Chị khoe thư thông báo của Lãnh sự quán Đức về việc cấp visa cho chị, sau khi chị giành giải nhất nữ Việt Nam tại Triathlon Chanllenge Nha Trang, nhận được suất tham dự Challenge Roth 2017 tại Đức từ 9-10/7/2017.
|
Nguyễn Thị Gia Huệ |
Mọi thứ đều có thể
Challenge Roth 2017 là một giải đấu có thể xem là lớn nhất trong các giải đấu của thế giới, thu hút VĐV nhiều nước tham dự. Cũng vẫn là ba môn như mọi cuộc thi Ironman, gồm bơi 3.800m, xe đạp 180km và chạy 42,2km. Cái hành trình gian khổ ấy, ngay cả VĐV chuyên nghiệp cũng ngán ngẩm, huống gì một phụ nữ vừa qua tuổi 40, xinh đẹp như chị.
Mảnh mai và điệu đàng thế nhưng thành tích của chị thật đáng nể. Đã hai lần liên tục chị giành giải nhất cuộc thi thử thách khốc liệt đó: nữ Ironman 70.3 Đà Nẵng 2015 và nữ Ironman 70.3 Đà Nẵng 2016 và giành được suất tham dự giải Vô địch thế giới Ironman tại Sunshine Coast, Australia. Và tháng Chín này, chị sẽ tiếp tục giải Vô địch thế giới tại Mỹ.Chị nói nhẹ nhàng: “Với Ironman, mọi thứ đều có thể”.
|
Thành tích của chị rất đáng nể |
Thực tế, không đơn giản để có được những thành tích đó. Chị đã trải qua những ngày tập luyện dài thật dài. Không kể mưa nắng. Bất kể ở đâu. Dẹp sang một bên việc kinh doanh bất động sản đang phát triển tốt, chị lao vào tập luyện. Đều đặn. Nhẫn nại. Từ 4 giờ mỗi buổi sáng là chị bắt đầu đạp xe đạp, rồi chạy bộ, bơi trên biển. Chị có “địa lợi” để tập luyện nhờ sống tại thành phố biển Nha Trang. Nơi có đồi dốc để tập xe đạp.
Có con đường tuyệt đẹp ven biển để tập chạy. Có biển xanh bao la để tập bơi. Cái lịch tập luyện khắt khe của chị, ai nghe cũng giật mình, nhưng chị tuân thủ tuyệt đối, hàng ngày bơi 4.000m, chạy bộ10 km, đạp xe 50km đường dốc, tập gym một giờ, yoga một giờ… Chị thường đi ngủ từ 8 giờ tối, để có thể thức dậy luyện tập lúc 2 giờ sáng.
Chị tâm sự: “Ironman là môn giúp tôi rèn luyện thể chất và tinh thần ở mức độ cao nhất với tất cả ý chí và nghị lực. Thật thú vị khi khám phá giới hạn của bản thân, chiến thắng thử thách và làm được điều mọi người cho là không thể”.
|
Thật thú vị khi khám phá giới hạn của bản thân |
Vậy thời gian nào chị dành cho những nhu cầu khác? “Tôi nhiều bạn bè lắm, Tây ta đủ cả, nên không thiếu những cuộc vui trong ngày, mà chẳng hiểu sao tôi cũng thu xếp được hết từ việc gia đình, vui chơi, đến tập luyện”. Xen giữa những giờ tập luyện là vui chơi thôi. Trang cá nhân của chị vui nhộn bởi những hình ảnh chị chụp dọc đường đạp xe của mình, chụp cả những món ăn dọc hành trình. “Người sắt ăn nhiều lắm, nhiều kinh khủng, nhưng không kiêng khem như thể hình. Ăn nhiều mà vẫn giữ được cân nặng chuẩn đấy nhé”, chị hào hứng.
Câu chuyện loanh quanh lại chuyển sang những chấn thương của chị. Có ai thi đấu thể thao mà chưa một lần bị chấn thương! Chị cũng không ngoại lệ. Những chấn thương liên tục đôi lúc cũng khiến chị suy sụp tinh thần. “Người sắt có bao giờ khóc vì đau, như mọi phụ nữ bình thường khác trên đời này?”. Chị cười ngất: “Chẳng khóc đâu! Chấn thương thật ra cũng chỉ là một trong những thử thách. Mình phải vượt qua thôi”.
|
Người sắt vẫn rất duyên dáng |
Hy sinh những mùi hương
Chị là một người sành điệu trong ăn mặc, làm đẹp, trong kết bạn và cả chuyện vui chơi. Khi đã chọn cho mình một con đường gian khổ, chị đã phải tự vượt qua bao trở ngại của bản thân. Những mùi hương mà chị vốn rất yêu thích cũng phải để dành chờ… một dịp nào đó có thể dùng được. Luyện tập “như trâu” - lời của chị, thì xài sao được. Đành hy sinh cái sở thích dịu ngọt đó.
Được trời ban một nhan sắc chẳng thua kém ai, nhưng chị không chọn những cuộc thi nhan sắc với những săn đón, ồn ào xưng tụng, mà chỉ khát khao làm được những gì người khác không làm được. “Người sắt” cho chị niềm kiêu hãnh ấy. Đó là nơi chị tìm thấy những giá trị của ý chí, nghị lực. Việc khổ luyện tạo nguồn cảm hứng cho chị sống lành mạnh, ý chí kỷ luật cao nhất trong tất cả những việc mình làm và mang laị cho cuộc sống của chị những ngày ngập tràn ý nghĩa.
Chị vốn tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, đã thành cô giáo trường làng. Rồi mẹ bệnh, gánh nặng sáu đứa em nheo nhóc, chị quyết định rẽ sang hướng khác. Vào Sài Gòn lập nghiệp, chị trở thành tiếp viên của Pacific Airlines - một công việc là niềm kiêu hãnh của bao cô gái ở thời điểm đó. Công việc này còn đưa đến cho chị một cuộc tình lãng mạn như trên màn ảnh Hollywood.
Chị kể: “Giờ nhiều người vẫn nhắc về cuộc tình đó, như một minh chứng cho sự lãng mạn trong tình yêu”. Tuy nhiên, bản chất mạnh mẽ, tính tình phóng khoáng, yêu tự do, nên chị khó chấp nhận được những ràng buộc. Vì lẽ đó, sau không ít cuộc tình, chị vẫn chọn cuộc sống độc thân. Một người đàn bà độc thân, kiêu hãnh thật sự là nỗi khát khao của bao người đàn ông quanh mình - chị nói, khi được hỏi tại sao chị lại chọn sống độc thân. Chị kiêu hãnh vì mình đã làm được nhiều điều mà ít người có thể làm được.
Ở ngưỡng tuổi 40, chị đã thu xếp khá trọn vẹn đời mình, thu nhập đủ để chị thoải mái dành toàn bộ thời gian luyện tập và tham gia những cuộc thi. Càng luyện tập, càng thi đấu, càng chiến thắng chị như càng thấy mình nữ tính hơn. “Người sắt” không lấy mất của chị điều gì, kể cả nữ tính.
Dù da có nâu bóng chứ không trắng trẻo như thời trẻ. Dù nhìn bề ngoài có hơi thô tháp chứ không áo dài yểu điệu của cô tiếp viên ngày xưa. Cũng chẳng sao! Giờ chị là một biểu tượng mạnh mẽ, đầy năng lượng tích cực - hình ảnh chị thật sự muốn xây dựng cho bản thân. Như thế, chị vẫn cứ là một thỏi nam châm thu hút mọi ánh nhìn của người xung quanh.
Ước mơ bây giờ của chị đơn giản là được đi thi đấu Ironman nhiều nơi trên thế giới kết hợp du lịch, sống một đời tự do, ung dung. Chị chia sẻ: “Tôi thích làm điều tốt cho mình và dùng ảnh hưởng của mình truyền cảm hứng tốt đẹp cho xã hội. Tôi muốn có một cuộc sống thú vị chứ không nhàm chán. Đó là hạnh phúc.
Hạnh phúc ở Ironman không phải là thắng người khác mà là trải nghiệm khi vượt qua giới hạn của chính mình, hoàn thành một hành trình cuộc sống mà trên hành trình đó, đôi lúc chúng ta phải trả giá bằng sự kiệt sức và những chấn thương đau đớn. Nhưng, trải nghiệm “hạnh phúc trong đau khổ” là một cảm giác mấy ai có được trong đời”.
Tạ Khánh Tâm