Hành trình của người đàn ông tử tế
Dù ra mắt hơn 70 năm trước, It’s a Wonderful Life (1946) - tác phẩm của đạo diễn Frank Capra - vẫn giữ nguyên sức hút theo thời gian. Sự trường tồn của nó nằm ở thông điệp mang tính toàn cầu và vượt thời gian, tôn vinh sự tử tế và đẹp đẽ của cuộc sống. Đây cũng là bộ phim rất thích hợp cho những ai đang chới với, rầu rĩ trên đường đời. Đôi khi, những buồn đau nhất thời khiến chúng ta mờ mắt mà quên rằng cuộc đời mình vốn đã là một món quà vĩ đại từ tạo hóa.
Tác phẩm bắt đầu bằng cảnh gây tò mò, khi thiên thần Clarence Odbody (Henry Travers) được cử xuống trần để cứu rỗi George Bailey (James Stewart) - một người đàn ông trung niên sắp tự tử. Tuy nhiên, biến cố này được “treo” lại đến hơn nửa thời lượng phim. Thay vào đó, tác phẩm dần kể lại những năm tháng đã qua của George, để chân dung anh dần hiện ra với khán giả.
|
Gia đình hạnh phúc của George |
George vốn lanh lợi và tốt tính, từ thời thơ ấu đã hỏng một bên tai vì nhảy xuống hồ cứu em mình là Harry (Todd Kams). Cậu cũng biết để ý và quan tâm người khác, kịp ngăn ông chủ tiệm thuốc gây ra một tai nạn chết người. Thời trai tráng, George nuôi giấc mơ đi khắp thế giới để thăm thú nơi xa lạ, học hỏi điều mới. Như đa phần thanh niên Mỹ thời đó, cậu mang tinh thần tự do, khao khát kiếm tiền và làm những việc vĩ đại.
Tuy nhiên, khi bố mất, George phải ở lại thị trấn Bedford Falls để tiếp quản di sản tâm huyết của ông là Building and Loan (một kiểu hội tiết kiệm và cho vay). Tổ chức này giúp nhiều người dân cải thiện cuộc sống, nhưng là cái gai trong mắt Henry F. Potter (Lionel Barrymore) - ông trùm kiểm soát hầu hết ngành kinh doanh trong thị trấn.
Như một lời nguyền, mỗi lần sắp gác lại việc ở quê nhà để ra đi, George lại gặp một biến cố níu chân. Về sau, anh kết hôn với cô gái xinh đẹp Mary (Donna Reed), có con và ổn định công việc. Nhưng, các khó khăn tài chính, thời cuộc (Thế chiến thứ hai) lẫn sự dòm ngó từ đối thủ luôn là mối nguy chực chờ.
Một sự cố đẩy George tới bờ vực phá sản, mất hết uy tín, thậm chí tù tội. Vào đêm Giáng sinh, anh nổi giận với gia đình, cáu kỉnh với người ngoài, đờ đẫn trong quán rượu và bước đi hoang mang giữa màn đêm. Đúng lúc người đàn ông tuyệt vọng sắp tự kết liễu đời mình, thiên thần xuất hiện như thể vũ trụ không muốn để mất một người tốt.
Sức mạnh của lòng tốt
Với chất hiện thực đan xen kỳ ảo, đạo diễn Frank Capra đã tạo ra một câu chuyện tuyệt vời từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt. Từ những phút đầu phim, người xem ấn tượng với George Bailey như một cậu trai trẻ đầy nhiệt huyết. “Cuộc đời tuyệt vời” - như tựa phim - của anh chàng hẳn sẽ gắn liền với những chuyến phiêu lưu và kỳ tích ngoạn mục. Nhưng rồi suốt phim, cứ như có một thế lực vô hình nào đó luôn giữ chân George ở lại thị trấn.
|
Nhân vật thiên thần do Clarence Odbody đóng là một vai thú vị trong phim |
Anh không ra chiến trường do tổn thương tai, không tạo ra được những công trình to lớn như ý muốn. Thay cho những chuyến du hành, George đã trở thành một người đàn ông trách nhiệm, đặt vận mệnh của mình gắn chặt với cộng đồng. Cuộc đời George mang dấu ấn là lòng nhân ái dành cho mọi người. Anh hỗ trợ những người túng thiếu, cho họ mái nhà và những khoản trợ giúp khi cần. George làm đúng tâm niệm “cho đi nhiều hơn nhận lại”, thậm chí sẵn sàng từ bỏ tuần trăng mật trong mơ để đem tiền giúp người khác.
Sự kỳ diệu trong cuộc sống không phải từ những thứ to tát mà nằm ở những việc giản dị ta làm hằng ngày. Thiên thần xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ nhưng không hề dùng phép màu hô biến ra tiền bạc để cứu George. Ông chỉ đơn giản giúp anh nhìn ra được sự hữu ích của mình với thế giới, rằng lòng tốt của anh đã tác động tích cực thế nào đến những người xung quanh.
Lời giải cho vấn đề của George vốn dĩ đã nằm ở bao năm tháng mà anh giúp đỡ người khác. Hồi kết của bộ phim là một trong những cảnh xúc động nhất, vỡ òa cảm xúc về đoàn viên gia đình lẫn sự gắn kết của cộng đồng. “Không ai là kẻ thất bại nếu còn có bạn bè” là lời nhắn mà thiên thần để lại cho George, cũng đúc kết tư tưởng phim.
George không phải người hùng duy nhất trong bộ phim kinh điển này. Ở thời khắc đen tối, Mary đã âm thầm liên lạc với bạn bè của chồng lẫn dân ở thị trấn để kêu gọi giúp sức. Tác phẩm qua đó cũng gửi gắm những giá trị về tình cảm gia đình, sự thấu hiểu giữa vợ chồng. “Người hùng” còn là bố của George - người đã gieo những hạt giống tốt đẹp cho anh lẫn những cư dân đã dùng lòng tốt đáp trả lại lòng tốt.
Hai tình tiết xuất sắc được đạo diễn Frank Capra khéo đan cài để nâng tầm tác phẩm. Một là cảnh George về nhà khi chưa hề biết mình sắp được “giải cứu”. Thay vì phiền não, anh thật sự vui vẻ và tận hưởng khoảnh khắc êm đềm bên con cái. George lúc này đã hoàn toàn thấu hiểu và cảm ơn cuộc đời vì những điều tốt đẹp. Đó phải chăng là giá trị đích thực của hạnh phúc, là sống trọn từng phút giây mà ta còn tồn tại?
Với không ít khán giả, tác phẩm hơi thiếu sót khi không có cảnh lão Potter lãnh hậu quả, theo đúng mô-típ dành cho kẻ phản diện. Thế nhưng đây có lẽ là sắp xếp ý nhị của đạo diễn, khi sự trừng phạt dành cho Potter không nhất thiết diễn ra trên màn ảnh. Dẫu Potter có của cải chất đống, đến cuối phim, lão chẳng có nổi một người bạn thật sự. Còn George lại được ca tụng là “người giàu nhất thị trấn” bởi tình yêu thương mọi người dành cho anh.
Hành trình chinh phục khán giả
Cũng như nhân vật chính, bản thân tác phẩm cũng trải qua một chặng đường gập ghềnh. Bộ phim dựa trên truyện ngắn The Greatest Gift của Philip Van Doren Stern, được sản xuất sau Thế chiến thứ hai với Frank Capra giữ ba vai trò: sản xuất, đạo diễn và đồng biên kịch. Dự án được đánh giá có tiềm năng tốt ở phòng vé đồng thời đánh dấu cuộc tái xuất của Capra sau thời gian phục vụ quân đội.
Trailer It’s a Wonderful Life:
Tuy nhiên, khi ra mắt vào ngày 20/12/1946, phim không được đánh giá cao. Ở phòng vé, nó lỗ 525.000 USD (khoảng 7 triệu USD ngày nay). Dù nhận năm đề cử Oscar, tác phẩm không được giới phê bình đương thời xem là phim xuất sắc. Quan hệ của Frank Capra với các hãng phim cũng xấu đi sau dự án.
It’s a Wonderful Life bị “đóng bụi” trong trí nhớ công chúng cho đến bước ngoặt là một biến cố được quy cho lỗi văn phòng. Theo quy định, bản quyền phim được bảo hộ trong 28 năm, sau đó đơn vị giữ phải gia hạn. Năm 1974, hãng phim quên thủ tục này, khiến tác phẩm trở thành tài sản công cộng, miễn phí. Các hãng truyền hình Mỹ không bỏ qua cơ hội và trình chiếu bộ phim với mật độ dày đặc.
Công chúng và báo giới bắt đầu đánh giá lại tác phẩm như một viên ngọc bị bỏ quên. Chuyện diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử. Năm 1998, Viện Phim Mỹ chọn It’s a Wonderful Life là tác phẩm vĩ đại thứ 11 của điện ảnh nước này, đồng thời đứng đầu về mặt truyền cảm hứng. George Bailey xếp thứ chín trong danh sách người hùng nổi bật, còn Potter đứng thứ sáu trong các vai phản diện.
Tác phẩm được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim Quốc gia vì “tính văn hóa, lịch sử hoặc tầm quan trọng về thẩm mỹ”. Chuyên trang phê bình Rotten Tomatoes đánh giá ngắn gọn: “Bộ phim kinh điển mùa lễ đã định nghĩa toàn bộ phim kinh điển mùa lễ, It’s a Wonderful Life là một trong số rất ít phim xứng đáng xem lại hàng năm”.
Trong tình hình dịch COVID-19, tác phẩm được nhiều cây bút Âu Mỹ nhắc lại như một phim đáng xem. Qua bao tháng năm, giữa bao sự thay đổi của xã hội, giá trị cốt lõi từ phim là ca ngợi tình người và biết ơn cuộc đời vẫn vẹn nguyên. Giữa dịch bệnh gây nhiều chia rẽ và nghi hoặc, điều kiện sống khó khăn hơn trước, thông điệp “vì mọi người” của phim lại hóa ra vô cùng thấm thía và thiết thực.
Ân Nguyễn