“Dear anh Ngọc, Báo Phụ Nữ. Sáng nay, em phải chạy lên quận 12 động thổ dự án công viên Hạnh Phúc Xanh rồi, hẹn anh muộn hơn nhưng chưa biết lúc nào nhé!”. Đọc dòng tin nhắn của Jang Kều, tôi hiểu mình đang phải đối mặt với một ca điển hình của tầng lớp thành công và bận rộn. Trước đó, cuộc gặp của chúng tôi đã phải dời lại hai lần.
Dự án tiếp nối dự án
Trong khi chờ cuộc hẹn có giờ giấc cụ thể, tôi túc tắc gõ vài từ khóa vào công cụ tìm kiếm Google. Phạm Thị Hương Giang, Jang Kều thuộc “7x đời cuối” và tất cả khác xa với những đối tượng tôi từng gặp trước đây. Đúng với hình dung của tôi về tầng lớp thành công và bận rộn, ngoài những thành tựu trong các dự án phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, ấn tượng đầu tiên của tôi là mái tóc ngắn rối xù, cặp kính to dày và trông khá… nam tính. Bỗng chuông điện thoại reo. “Anh đến luôn nhé, em vừa về văn phòng. Đúng 10g hộ em nhé” - giọng Jang Kều rõ to bên đầu kia.
Dự án công viên Hạnh Phúc Xanh ở đường HT25, khu phố 6, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM là chuỗi hoạt động mới nhất nối tiếp các dự án trước đây như xây nhà chống lũ, làng hạnh phúc, trồng lại rừng… của nhà hoạt động vì cộng đồng Phạm Thị Hương Giang mà tôi thích gọi “nàng môi trường”.
“Làm công viên xanh cho thành phố lành lặn hơn” là thông điệp của dự án nằm trong chương trình Hạnh Phúc Xanh, thuộc Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation), nhằm thúc đẩy người dân trồng cây, tăng diện tích rừng, tăng mật độ cây xanh trong đô thị và tăng sự kết nối giữa con người với con người, từ đó hướng con người tìm về với thiên nhiên.
Dù mới động thổ, nhưng quá trình vận động đã sớm nhận được sự chung tay. Ngoài biện pháp cổ điển là đề nghị địa phương và người thụ hưởng phải đối ứng bằng hiện kim, hiện vật, dự án còn kết nối được Đoàn Thanh niên Q.12 tham gia trong khâu triển khai và xây dựng, đồng thời chịu trách nhiệm vận hành, quản lý trong năm đầu. Sau đó, UBND P.Hiệp Thành tiếp tục vận động sự tham gia của cộng đồng, thành lập
ban quản lý, chịu trách nhiệm vận hành, bảo dưỡng mảng xanh rộng hơn 1.300m2 giữa khu dân cư giao giữa đường HT25 và Nguyễn Ảnh Thủ.
Với các điều chỉnh thiết kế dựa trên nền công viên cũ, giữ những kết cấu có thể sử dụng lại trong thiết kế mới nhằm giảm chi phí đầu tư, các kiến trúc sư đã không những tạo ra các cấu trúc hiệu quả, bền vững và mỹ thuật mà còn rất thân thiện môi trường (gỗ, dây thừng) và cũng không quên tận dụng phế liệu như lốp xe, nhằm kết hợp hài hòa vào không gian cây xanh. Dự án công viên Hạnh Phúc Xanh của Giang hứa hẹn cho trẻ con có sân chơi an toàn vào mỗi buổi chiều, người lớn có thể tản bộ, đánh cầu lông, tập dưỡng sinh vào buổi sáng.
|
Phạm Thị Hương Giang, tức Jang Kều |
Dường như có sự dịch chuyển các giá trị trong chuỗi hoạt động của cô gái Hà Nội “bỏ phố về làng”, rồi bây giờ lại “từ làng về phố”? Giang thừa nhận: “Vâng”. Cô gái ấy đã mang kiến thức, cơ sở vật chất đến cho người dân vùng lũ, vùng cao, vùng sâu và tin rằng thiên tai, nghèo khó sẽ dần “buông tha” người lam lũ khi họ bắt đầu có ý thức cộng đồng, lớn hơn nữa là ý thức về môi trường sống với tất cả trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ.
Vẫn với tinh thần chung tay đó, Jang Kều đang tiếp tục đến với cư dân thành thị bằng quyết tâm không sợ hãi, bởi cô thừa biết sẽ khó khăn hơn nhiều. “Để đạt được mục tiêu con người bền vững, bọn em muốn tác động vào những người có nhận thức và trình độ. Người sống ở đô thị có lẽ là những người gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều nhất, là những người tiêu dùng nhiều nhất, xả thải nhiều nhất và có rất nhiều nhu cầu cho mọi hoạt động của mình, gián tiếp hoặc trực tiếp tác động xấu đến môi trường. Do họ có giáo dục và nhận thức nên để thay đổi nhận thức, sẽ khó hơn người ở nông thôn rất nhiều. Thế nhưng, nếu thay đổi được thì hiệu ứng xã hội sẽ rất lớn” - Giang hào hứng giải thích về chiến lược tiếp theo với chương trình Hạnh Phúc Xanh.
Chịu ảnh hưởng của ông bà ngoại
Tôi mang câu chuyện “cô bé môi trường” Greta Thunberg - 16 tuổi, người Thụy Điển - ra đặt vào Jang Kều. Trong khi kêu gọi hoặc thậm chí lên án người khác trong các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, đến lượt mình, chúng ta vẫn phải phụ thuộc hoặc có khi “thích thú” với những tiện nghi đời sống có tác hại lớn đến môi sinh. Phạm Thị Hương Giang khẽ nhìn ra bầu trời xanh trong của Sài Gòn: “Anh biết không, mẹ em là người phản đối kịch liệt chuyện ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng của con gái bà. Anh lại làm em nhớ đến bà ngoại”.
Do hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ Giang gắn bó với bà ngoại. “Chả hiểu sao, một nàng thôn nữ quê mùa như bà ngoại lại có nhiều kiến thức và trải nghiệm khiến em si mê đến thế” - Giang nói. Phải mãi đến trước khi mất ít lâu, bà ngoại mới kể cho Giang nghe khá nhiều về ông ngoại: “Cháu biết tại sao cháu cứ thích làm việc xã hội không? Bởi vì cháu rất giống ông ngoại”.
“Em được truyền tất cả năng lượng từ bà và đây là lần đầu tiên em nghe bà nói về ông ngoại” - cô kể. Đến đây, “nàng môi trường” hiện ra trong mắt tôi hoàn toàn chính diện với đôi mắt đẫm lệ. Tôi quay đi để cô quệt nước mắt. Ông ngoại của Giang là một trí thức giàu có. Trải qua những thăng trầm, ông về bên kia thế giới trong oan khiên. “Ông ngoại là người quả cảm và luôn sống vì người khác, bà em nói em phải nhớ như thế. Có lẽ đó là hai đức tính suốt đời em sẽ không rời xa. Chính điều đó đã tạo nên giấc mơ của em. Hạnh phúc hơn khi nó đến từ ẩn số lớn nhất của gia đình mà bấy lâu em cứ đau đáu tìm hiểu” - Giang mím môi.
Giang sẽ tiếp tục lao vào những dự án vì mục tiêu phát triển cộng đồng tốt hơn, vì môi trường xanh hơn với những kiến thức dung nạp từ Đông sang Tây. Cô từng theo học ngành quản lý dự án phát triển cộng đồng của Học viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan, thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh và tài chính quốc tế của Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc và nhiều khóa học ở Âu, Mỹ.
Tôi tin, những chuyên môn được đào tạo bài bản ấy đang trở về phụng sự người dân và quê hương bởi chính sự thôi thúc của ông bà - một hình ảnh rất phổ biến về sự tử tế mà người Việt Nam nào cũng có.
Quốc Ngọc