James Cameron: “Trí tuệ nhân tạo giúp giảm một nửa chi phí làm phim nhưng không thay thế con người”

16/04/2025 - 08:46

PNO - Trong buổi trò chuyện trên podcast Boz To The Future, đạo diễn James Cameron đã bày tỏ góc nhìn thực tế và tích cực về AI trong quá trình làm phim.

Đạo diễn từng đoạt giải Oscar James Cameron (nổi tiếng với loạt phim Avatar) từ lâu đã bày tỏ thái độ hoài nghi về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hoài nghi ấy thể hiện rõ qua ba phần phim Terminator do ông thực hiện, đỉnh điểm là Terminator: Dark Fate, nơi AI là nguồn cơn của chiến tranh hạt nhân và sự thống trị của máy móc đối với loài người.

Tuy nhiên, xét đến chi phí của những bộ phim bom tấn tốn kém về kỹ xảo như phim DuneAvatar, Cameron tin rằng AI có thể tăng tốc đáng kể sản lượng qua trình thực hiện hiệu ứng hình ảnh mà không khiến mọi người mất việc hoặc các công ty kỹ xảo điện ảnh (VFX) phá sản.

“Chúng tôi không chỉ nghiên cứu lý thuyết. Chúng tôi cần hiểu cách các nhà phát triển AI đang nghĩ gì, họ đang nhắm đến điều gì, chu trình phát triển ra sao, phải đầu tư bao nhiêu để tạo ra một mô hình chuyên biệt. Mục tiêu của tôi là tích hợp AI vào quy trình làm kỹ xảo hình ảnh ”, Cameron nói.

“Vấn đề không phải là sa thải một nửa nhân sự trong công ty VFX. Mà dùng AI để tăng gấp đôi tốc độ hoàn thành một cảnh quay, giúp nhịp độ sản xuất nhanh hơn, chu trình xử lý cũng hiệu quả hơn. Điều đó cũng giảm đáng kể chi phí cho các phim bom tấn vốn nặng về CGI như Dune, Avatar hay Alita: Battle Angel. Như vậy, các nghệ sĩ có thể tiếp tục chuyển sang thực hiện những sáng tạo khác, thú vị hơn. Đó là viễn cảnh mà tôi hình dung ra cho AI,” James Cameron chia sẻ.

Một góc nhìn thực tế và lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực làm phim bom tấn vốn phức tạp, tốn kém và đầy rủi ro là xem AI như bước tiếp theo trong tiến trình phát triển công nghệ của ngành kỹ xảo.

Thay vì coi AI là công cụ thay thế con người hay dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, cách tiếp cận này cho rằng AI sẽ hỗ trợ các nhóm thực hiện VFX làm việc hiệu quả hơn, giảm áp lực công việc, từ đó cải thiện cả chất lượng lẫn điều kiện lao động cho các nghệ sĩ, đối tượng vốn là những người thường xuyên làm việc quá tải nhưng lại chưa được trả công xứng đáng.

Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở vẫn là việc các nhà sản xuất, hãng phim… khai thác công cụ hiệu quả như AI nhằm gia tăng năng suất và lợi nhuận, nhưng lại không đảm bảo lợi ích công bằng cho toàn bộ đội ngũ sáng tạo.

AI rõ ràng là một “giấc mơ” đối với các hãng phim lớn, nếu có thể làm một bom tấn với 150 triệu USD thay vì 300 triệu USD. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo: liệu các ông lớn trong ngành có sử dụng AI một cách có trách nhiệm, hay sẽ lạm dụng nó để cắt giảm chi phí bằng mọi giá, kể cả việc thay thế con người?

Vấn đề hiện nay không nằm ở công nghệ, mà là ở cách quản lý và điều tiết nó. Các công đoàn lao động và tổ chức bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ sẽ đi đến đâu trong việc ngăn chặn việc sử dụng AI sai mục đích, dẫn đến sa thải hàng loạt?

Tuấn Huy (theo Theplaylist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI