Israel ký thỏa thuận lịch sử với UAE: Hòa bình cho Trung Đông?

14/08/2020 - 10:57

PNO - Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 13/8 đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ trong một thỏa thuận lịch sử do Washington làm trung gian, theo đó Israel sẽ "đình chỉ" kế hoạch sáp nhập các phần lãnh thổ của Palestine ở Bờ Tây.

Israel ký thỏa thuận lịch sử với UAE 'đình chỉ' việc sáp nhập Bờ Tây - Ảnh: ABC Mundial
Israel ký thỏa thuận lịch sử với UAE 'đình chỉ' việc sáp nhập Bờ Tây - Ảnh: ABC Mundial

Tuy nhiên, rạn nứt của thỏa thuận nhanh chóng xuất hiện ngay sau khi nó được thông báo hôm 13/8 với việc Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, khẳng định "không thay đổi" kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, trong khi UAE đòi Israel "ngay lập tức ngừng hoạt động thôn tính".

Sau Jordan và Ai Cập, UAE là quốc gia Ả Rập thứ ba công bố quan hệ ngoại giao chính thức với Israel và tin này gây chấn động khắp Trung Đông, nơi có lịch sử đầy biến động với nhà nước Do Thái.

Ông Donald Trump, người đang đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống khó khăn ngày 3/11 sắp tới, đã coi thỏa thuận này như một chiến thắng quan trọng của ông về chính sách đối ngoại.

Tổng thống Trump nói: “Mọi người đều nói điều này là không thể - sau 49 năm, Israel và UAE sẽ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao của họ. Hai bên sẽ trao đổi đại sứ và các đại sứ quán và bắt đầu hợp tác trên diện rộng và trên nhiều lĩnh vực bao gồm du lịch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại và an ninh”.

Ông Trump cũng cho biết, các thỏa thuận tương tự đang được thảo luận với các nước khác trong khu vực, nhưng ông không cho biết nội dung chi tiết. Gần đây, Israel cũng đã tăng cường quan hệ với Ả Rập Saudi, Oman và Bahrain.

Ông Donald Trump coi thỏa thuận này như một chiến thắng quan trọng của ông về chính sách đối ngoại - Ảnh: Getty Images
Ông Donald Trump coi thỏa thuận này như một chiến thắng quan trọng của ông về chính sách đối ngoại - Ảnh: Getty Images

Được bao quanh bởi các trợ lý hàng đầu trong Phòng Bầu dục, ông Trump mô tả hiệp ước này là một "thỏa thuận hòa bình". Các trợ lý của Tổng thống Trump sau đó vỡ òa trong tràng pháo tay kéo dài. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận lịch sử mới đạt được.

Tuy nhiên, Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của UAE sau đó viết trên Twitter rằng nước này đã đồng ý (một thỏa thuận hòa bình) - thay vì “hợp tác và thiết lập lộ trình hướng tới thiết lập mối quan hệ song phương”.

Trong khi đó, đối với ông Netanyahu, Thủ tướng cứng rắn và tại nhiệm lâu nhất của Israel, thông báo này cũng là một động lực đáng kể. Ông đã giành được một chiến thắng mang tính biểu tượng - "Một ngày lịch sử" - như nhà lãnh đạo 70 tuổi viết trên Twitter.

Đối với người Palestine, những người lâu nay dựa vào sự hậu thuẫn của Ả Rập trong cuộc đấu tranh giành độc lập, diễn biến này được coi là “một bước lùi lớn” trong nỗ lực nhằm gia tăng áp lực quốc tế đối với Israel cho đến khi đạt được một thỏa thuận hòa bình trọn vẹn. Hãng thông tấn chính thức của Palestine đưa tin đại sứ Palestine tại UAE đã bị triệu hồi về nước.

Mặc dù UAE chưa chính thức công nhận Israel, nhưng thời gian qua hai nước đã tăng cường quan hệ đáng kể, một phần do họ xích lại gần nhau trước kẻ thù chung Iran, một phần do Abu Dhabi khao khát công nghệ an ninh và tình báo của Israel. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Palestine và một số quốc gia Ả Rập khác theo dõi “liên minh đang chớm nở” với lo ngại nó có thể phá vỡ tiếng nói thống nhất một thời. Thỏa thuận gây bất ngờ ngay cả đối với một số quốc gia có quan hệ rõ ràng đến vấn đề Israel-Palestine.

Bờ Tây - đối tượng trở thành điều kiện quan trọng trong hiệp ước Israel-UAE - là một lãnh thổ đất liền nằm trong lục địa Trung Đông, gần bờ biển Địa Trung Hải của Tây Á, tạo thành phần lớn lãnh thổ hiện nay dưới sự kiểm soát của Israel, hoặc dưới sự kiểm soát chung của Israel - Palestine, và tình trạng cuối cùng của toàn bộ khu vực vẫn chưa được các bên liên quan quyết định.

Các biên giới của Bờ Tây được xác định bởi các đường ngừng bắn của Chiến tranh Ả rập-Israel năm 1948 khi nó bị Jordan chiếm và sáp nhập. Từ năm 1948 tới tận năm 1967 vùng này nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan, dù Jordan không ngừng tuyên bố chủ quyền với nó cho đến tận năm 1988. Vùng này bị Israel chiếm năm 1967 trong Cuộc chiến sáu ngày.

Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, có diện tích đất 5,640 km2, dân số ước tính khoảng 2.785.366 người Palestine và khoảng 371.000 người định cư Israel, và khoảng 212.000 người Do Thái Israel ở Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế xem các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, là bất hợp pháp theo luật quốc tế.

Ngày 6/12/2017 tổng thống Mỹ Donal Trump "đơn phương" công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho đặt trụ sở đại sứ quán Mỹ tại thành phố này. Vụ việc đã làm cho tình hình nơi đây càng thêm căng thẳng, châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối của người dân Palestine, những vụ bạo lực, đụng độ giữa hai bên xảy ra đã làm nhiều người bị chết và bị thương.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI