IS lợi dụng COVID-19 để đẩy mạnh hoạt động

24/07/2020 - 08:52

PNO - Một báo cáo trình lên Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23/7 cho biết Iraq và Syria ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo cực đoan (IS) khi lực lượng này khai thác “lỗ hổng an ninh” do đại dịch COVID-19, tái khởi động và đẩy mạnh hoạt động ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở Iraq.

IS lợi dụng an ninh lỏng lẻo trong đại dịch để tái khởi động các hoạt động khủng bố - Ảnh: CNN
IS lợi dụng an ninh lỏng lẻo trong đại dịch để tái khởi động các hoạt động khủng bố - Ảnh: CNN

Theo CNN, một báo cáo trên phạm vi rộng - được nhóm giám sát mối đe dọa khủng bố thánh chiến toàn cầu của LHQ tiến hành - ghi nhận phiến quân IS đang củng cố lực lượng ở Iraq và Syria, và "tự tin vào khả năng tăng cường hoạt động một cách ngang nhiên ở nơi vốn là khu vực cốt lõi trước đây". Báo cáo cho biết, số vụ tấn công của các tay súng IS ở Iraq và Syria "tăng đáng kể vào đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019".

Đề cập đến tình hình ở Iraq, nhóm giám sát của LHQ cho biết IS "khai thác các lỗ hổng an ninh do đại dịch và tình hình nhiễu loạn chính trị ở Iraq để tái khởi động một cuộc nổi dậy kéo dài ở nông thôn, cũng như các hoạt động lẻ tẻ ở Baghdad và các thành phố lớn khác". Mấy tuần gần đây, Iraq chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19, từ mức dưới 7.000 trường hợp ngày 1/6 đến ngày 23/7, con số này đã tăng lên thành 100.000 trường hợp.

Syria tuy ít ca nhiễm virus hơn, nhưng các nhà lãnh đạo của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết phiến quân IS khai thác một thực tế là đại dịch đã hạn chế khả năng di chuyển của SDF trong khu vực, khi lực lượng này bận tập trung vào các cơ sở giam giữ hàng ngàn cựu thành viên IS.

Báo cáo của LHQ cũng ước tính hiện có hơn 10.000 chiến binh IS hoạt động ở Iraq và Syria.

Giải thích lý do về khả năng phục hồi của IS, báo cáo của LHQ cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện lực lượng IS vẫn còn khoảng 100 triệu USD dự trữ, đa số dưới dạng tiền mặt và được chôn giấu hay cất giữ trong các kho lưu trữ trên khắp khu vực, hoặc được những người hỗ trợ tài chính ở các nước láng giềng cất giữ. Một số quỹ đã được đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp ở Iraq, Syria và các nước Trung Đông khác.

Những phát hiện mới của LHQ thách thức lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông này tuyên bố đầu năm 2020 rằng các lực lượng chống khủng bố đã tiêu diệt “100% (lực lượng) IS và lãnh thổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.

Tuy nhiên, báo cáo của LHQ không vẽ ra một “bức tranh tiêu cực” về mối đe dọa IS ngày càng rõ nét ở Iraq và Syria. Báo cáo lưu ý rằng một số nhà lãnh đạo IS quan trọng đã bị tiêu diệt sau khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị giết vào tháng 10 năm ngoái, ngoài ra, “một số kẻ hỗ trợ tài chính IS bị bắt hoặc bị giết trong các chiến dịch chống khủng bố, bí mật về các nơi cất giấu tiền cũng có thể bị mất”.

Báo cáo cũng lưu ý đến sự nổi lên của tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Tây Phi và vùng Hạ Sahara. Nhận định này đưa ra kết luận tương tự với một báo cáo của Lầu Năm Góc mới công bố trong tháng 7. Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ dai dẳng giữa al Qaeda và Taliban được coi là một trong những trở ngại chính cho tiến trình hòa bình ở Afghanistan sau khi thỏa thuận Mỹ - Taliban được ký kết hồi đầu năm nay.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI