Iran bảo vệ Assad, EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong cơn khốn đốn

11/04/2016 - 09:42

PNO - Tổng thống Syria được Iran bảo vệ khi Mỹ liên tiếp bị chỉ trích hỗ trợ khủng bố và dòng người tị nạn vẫn là nỗi ám ảnh của Ankara, EU.

Iran không đồng ý phế truất Assad

Theo nguồn tin Tân hoa xã, kênh truyền hình Press TV ngày 10/4 dẫn lời cố vấn cấp cao Ali Akbar Velayati của Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố, Iran sẽ không chấp nhận việc phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở nước này.

Ông Velayati nói: "Iran tin rằng Chính phủ của ông Bashar al-Assad nên tiếp tục tại nhiệm cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông và việc loại bỏ ông Assad là một giới hạn đỏ đối với chúng tôi."

Iran bao ve Assad, EU-Tho Nhi Ky trong con khon don
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad - Ảnh: AFP

Không chỉ vậy, ông Velayati còn phản đối việc các thế lực bên ngoài gây sức ép buộc ông Assad phải ra đi, ngoài ra ông còn nhấn mạnh việc chỉ có người dân Syria mới có thể quyết định về tương lai và tổng thống của họ.

Điều này cho thấy vị thế và vai trò của Tổng thống Syria đã được củng cố trong quá trình tấn công, tiêu diệt IS và tác động lớn tới Trung Đông trong thời gian vừa qua. Dưới sự hỗ trợ của Nga, vị trí, vai trò của ông Assad đã được nâng tầm rõ rệt.

Mỹ liên tiếp bị tố hỗ trợ khủng bố

Ngược lại về phía Mỹ, mặc dù đã liên tiếp thể hiện thái độ tích cực tiêu diệt IS thông qua việc tăng các lần không kích, điều thêm vũ khí để diệt khủng bố, tuy nhiên Mỹ vẫn liên tiếp bị tố ủng hộ, viện trợ cho đám khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik hôm 8/4, nhà báo Iraq Muntazer al-Zaidi đã công khai cáo buộc Mỹ hỗ trợ gián tiếp cho lực lượng khủng bố IS ở Iraq.

Iran bao ve Assad, EU-Tho Nhi Ky trong con khon don
Lính Mỹ huấn luyện cho quân đội Iraq

Ông đề cập đến vấn đề này trong bối cảnh đang diễn ra cái mà ông miêu tả là Mỹ đang nỗ lực kích động sự ly khai khỏi cộng đồng người Sunni-Shiite trong thế giới Arap.

"Đây là cuộc chơi mà người Mỹ biết rất rõ. Ví dụ, ở Iraq chúng tôi thấy Washington luôn luôn gián tiếp hỗ trợ IS, lực lượng vốn tuyên bố họ đang chiến đấu chống lại chế đội Shiite. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ một số nhóm khủng bố ở Syria", nhà báo al-Zaidi khẳng định.

Ông dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo Iraq khi tham gia tấn công IS: Họ đã phát hiện những kiện hàng y tế và lương thực, cũng như vũ khí được không quân Mỹ thả dù xuống sa mạc.

"Lực lượng khủng bố IS được cho là đã tiếp nhận sự hỗ trợ kể trên từ những chiếc dù mà chỉ quân đội Mỹ mới có. Mỹ đã thả những chiếc dù này để giúp IS chống lại quân đội Iraq đang chiến đấu chống khủng bố", ông khẳng định.

Thêm vào đó, trong một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, gần 1/3 người Iraq cho rằng Mỹ hỗ trợ khủng bố hay IS. Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đã có mặt tại Iraq trong 13 năm qua dưới danh nghĩa chống khủng bố và trong thời gian gần đây Washington đang tăng cường các cuộc không kích tại đây.

Theo Văn phòng Tổng thanh tra, gần “40% người Iraq cho rằng Mỹ đang gây bất ổn và kiểm soát nguồn tài nguyên của nước này,” và 30% nghĩ Mỹ hỗ trợ IS. Nhiều người tin vậy bởi có những video cho thấy rõ lực lượng Mỹ hỗ trợ chiến binh IS.

Sức ép di cư sang châu Âu

Khi thỏa thuận về người di cư của EU - Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, vấn đề khủng hoảng di cư được ghi nhận là có mang lại hiệu quả, tuy nhiên con số này vẫn rất lớn và thực sự khiến EU trở nên quá tải.

Trước tình hình người di cư vượt biên giới trở nên căng thẳng, cảnh sát Macedonia ngày 10/4 đã bắn đạn hơi cay vào đám đông khoảng 500 người di cư ở bên phía lãnh thổ Hy Lạp, khi những người này tìm cách vượt qua hàng rào biên giới giữa hai nước.

Iran bao ve Assad, EU-Tho Nhi Ky trong con khon don
Cảnh sát Macedonia đã bắn đạn hơi cay vào đám đông.

Vụ việc xảy ra gần cửa khẩu Idomeni, phía Bắc Hy Lạp. Tại đây, có hơn 11.200 người di cư đang bị mắc kẹt sau khi tuyến đường Balkan bị đóng lại từ giữa tháng Hai vừa qua.

Những người di cư bị mắc kẹt ở cửa khẩu Idomeni đã yêu cầu mở cửa biên giới với Macedonia, tuy nhiên không người di cư nào được phép vào lãnh thổ Macedonia trong những tuần qua.

Trong bối cảnh đó, cùng ngày Hy Lạp đã lên tiếng chỉ trích việc cảnh sát Macedonia sử dụng vũ lực và đạn hơi cay nhằm vào những người di cư ở khu vực biên giới của Hy Lạp, coi đây là hành động "nguy hiểm và đáng bị lên án."

Người phát ngôn cơ quan điều phối vấn đề người di cư của Hy Lạp, ông George Kyritsis cho rằng việc sử dụng hóa chất, đạn cao su và bom khói để chống lại những người di cư vốn chịu nhiều tổn thương là hành động nguy hiểm và đáng bị lên án dù được giải thích bằng bất cứ lý do nào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI