Isabelle Müller và sự trở về của Loan

29/04/2023 - 08:08

PNO - Vì muốn thế giới biết đến câu chuyện của mẹ mình, một cô bé nơi làng quê nghèo ở Hà Tĩnh, mới 12 tuổi đã dám trốn nhà ra đi, vượt thoát cuộc hôn nhân mua bán. Đó là câu chuyện mà Isabelle Müller đã viết và nỗ lực đưa đến với nhiều người, bằng cả tự truyện về cuộc đời mình.

Cô căm ghét chiến tranh vì sau những trải nghiệm, Isabelle Müller hiểu người cha sinh ra cô đã bị chiến tranh tàn phá cuộc đời, làm biến dạng những phẩm chất tốt đẹp trong ông. Cô có 150 buổi thuyết trình nói lên sự đấu tranh của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Cô đã đưa được “Loan” về Việt Nam - quê hương của mẹ - được độc giả đồng cảm, đón nhận.

Tác giả bài viết và Isabelle Müller  trong buổi ra mắt sách  Con gái của chim phượng hoàng năm 2022
Tác giả bài viết và Isabelle Müller trong buổi ra mắt sách Con gái của chim phượng hoàng năm 2022

“Loan” ra mắt độc giả Việt Nam vào những ngày đầu tháng 3/2018. Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước - chia sẻ: “Tôi thực sự có ấn tượng với Isabelle. Mẹ cô đã lớn lên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, nên phụ nữ phải hứng chịu những hậu quả và hệ lụy chiến tranh nặng nề nhất. Cô đã viết quyển sách bằng lòng tri ân với tổ tiên, tìm về nguồn cội khiến tôi xúc động và tự nhận lấy sứ mạng làm cầu nối đưa “Loan” về Tổ quốc”.

Đọc Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, tôi bàng hoàng nhận ra “Loan” chứa đựng nhiều giá trị cốt lõi. Tràn ngập trong lòng tôi là sự đồng cảm giữa 2 người phụ nữ cầm bút, viết về thân phận phụ nữ. Tôi biết Isabelle Müller đã bị ám ảnh, kiên trì, nỗ lực như thế nào trong quá trình lao động sáng tạo để viết quyển sách. 

Một lịch sử đa chiều của đất nước được nhìn thấu thật sinh động, khách quan, qua thân phận của những người phụ nữ dưới đáy xã hội. Bằng cách kể chuyện nhẹ như hơi thở, vậy mà bao lần tác giả làm tim tôi thắt lại, không ngăn được nước mắt khi khát vọng yêu thương, hạnh phúc của những người phụ nữ nhỏ bé đã luôn bị đe dọa, bị tước đoạt một cách thô bạo bởi chiến tranh và lòng tham ác của con người.

Cảm ơn một độ lùi lịch sử đã tạo nên nhân duyên cho tôi được gặp “Loan”, để soi chiếu những số phận phụ nữ, trong đó có những người bà, người mẹ của tôi và cả bản thân mình, có cùng thân phận như Loan; cũng từng bị những người đàn ông bạo hành, cột mái tóc dày mượt vào chân giường tra tấn, đánh đập khi bị kết tội, bị đánh vào bất cứ nơi đâu trên thân thể, bị bạc đãi lúc sinh con, bị chà đạp nhân phẩm và hạnh phúc.

Tiếng đập cánh của con phượng hoàng kiêu hãnh đã khiến những đôi mắt mở to trước điều kỳ diệu của số phận, đã chạm đến những trái tim đa cảm của nhân gian như sinh thời Loan đã từng ao ước.

Tôi cảm ơn nghị lực mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh của Loan để con chim phượng hoàng kiêu hãnh đập cánh bay lên, không chọn lấy cái chết lúc mang thai để được giải thoát như người bạn gái tên Anh khi chồng cô bội bạc. Loan cũng không gieo mình xuống dòng nước như người phụ nữ “mang thai vượt mặt” cùng cảnh ngộ trong giờ phút tàu nhổ neo đưa những người lính Pháp rời Sài Gòn, vang lên tiếng còi tàu chết chóc. Loan đã dũng cảm tìm được hạnh phúc đích thực của người phụ nữ, có được báu vật cuộc đời là cô gái út Isabelle đã thay Loan thực hiện sứ mệnh sống và kể lại cuộc đời mình.

Isabelle Müller bên người thân trong dịp đưa “Loan” về quê hương  khi làm phim Loan - Phượng hoàng tái sinh ở Hà Tĩnh, tháng 2/2019
Isabelle Müller bên người thân trong dịp đưa “Loan” về quê hương khi làm phim Loan - Phượng hoàng tái sinh ở Hà Tĩnh, tháng 2/2019

Từ trang sách đến phim tài liệu Loan - Phượng hoàng tái sinh 

Đọc Loan nhiều lần, được nghe chị kể chuyện, tôi cứ bị ám ảnh. Với mong muốn được chia sẻ câu chuyện đến với nhiều người hơn, tôi trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hoàng. Anh rất nhiệt tình thực hiện bộ phim, với sự đồng cảm mãnh liệt.

Isabelle Müller sinh năm 1964 tại Tours (Pháp), hiện sống ở Đức. Isabelle là con gái út của bà Đậu Thị Cúc (sau này bà đổi tên thành Loan) và một người lính Pháp. Bà Cúc có mẹ là người Lào và cha là đồng bào thiểu số sống ở vùng tây Hà Tĩnh, giáp Lào. 

Isabelle bắt đầu viết sách từ năm 2003. Năm 2018, độc giả Việt Nam biết đến Isabelle Müller qua cuốn sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng - cuốn sách đầu viết về cuộc đời của bà Loan. Trước đó, từ năm 2016 Isabelle Müller đã thành lập và điều hành Quỹ Loan, hỗ trợ cho trẻ em đồng bào ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, giúp các em được đến trường.

100% thu nhập từ việc phát hành bản dịch tiếng Việt quyển Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng được chuyển vào Quỹ Loan để làm từ thiện.

Đầu năm 2019, ê kíp làm bộ phim tài liệu Loan - Phượng hoàng tái sinh cùng Isabelle Müller về Hà Tĩnh, tìm lại cội nguồn của chị. Đó là ngôi nhà mang dấu ấn tuổi thơ bất hạnh của bà Đậu Thị Cúc. Làng quê Thạch Đài hoang vắng ngày xưa nay đã thành đường nhựa giữa trung tâm thành phố. Băng qua 1 thế kỷ đầy biến động, tang thương; “Loan” đã trở về đúng nơi xuất phát; bỏ qua thù hận, cay đắng, ngộ nhận; chỉ có tình thương và những giọt nước mắt thấu hiểu.

Sau 1 năm nỗ lực thực hiện, tìm lại dấu chân tha phương của Loan trên nước Pháp, Đức và các thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh… ở Việt Nam; bộ phim tài liệu Loan - Phượng hoàng tái sinh dài 3 tập hoàn thành, ra mắt ở Hà Tĩnh.

Trong chiếc áo dài Việt Nam, “Loan” xúc động cảm ơn ê kíp làm phim đã nỗ lực kể lại câu chuyện bằng hình về cuộc đời của Loan bằng cả trái tim. Bộ phim đã đưa mẹ chị trở về quê hương, kết nối với tổ tiên. Để có được cái ôm tìm về cội nguồn, gia tộc, bà Đậu Thị Cúc phải đi qua gần 1 thế kỷ chia ly. Phim đã đưa Loan về với cội nguồn. Từ tro tàn đổ nát, chim phượng hoàng hay lên, rực rỡ đầy sức sống. Không chỉ có Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, Isabelle còn đưa Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi về Việt Nam, ngay sau khi dịch COVID-19 lắng dịu.

Chị đến nhiều trường đại học, trung học khắp Việt Nam để kể về chính câu chuyện của mình - một nạn nhân bị xâm hại tình dục từ chính người cha mình. Cô bé đã có lúc tuyệt vọng muốn chết đi, nhưng vì cô là con gái chim phượng hoàng nên kiêu hãnh sống, kiêu hãnh vượt qua nỗi đau, không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng.

Ý nghĩ viết quyển sách về mẹ luôn nung nấu trong lòng Isabelle. Để thực hiện ước mơ ấy, Isabelle trải qua một quá trình sống và rèn luyện, vượt lên những thương tổn tuổi thơ bất hạnh. Thi đậu tú tài, chị học thêm ngoại ngữ. Năm 1985, chị hành nghề biên - phiên dịch tại Đức. Năm 1992, chị kết hôn với ông Stephan Müller - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có 2 con gái và có cuộc sống thành đạt ở Đức. Nhưng Isabelle luôn bị thôi thúc trở về Việt Nam. Chị còn viết sách cho thiếu nhi, tự tay mình vẽ những bức tranh minh họa và rất vui khi được in và phát hành ở Việt Nam.

Isabelle Müller thăm một trường học ở Hà Tĩnh, tháng 2/2019
Isabelle Müller thăm một trường học ở Hà Tĩnh, tháng 2/2019

Lập quý Loan bằng cả tấm lòng 

Quyển sách đoạt giải sách hay ở Đức năm 2015. Tác giả đã dùng nhuận bút thành lập Quỹ Loan, với phương châm “Chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới”, thực hiện các dự án giúp đỡ học sinh các dân tộc ít người, những mảnh đời khó khăn ở vùng cao Việt Nam. Đến nay, Quỹ Loan đã triển khai hàng chục chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ cho Hà Giang lên đến hàng chục tỉ đồng.

Isabelle Müller chọn cách trở về, đến Hà Giang vì còn rất nhiều người “miệng không muốn nói, tai không muốn nghe” ở cao nguyên xa xôi. Cô mong muốn được cho đi bằng trái tim, đến với những số phận, được lắng nghe và chia sẻ những nỗi đau, được cứu vớt, mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ như Loan đã từng không được học chữ vì là con gái, bị người thân bán đi. Loan - có tên khai sinh là Đậu Thị Cúc - đã dẫn dắt con gái mình chọn một cách sống “cho đi và làm người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc”.

Isabelle nói, đầu tư cho giáo dục là cách làm có ý nghĩa, bền vững. Chị không quản nhọc nhằn, gian khổ và nguy hiểm đi đến nhiều bản làng xa xôi của người đồng bào ở Hà Giang. Cô Nguyễn Thị Phúc - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Minh Tân B, huyện Vị Xuyên - năm ấy xúc động nói: “Chị Isabelle đã đến đây khảo sát và tài trợ cho trường xây dựng thư viện. Ở vùng cao, học sinh rất thiệt thòi vì đói sách”.

Tôi lại tiếp tục ngồi sau những chiếc xe máy leo dốc, đến thăm lại ngôi trường mang tên mẹ chị nơi một sườn núi cheo leo. Với chiếc túi căng phồng, chị lại leo dốc, đi vào các điểm trường, thăm những phụ huynh khó khăn. Những gói kẹo, gấu bông, những món đồ chơi từ Đức vượt đại dương đến với thôn Bàn Phố, biên giới Vị Xuyên đã làm sáng lên ánh mắt trẻ thơ, rạng rỡ nụ cười của những cô cậu học trò vùng cao. 

Trầm Hương (nhà văn)

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI