Iran: 2 cô dâu trẻ liên tiếp tự tử vì bị ép hôn

04/07/2022 - 11:16

PNO - Mới đây, 2 cô dâu trong độ tuổi vị thành niên ở Saqqez, một trong những thành phố lớn ở tỉnh Kurdistan của Iran, đã tự tìm đến cái chết sau khi bị ép buộc kết hôn.

Trong trường hợp đầu tiên, Sarveh Kamali, 16 tuổi, bị buộc phải kết hôn ngoài ý muốn của em. Sau khi kết hôn, Sarveh đã bị chồng dở trò vũ phu.

Một nghệ sĩ trẻ hóa trang thành cô dâu để phản đối nạn tảo hôn
Một nghệ sĩ trẻ hóa trang thành cô dâu để phản đối nạn tảo hôn

Kamali đã nói với gia đình rằng em không thể tiếp tục cuộc sống như vậy và sẽ tự tử. Tuy nhiên, không thành viên nào trong gia đình tiếp nhận điều này một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, Kamali đã treo cổ tự tử chỉ một tháng sau cuộc hôn nhân của mình, vào ngày 21/6/2022.

Một thiếu nữ 17 tuổi khác cũng đã tự kết liễu đời mình, chỉ 2 ngày sau vụ việc đau lòng nói trên. Em đã bị ép buộc phải đính hôn với một người đàn ông, và theo kế hoạch sẽ phải kết hôn với anh ta.

Theo một nguồn tin địa phương, kể từ tháng Ba, hàng chục thiếu nữ dưới 18 tuổi ở Saqqez đã tự tử, mà nguyên nhân chính là do các em bị ép buộc kết hôn sớm.

Những cô dâu trẻ “nhí” và những cuộc hôn nhân cưỡng bức là một thực trạng đáng báo động về nạn bạo lực đối với phụ nữ ở Iran. Tuy nhiên, chế độ giáo quyền vẫn ở nước này vẫn tiếp tục thúc đẩy các vụ kết hôn trẻ em, khiến tình trạng tự tử ở các cô dâu trẻ ngày càng gia tăng.

Báo động nạn tảo hôn toàn cầu

Hiện, 1/5 phụ nữ trên giới kết hôn trước 18 tuổi. 12 triệu cuộc tảo hôn xảy ra mỗi năm, phần lớn ở các khu vực Tây Bắc Trung Phi, Nam Á và Nam Mỹ. 76% trẻ em gái ở Niger, 59% ở Bangladesh và 36% ở Brazil kết hôn trước 18 tuổi.

Tảo hôn cũng là một vấn đề của nước Mỹ (Một người đàn ông 65 tuổi thực hiện một cuộc hôn nhân giả với một bé gái 12 tuổi trong một cuộc thử nghiệm xã hội ở Quảng trường Thời đại vào năm 2016)
Tảo hôn cũng là một vấn đề của nước Mỹ. Trong ảnh: Một người đàn ông 65 tuổi thực hiện một "cuộc hôn nhân" giả với một bé gái 12 tuổi trong một cuộc thử nghiệm xã hội ở Quảng trường Thời đại vào năm 2016

Tảo hôn hiện không chỉ là mối quan tâm ở miền Nam toàn cầu. Ở Mỹ, nơi tảo hôn ở trẻ em gái và trẻ em trai vẫn được xem là hợp pháp ở 44 tiểu bang, đã có gần 300.000 cuộc hôn nhân trẻ em trong giai đoạn 2000-2018. Tại Đức, tuy tảo hôn là bất hợp pháp kể từ năm 2017, nhưng đã có 813 cuộc tảo hôn đã được ghi nhận ở nước này trong giai đoạn 2017-2020.

Thực tế này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em gái. Tảo hôn dẫn đến việc các em gái phải mang thai khi còn nhỏ, có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm trong quá trình này và khi sinh nở, cũng như bị nhiễm HIV và bị người chồng bạo hành.

Các chuyên gia nhận định, những thay đổi về nhân khẩu học đồng nghĩa với việc số lượng trẻ vị thành niên ngày càng tăng, và do đó sẽ có nhiều trẻ em gái có nguy cơ bị tảo hôn hơn trong tương lai.

Thêm vào đó, sự gián đoạn giáo dục, cùng với sự gia tăng nghèo đói do đại dịch COVID-19 gây ra, ước tính sẽ khiến 10 triệu trẻ em gái có thể bị tảo hôn trong thập niên tới. Trong khi đó, hiện có khoảng 100 triệu trẻ em gái được dự đoán đã trở thành cô dâu trẻ em.

Theo UNICEF, đã có một số tín hiệu tốt về tình trạng tảo hôn trên toàn cầu, trong đó nhiều nước đã ban hành luật nâng độ tuổi kết hôn lên 18 tuổi, và đầu tư vào các biện pháp can thiệp tình trạng này. Ở Anh và xứ Wales, một dự luật đã được thông qua vào tháng 4/2022, nâng độ tuổi kết hôn từ 16 tuổi lên 18, phạt tiền và áp dụng án tù đến 7 năm đối với bất kỳ người lớn nào tạo điều kiện cho tảo hôn, nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt hôn nhân ép buộc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, luật trừng phạt có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, trong đó có các cuộc hôn nhân “ngầm” và trừng phạt trẻ vị thành niên, khiến các gia đình, nhất là những gia đình nghèo, bị thiệt thòi hơn.

Nhất Nguyên (theo NCRI Women Committee, The Lancet)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI