Ít mà tốt, còn hơn nhiều mà bỏ mặc

25/09/2015 - 14:24

PNO - Phải chăng, Hà Nội đã quá ôm đồm khi đưa vào danh sách bảo tồn tới hơn một ngàn căn biệt thự cổ và hơn 500 nhà trong phố cổ?

It ma tot, con hon nhieu ma bo mac
Hà Nội hiện có 1.253 căn biệt thự cổ và hơn 500 căn nhà cổ - Nguồn: Internet

PV báo Phụ Nữ trao đổi với ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

* Thưa ông, sự cố sập biệt thự cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh phần nào thực trạng đáng ngại của nhà cổ, biệt thự cổ Hà Nội?

- Hà Nội hiện có 1.253 căn biệt thự cổ và hơn 500 căn nhà cổ. Hầu hết các công trình này do người Pháp xây, đều có tuổi thọ trên dưới 100 năm. Thời đó, nhà được xây bằng gạch chịu lực, móng gạch chứ không đổ bê tông như bây giờ.

Theo quy chuẩn của Việt Nam hiện nay thì những ngôi biệt thự này chỉ được coi như… nhà tạm, nhà cấp 4 và thời gian sử dụng tối đa là 100 năm. Trải qua thời gian và khí hậu ẩm, nhiệt đới gió mùa, nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí móng nhà bục lở.

Chính vì vậy, sự cố nhà sập vừa qua, theo tôi là… tất yếu! Đây là điểm mốc báo động về tình trạng nhà cổ ở Hà Nội, cần phải đẩy nhanh công tác duy tu, bảo tồn.

* Chủ trương bảo tồn nhà cổ, biệt thự cổ của Hà Nội đã có nhiều năm, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện?

 - Từ năm 1994, tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi ấy đã có chủ trương bảo tồn nhà cổ, phố cổ của Hà Nội. Nhưng qua hơn 20 năm, Hà Nội mới dừng lại ở việc nhận diện được những giá trị về lịch sử, văn hóa của nhà cổ, biệt thự cổ, song chưa đề cập đến việc trùng tu, bảo dưỡng.

Ví dụ, trong 1.253 căn biệt thự, chúng ta đã phân loại thành từng nhóm, nhưng tới nay vẫn chưa lập hết hồ sơ của từng ngôi nhà; chưa xác định đâu là những căn nguy hiểm cho người sử dụng. Trong khi đó, phía Pháp đã gửi thông báo về việc hầu hết các biệt thự tại Hà Nội hiện đã quá hạn và phải có giải pháp kịp thời.

Thứ hai, chúng ta thiếu cơ chế, chính sách thuận lợi để bảo tồn nhà cổ. Tôi đã đi nhiều nước như Ý, Thụy Điển và thấy rằng, họ thực hiện xã hội hóa rất tốt. Nhà nước cùng bỏ tiền với người dân để cải tạo, chứ không phân biệt đây là nhà thuộc sở hữu nhà nước, kia là nhà tư nhân.

Thứ ba, Hà Nội không có hướng dẫn, giải pháp cụ thể cho người dân để bảo dưỡng, duy tu công trình đúng cách. Với công trình này, niên hạn là 90 năm thì cần sửa chữa những gì, móng gạch bị bục thì phải xử lý ra sao… Mỗi một khu vực, một căn nhà đều phải có từng giải pháp riêng.

* Có ý kiến cho rằng, việc duy tu, bảo tồn nhà cổ Hà Nội hiện gặp khó do thiếu kinh phí. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Năm 2011, trong một cuộc hội thảo tại Việt Nam, các chuyên gia của Ý đã đưa ra một kinh nghiệm trong vấn đề bảo tồn di sản. Ý được xem là quốc gia của di sản, nhưng họ không ôm đồm bảo tồn tất cả.

Ví như, có những khu vực cả ngàn công trình cổ, nhưng họ dồn trọng tâm vào bảo tồn khoảng 40 công trình. Còn ở Hà Nội, chúng ta có hơn một ngàn căn biệt thự cổ, hơn 500 nhà cổ trong phố cổ.

Với khối lượng lớn đó, chúng ta phải xem xét điều kiện kinh tế và khả năng. Đã đến lúc chúng ta phải phân nhóm kỹ hơn nữa, để có giải pháp và phân bổ kinh phí hợp lý. Ít mà giữ được tốt, còn hơn có nhiều mà không giữ được!

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI