Ít nhất 2 triệu người dân Tigray có nguy cơ chết đói

30/01/2022 - 06:00

PNO - Theo cơ quan lương thực khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc (LHQ), có ít nhất 2 triệu người ở vùng Tigray, thuộc miền Bắc Ethiopia đang phải chịu cảnh thiếu ăn cùng cực.

Theo nhận định của tờ The Guardian, cùng với cuộc xung đột kéo dài 15 tháng giữa các phe nổi dậy và lực lượng của chính phủ Ethiopia ở Tigray, các gia đình tại khu vực này đang bị đẩy đến bờ vực.

Một phụ nữ Ethiopia xếp hàng chờ thực phẩm cứu trợ
Một phụ nữ Ethiopia xếp hàng chờ thực phẩm cứu trợ

Trong cuộc đánh giá toàn diện đầu tiên mà chương trình Lương thực thế giới (WFP) thực hiện ở Tigray kể từ khi chiến tranh bắt đầu, 37% dân số tại đây được cho là bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, có nghĩa là đã có lúc hết lương thực và phải nhịn ăn trên 1 ngày.

Theo phát hiện của WFP, các gia đình ở Tigray hiện đang “cạn kiệt mọi nguồn để tự nuôi sống mình”, trong đó có 13% trẻ em dưới 5 tuổi và gần 2/3 phụ nữ mang thai và cho con bú đang bị suy dinh dưỡng.

“Trước khi xảy ra xung đột, chúng tôi đã ăn 3 bữa một ngày, nhưng bây giờ thậm chí 1 bữa mỗi ngày cũng rất khó. Tôi đang mượn lương thực của gia đình nhưng giờ họ cũng đã hết sạch. Chúng tôi chỉ còn biết ngủ để qua cơn đói và hy vọng không bị chết”, Kiros, một bà mẹ đơn thân của 6 đứa con sống ở ngoại ô của Mekelle, thủ phủ của vùng Tigray, nói với các nhà nghiên cứu của WFP.

Đánh giá của WFP dựa trên các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 980 hộ gia đình ở các khu vực có thể tiếp cận được của Tigray, được thực hiện từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể đến những khu vực đang có giao tranh, làm cản trở việc tiếp cận nhân đạo. Hơn nữa, kể từ khi đánh giá được thực hiện, nhu cầu lương thực của khu vực được cho là ngày càng trở nên cấp thiết hơn, vì không có đoàn xe viện trợ nào đến được Tigray trong khoảng 6 tuần.

“Kết quả đánh giá đáng quan ngại này một lần nữa khẳng định người dân miền bắc Ethiopia rất cần hỗ trợ nhân đạo với quy mô lớn hơn, và ngay bây giờ. WFP đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các đoàn xe chở thực phẩm và thuốc men của chúng tôi đến được những nơi cần hỗ trợ. Nhưng chúng tôi cũng kêu gọi các bên liên quan đến xung đột nên thỏa thuận tạm ngưng vì lý do nhân đạo, và thống nhất tạo ra các tuyến giao thông cần thiết, để nguồn cung cấp có thể đến tay hàng triệu người đang bị nạn đói bao vây”, ông Michael Dunford - Giám đốc phụ trách khu vực phía đông châu Phi của WFP lên tiếng.

Trên khắp miền Bắc Ethiopia, nơi giao tranh bùng phát ở các khu vực Afar và Amhara cũng như Tigray, WFP ước tính có khoảng 9 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực nhân đạo, con số cao nhất từ ​​trước đến nay.

Ở Amhara, nạn đói đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 tháng. Tại Afar, nơi giao tranh đang gia tăng trong những ngày gần đây giữa Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray và các lực lượng trung thành với Thủ tướng Abiy Ahmed, dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28%, cao hơn nhiều so với ngưỡng khẩn cấp tiêu chuẩn 15%.

Kể từ khi xung đột diễn ra vào tháng 11/2020, LHQ và các tổ chức nhân đạo khác đã gặp khó khăn trong việc đánh giá mức độ khẩn cấp về nhu cầu lương thực ở Tigray do thiếu hệ thống viễn thông, trong khi giao thông đường bộ cũng bị cản trở. LHQ đã cáo buộc chính phủ liên bang ngăn cản việc vận chuyển thực phẩm và nguồn cung cấp y tế thiết yếu vào khu vực này, thông qua việc áp đặt lệnh phong tỏa. Nhưng chính phủ Ethiopia đã phủ nhận điều đó.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI