Ít doanh nghiệp, tiểu thương chuộng live stream bán hàng

23/08/2024 - 07:37

PNO - Live stream (quay, phát trực tiếp trên mạng xã hội) giới thiệu và bán sản phẩm đang là hình thức giúp nhiều cơ sở bán được hàng với lượng đơn hàng và doanh thu “khủng”. Tuy vậy, phần đông doanh nghiệp và tiểu thương chưa muốn áp dụng hình thức này.

Một doanh nghiệp kinh doanh nông sản thực hiện live stream tại hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024, diễn ra từ ngày 8 - 11/5 ở TPHCM - ẢNH: THANH HOA
Một doanh nghiệp kinh doanh nông sản thực hiện live stream tại hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024, diễn ra từ ngày 8 - 11/5 ở TPHCM - ẢNH: THANH HOA

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - cho rằng, muốn live stream bán hàng, trước hết phải có sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, nếu cơ sở kinh doanh hàng thời trang mà hầu hết sản phẩm nhái các thương hiệu lớn thì không thể live stream, trừ phi làm liều, làm dối. Live stream cũng chỉ phù hợp với một số mặt hàng, chẳng hạn hàng tiêu dùng giá rẻ. Thêm nữa, chi phí đầu tư đội ngũ live stream bán hàng không nhỏ, đòi hỏi phải có vốn mạnh mới theo được lâu dài. Công ty Toàn Cầu đang đào tạo 4 nhân sự, trả lương 15 triệu đồng/người/tháng để họ chuyên live stream, chốt đơn hàng nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.

“Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản tươi khó áp dụng hình thức live stream bởi rau, củ, quả dễ bị hư hỏng, khó bảo quản, khó đóng hàng và vận chuyển do nặng, cồng kềnh”.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Công ty TNHH Nón Sơn cũng live stream bán hàng 2 năm qua. Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc công ty - nhẩm tính, chi phí đầu tư thiết bị live stream cho hệ thống các cửa hàng Nón Sơn là 10 tỉ đồng. Để tiết kiệm chi phí, công ty đào tạo kỹ năng live stream cho đội ngũ bán hàng sẵn có. Thời gian đầu, nhân viên bán hàng phải live stream 24 giờ/ngày nhưng lợi nhuận thu về chỉ hòa vốn, đơn hàng mới có tăng trưởng nhưng tốc độ chưa thể bằng kênh kinh doanh truyền thống.

Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long đang kinh doanh hơn 10 loại rượu vang làm từ thanh long, xoài, khóm, chanh, ca cao và nhiều sản phẩm tinh dầu từ thanh long đạt chứng nhận OCOP - chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” - sản lượng 2.000 lít/tháng. Nhưng ông Trần Quốc Trọng - Giám đốc công ty - cho hay, công ty chưa tổ chức live stream bán hàng do quy mô còn nhỏ, nguồn nhân lực lẫn chi phí vận hành đều hạn chế.

Theo ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty Xuất khẩu thời trang Veco - trong 100 đơn vị live stream bán hàng, chỉ có khoảng 20 đơn vị trụ được lâu, trong đó chỉ có 4 đơn vị thành công bởi hình thức này đòi hỏi người bán phải chạy đua khuyến mãi để giảm giá sản phẩm đến mức thấp nhất. Nếu không tính toán kỹ, cách làm này có thể phá vỡ hệ thống phân phối cũ. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã đuối sức khi live stream bán hàng với giá khuyến mãi.

Ông Nguyễn Ngọc Luận đề xuất, để khuyến khích áp dụng hình thức live stream, cơ quan quản lý nhà nước nên hỗ trợ các đơn vị bán hàng thông qua các hội chợ chuyên live stream thay vì hội chợ theo hình thức truyền thống. Chính phủ các nước Trung Quốc, Thái Lan đã định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) để bán hàng.

Ông cho hay, ở Trung Quốc, trong giai đoạn đầu, chính phủ hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp lớn theo khóa 7-10 ngày, cho sử dụng miễn phí các phần mềm quản trị hệ thống, bán hàng. Sau đó, đội ngũ được hỗ trợ, đào tạo này tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn ở Thái Lan, khi bắt đầu xây dựng mô hình “Mỗi xã 1 sản phẩm”, lãnh đạo các bộ, các địa phương đã sang tận Nhật Bản để học tập, sau đó đích thân quảng bá sản phẩm OCOP. Họ đến tận trang trại để ăn sản phẩm OCOP, sau đó mua về dùng hằng ngày trong gia đình và đăng hình ảnh, video lên mạng xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, chính quyền TPHCM đã nỗ lực hỗ trợ tiểu thương live stream bán hàng nhưng cách làm chưa bài bản. Họ chỉ thuê người nổi tiếng vào chợ quay, phát, nói nhiều nhưng không có chủ đề nên không giúp tiểu thương cải thiện được hình ảnh, doanh số.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tý, rất nhiều nhóm giàu lên nhờ live stream là do “chịu” làm ăn kiểu chụp giật, gian dối. Do vậy, cách hỗ trợ tốt nhất của Nhà nước đối với doanh nghiệp là đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể về kinh doanh trên không gian mạng nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chân chính. Nếu vẫn để nạn bán hàng gian, hàng giả, “treo đầu dê bán thịt chó” tràn lan như lâu nay thì người tiêu dùng sẽ cạn niềm tin với các sản phẩm được chào bán bằng hình thức live stream.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI