iPhone 6, quỳ lạy và văn hóa trách nhiệm

06/11/2014 - 16:21

PNO - PNO – Nhiều người Việt đọc báo và trách móc nam thanh niên Việt Nam đi du lịch Singapore sĩ diện hão, không giỏi tiếng Anh để đến mức bị cửa hàng Mobile Air bắt chẹt mua iPhone 6 giá cao, lại phải quỳ lạy trước tiệm để được...

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu chuyện đã tạm kết khi cảnh sát và Hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore có mặt, nam thanh niên tên Thoại được trả lại 400 đô-la Singapore (SGD), trở về Việt Nam.

iPhone 6, quy lay va van hoa trach nhiem

Ảnh cắt từ clip. 

Dồn dập những ngày qua là những thông tin bê bối liên quan đến iPhone 6. Thương hiệu này cũng dẫn đến lắm bi ai, muộn phiền.

Trong nước, tại TP. Hồ Chí Minh, hàng chục người dân vướng vào đường dây lừa đảo mua iPhone 6 “giá bèo”.

Học sinh, sinh viên, người lao động cầm cố nhà cửa, tài sản, vay nặng lãi đến cả tiền tỉ để góp vốn với một người đàn ông tên L. để nhằm mua được nhiều iPhone 6 “giá bèo” như ông L. vẽ ra, nhưng iPhone đâu chưa thấy, ông L. đã cao chạy xa bay.

Còn ở Singapore, anh Thoại, người Việt Nam đi du lịch, kể rằng anh chỉ là công nhân, lương 3 - 4 triệu đồng nhưng vì để tặng bạn gái, anh sẵn sàng mua iPhone 6 giá khoảng 16 triệu đồng tặng bạn.

Ngặt một nỗi, tiếng Anh không giỏi, anh Thoại bị bắt chẹt khi ký vào hóa đơn đóng thêm trên 25 triệu đồng mà không hay. Anh Thoại khóc lóc, quỳ lạy chủ cửa hàng để xin trả lại tiền, ngay bên cạnh anh là cô bạn gái đang đứng ngơ ngác. Hình ảnh này đã đăng tải hàng loạt lên báo chí Singapore, nhiều diễn đàn còn nguyên clip anh Thoại khóc và quỳ lạy.

iPhone 6 có sức mạnh gì để nhiều người bán rẻ cả danh dự của mình và thể diện quốc gia như thế?

Tôi biết chuyện nhiều nhà hàng ở Singapore dán những bảng thông báo ghi rõ bằng tiếng Việt yêu cầu khách hàng không bỏ thừa đồ ăn, đi toilet giữ vệ sinh. Cách cư xử của người Việt Nam đang xấu đi trong mắt bạn bè nước ngoài. Và nam thanh niên trên đang một lần nữa góp phần tô đậm những ấn tượng không mấy đẹp đẽ đó.

Báo chí Singapore và ngay cả các bạn trẻ đăng tải clip anh Thoại trước cửa hàng đều làm mờ mặt nhân vật chính. Họ không xúm lại chê cười và bình phẩm du khách Việt, họ đồng loạt kêu gọi tẩy chay Mobile Air khiến cửa hàng này phải đóng cửa trước bão dư luận. Cách cư xử có văn hóa của những người bạn Singapore có khiến người Việt Nam chúng ta giật mình?

Điều bất ngờ vẫn chưa kết thúc khi một người Singapore tên Gabriel Kang lên tiếng kêu gọi cộng đồng cùng góp tiền, mua tặng cho anh Thoại một chiếc iPhone 6.

Số tiền quyên góp nhận được nhiều hơn 1 chiếc iPhone 6, đủ cả để mời anh Thoại và bạn gái trở lại Singapore du lịch. Những người bạn Singapore dễ mến này đang tìm cách liên lạc với Thoại để tặng anh quà và hỏi xem anh có thích đổi màu chiếc iPhone 6 khác.

Trong một đất nước nhỏ bé nhưng phát triển dữ dội ở Đông Nam Á, Singapore cho người ta thấy những khuôn mặt của một đất nước phát triển, rất có văn hóa, mỗi cá nhân luôn tự nhận thấy có trách nhiệm với tất cả vận mệnh của quốc gia.

Gabriel Kang tự thấy rằng nếu chuyện Mobile Air lan truyền rộng ra, đất nước Singapore của anh sẽ bị đánh giá là vô văn hóa và bắt chẹt du khách, và người ta sẽ quay lưng lại với quốc đảo xinh đẹp này. Anh và các bạn trẻ tự thấy trách nhiệm của mình phải hàn gắn những sai lầm của những người trẻ khác.

Chúng ta nhìn lại Việt Nam. Du khách nước ngoài đến với chúng ta phải tự trang bị kỹ năng hỏi giá - mặc cả, nhìn chằm chằm vào đồng hồ taxi, giữ đồ thật chặt kẻo bị cướp.

Chúng ta ngày ngày đi du lịch nước ngoài, lên máy bay nói chuyện oang oang, ra đường vứt rác bừa bãi và ăn buffet thì lấy thật nhiều đồ ăn rồi bỏ lại.
Chúng ta tự bêu xấu chính hình ảnh đất nước mình khi một bé gái lấy đồ trong siêu thị bị treo biển “Tôi là người ăn trộm” trước nườm nượp những đoàn người vào ra.

Chúng ta tự gây nên lỗi lầm, tự nhìn những lỗi lầm của người khác rồi mặc kệ, với tâm lý “xã hội có trách nhiệm phán xét”.

Và Việt Nam vẫn đang - phải - ngước - nhìn những quốc gia khác đang lớn lên và bước đi.

NGUYỄN THÚY HẰNG (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI