 100 năm, như bạn biết, đã gây ra một cuộc chấn động văn hóa lớn thời đó. Khán giả, kể cả những tri thức cấp tiến, bị sốc trước những cách tân dạn dĩ của Stravinsky. Có người cho rằng, Stravinsky sáng tác vở này để gởi gắm quan điểm cá nhân về thời cuộc: Cách mạng Nga 1905-1907, cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Do vậy, không khó để hình dung sự kinh ngạc tột độ của dư luận trong một giai đoạn mà nền mỹ học đang hấp hối. Tác phẩm như một luồng huyết tươi mới đột ngột bơm vào cơ thể rệu rời, những ai chưa quen tất nhiên sẽ bị sốc. Một năm sau đó, công luận mới cởi bỏ định kiến với Nghi lễ mùa xuân. Ngày nay, âm nhạc của Stravinsky trở thành di sản toàn cầu và là một trong những tinh hoa nhân loại được chọn phóng lên vũ trụ để giao tiếp với nền văn minh ngoài trái đất.

* Trong sự nghiệp 40 năm làm biên đạo, ông đã thực hiện hơn 60 vở múa, nhưng vì sao với Nghi lễ mùa xuân, mãi đến năm 2011 ông mới bắt tay vào dàn dựng?

Jean-Claude Gallotta: Bien dao mua nhu nghe dao dien phim

- Đã từng có nhiều biên đạo thử dựng mới theo cách của họ. Dầu vậy, vẫn có sự e ngại nhất định vì đây là một vở rất kinh điển, tựa hồ một tôn giáo thiêng liêng mà không ai dám xúc phạm. Nhưng đâu thể cất Nghi lễ mùa xuân mãi trong bảo tàng. Cách đây vài năm, tôi từng thử biên đạo nhưng chưa dám tiếp tục vì cảm thấy mình làm chưa tới. Tôi chỉ dám làm khi chắc mình có thể diễn đạt được tính giàu hình ảnh trong âm nhạc của Stravinsky.

* Người Việt Nam cảm thụ văn hóa phương Tây khác với cách của người Pháp. Khi mang vở diễn sang đây, ông có nghiên cứu về điều này?

- Theo tôi, rất nguy hiểm khi tính toán độ thích nghi vở diễn với khán giả địa phương. Dĩ nhiên luôn có sự khác biệt trong văn hóa và cách tiếp nhận giữa từng quốc gia. Tôi chỉ cố gắng đứng trên góc nhìn toàn cầu để tinh giản những yếu tố có tính chất thuần Pháp, thay vì phải chạy theo yếu tố địa phương. Ví dụ, chi tiết cởi bỏ trang phục trong vở, ở Pháp thì không có vấn đề gì, nhưng tại Việt Nam, tôi sẽ loại bỏ.

HOÀNG YẾN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI