IS "gõ cửa" châu Á, hiểm họa toàn cầu đã là hiện thực

16/01/2016 - 07:40

PNO - Một tướng quân đội Mỹ lên tiếng cảnh báo sau Indonesia, nhóm khủng bố IS sẽ tăng cường tấn công khắp thế giới dù đang thất thế ở Syria và Iraq.

Đông Nam Á căng mình cảnh giác IS

Cảnh sát Indonesia ngày 15/1 thông báo đã xác định được 4 trong số 5 đối tượng bị tiêu diệt trong vụ khủng bố rúng động thủ đô Jarkarta (Indonesia) một ngày trước đó. Ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 kẻ khủng bố và 26 người bị thương trong vụ này.

Theo người phát ngôn cảnh sát Indonesia, ông Anton Charliyan, cả 5 tên nói trên có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 2 trong số đó từng có hoạt động cực đoan. Ông Charliyan cũng nói một lá cờ IS được tìm thấy ở hiện trường.

IS
Lực lượng an ninh Indonesia đấu súng với những kẻ tấn công tại Jarkata ngày 14/1 - Ảnh: AFP

Với hơn 200 triệu tín đồ Hồi giáo sinh sống, Indonesia được coi là mảnh đất "dụng võ" để IS có thể chiêu mộ quân.

Đáng lo ngại hơn, khoảng 700 công dân Indonesia đã sang Syria những năm qua, để tham gia vào các lực lượng nổi dậy chống chính phủ, trong đó phần lớn là gia nhập IS. Và làn sóng quay trở lại quê hương, thực hiện các vụ khủng bố là nguy cơ đã được cảnh báo.

Không chỉ Indonesia, "vòi bạch tuộc" của IS hiện đã lan rộng ra nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ cách đây 5 hôm, hàng loạt tờ báo lớn tại châu Á đã đưa tin, 4 nhóm cực đoan Philippines, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayiaf, đã sáp nhập lại với nhau và thề sẽ trở thành một chi nhánh của IS ở khu vực này.

Còn tại Malaysia, Thái Lan và 1 số quốc gia khác, việc tuyển dụng thành viên cho IS cũng đang diễn ra hàng ngày qua các mạng xã hội, như Facebook.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 14/1 cảnh báo, Bali có thể sẽ là mục tiêu khủng bố tiếp theo sau vụ tấn công tại Jakarta. Quan chức Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể tiến hành thêm các vụ tấn công như ở Jakarta vì nhóm phiến quân này đang muốn lấp liếm những thất bại của chúng gần đây ở Syria và Iraq.

Những ngày này, an ninh được thắt chặt khắp Indonesia. Sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali báo động cao sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ryamizard Ryacudu ngày 14/1 cho rằng các mục tiêu là Jakarta và Bali.

Tại Singapore, báo The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ng Eng Hen ngày 15/1 cho biết, nước này và Indonesia sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo. Ở Thái Lan, các quan chức an ninh thắt chặt kiểm tra du khách tại biên giới và người dân được yêu cầu trình báo bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ra lệnh bảo vệ các mục tiêu “mềm”, còn cả nước Malaysia được cảnh báo an ninh mức cao nhất.

Theo giới phân tích, vụ tấn công Jakarta chứng thực mối lo ngại lớn nhất của chính phủ các nước Đông Nam Á, đó là những công dân chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Trung Đông trở về khủng bố quê nhà.

Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo với vụ tấn công khủng bố tại Jakarta - thủ đô Indonesia hôm qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo thể hiện rõ tham vọng bành trướng tại Đông Nam Á.

Đông Nam Á chiếm 15% dân số theo đạo Hồi trên toàn cầu và sẵn có nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan và miền Nam Philippines. Nhiều nhóm trong số này đã thề trung thành với IS. Do đó, chuyên gia về khủng bố Đông Nam Á Rohan Gunaratna kêu gọi các chính phủ trong khu vực phối hợp để ngăn chặn việc thành lập một khu vực vệ tinh của IS ở đây.

IS "gõ cửa" Trung Quốc

Truyền thông Mỹ vừa đưa tin chính quyền Trung Quốc quyết định sẽ sớm hợp tác với Nga chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Hiện Nga vẫn đang tích cực thực hiện các chiến dịch không kích tại Trung Đông. Đợt truy quét các phần tử cấp cao đã tiêu diệt trung bình 100 tên mỗi ngày tại Iraq và Syria kể từ đầu năm 2016.

Trong thời gian qua đã có nhiều mối đe dọa nhắm vào Trung Quốc từ Trung Đông, cũng như sự xuất hiện ngày một nhiều của các chiến binh IS gốc Trung Quốc khiến lãnh đạo nước này bắt đầu quan ngại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI