Interpol cảnh báo tội phạm vắc-xin COVID-19 giả đang hoành hành

25/05/2021 - 13:36

PNO - Đầu năm nay, cảnh sát Trung Quốc đã chặn đứng một vụ lừa đảo quốc tế kéo dài nhiều tháng liền, tịch thu 3.000 liều vắc-xin COVID-19 giả và thực hiện 80 vụ bắt giữ ở nhiều thành phố của nước này.

Tuy nhiên, Interpol và các nhóm hành pháp khác cảnh báo rằng, đây có thể chỉ là một trong số nhiều đường dây sản xuất và buôn bán vắc-xin ngừa COVID-19 giả, đang lợi dụng tình trạng khan hiếm vắc-xin ở nhiều nước, trong bối cảnh số trường hợp nhiễm COVID-19 mới trên thế giới vẫn tiếp tục tăng hàng ngàn ca mỗi ngày.

Lô vắc-xin COVID-19 giả bị bắt giữ ở Nam Phi liên quan đến một đường dây ở Trung Quốc
Lô vắc-xin COVID-19 giả bị giữ ở Nam Phi liên quan đến một đường dây ở Trung Quốc, dẫn đến hơn 80 vụ bắt giữ đầu năm nay

“Hoạt động này càng làm cho các cộng đồng đang lệ thuộc vào vắc-xin để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 thêm tuyệt vọng. Điều tệ hại ở đây là bọn tội phạm đang dùng những thủ đoạn tà đạo để kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của con người”, Stephen Kavanagh - Giám đốc điều hành dịch vụ cảnh sát của Interpol - lên tiếng.

“Nếu hoạt động này đem về cho các nhóm tội phạm nhiều khoản lợi lớn và chương trình tiêm ngừa COVID-19 ở nhiều nước vẫn đang bị đình trệ, thì các băng nhóm này chắn chắn sẽ tìm cách mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin giả”, Kavanagh cảnh báo và cho biết thêm Interpol đã chứng kiến nhiều vụ sản xuất vắc-xin giả trên khắp thế giới.

Tháng 2 năm nay, các nhà chức trách Mexico đã bắt 6 người vì bán vắc-xin Pfizer giả tại một phòng khám tư nhân. Các quan chức Nam Phi cũng đã bắt giữ nhiều nhóm người vào đầu năm nay sau khi phát hiện hơn 2.000 liều vắc-xin COVID-19 giả trong một nhà kho có liên quan đến hoạt động sản xuất vắc-xin giả của Trung Quốc. Ba Lan cũng xảy ra một vụ lừa đảo khác liên quan đến vắc-xin Pfizer giả được sản xuất từ thuốc điều trị chống lão hóa, theo tờ The Wall Street Journal.

Kavanagh cũng chỉ ra một số trường hợp sản xuất vắc-xin giả với quy mô nhỏ ở Đông Nam Á để bán vào thị trường Nam Mỹ. Tuy nhiên, Kavanagh cho biết, đến nay, Interpol - tổ chức chia sẻ dữ liệu tội phạm và điều phối việc chống tội phạm giữa 194 quốc gia thành viên - vẫn chưa phát hiện ​​việc sản xuất vắc-xin COVID-19 giả với quy mô lớn và mang tính công nghiệp có sản lượng lên đến chục hoặc hàng trăm ngàn liều. Và Kavanagh khuyên rằng, những người có nhu cầu tiêm ngừa COVID-19 nên tìm đế các cơ quan y tế chính thức để được tư vấn.

Jeremy Douglas - Đại diện khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương - cho biết rất khó xác định quy mô của các hoạt động sản xuất vắc-xin COVID-19 giả, nhưng văn phòng của ông cũng đã cảnh báo các chính phủ về nguy cơ các nhóm có khả năng tham gia vào hoạt động này, làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất vắc-xin hợp pháp.  

“Sản xuất vắc-xin COVID-19 đang là một ngành có giá trị hàng tỷ USD, và có lẽ là một trong những ngành có giá trị ngay tức thời lớn nhất từ ​​trước đến nay, khi mà mọi người trên thế giới đều muốn có được vắc-xin”, Douglas nhận định và cho biết các nhóm kinh doanh vắc-xin giả thường quảng bá trên các trang web “đen”, được truy cập thông qua những phần mềm đặc biệt. Những trang web này rao bán rất nhiều loại vắc-xin của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới và đã được chấp thuận đưa vào sử dụng như Pfizer, Sinovac và Johnson & Johnson, với giá từ vài chục đến vài ngàn USD.

Kavanagh cho biết các băng nhóm tội phạm còn rao bán các giấy tờ liên quan đến việc tiêm vắc-xin COVID-19 và các lọ vắc-xin rỗng chính hãng để tái sử dụng cho việc sản xuất vắc-xin giả trên các kênh trực tuyến, và đây là một mối quan ngại lớn đối với Interpol.

Roderic Broadhurst - giáo sư tội phạm học tại Đại học Quốc gia Úc, người đã theo dõi việc bán các sản phẩm liên quan đến COVID-19 trên các trang web "đen" - cho rằng không loại trừ khả năng một số liều vắc-xin chính hãng đang được chuyển ra khỏi các kênh hợp pháp thông qua các nhóm buôn lậu dược phẩm trực tuyến “có cấu kết với những nhân vật quan trọng từ các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dược phẩm”.

Tháng trước, một nhóm - mà giáo sư Broadhurst là thành viên - đã công bố danh sách gồm hàng trăm loại dược phẩm có liên quan đến COVID-19 được rao bán trên các trang web "đen" gần đây, trong đó vắc-xin COVID-19 chiếm 10%.

“Hiện, không có loại vắc-xin COVID-19 chính hãng và được chấp nhận đưa vào sử dụng chính thức nào được bán qua kênh trực tuyến cả. Đây là một trong những vấn đề dường như đã được các cơ quan chức năng thống nhất, vì không ai muốn vắc-xin giả xuất hiện trên thị trường và được tiêm cho người dân”, Kavanagh cho biết và khuyên các nhà chức trách ở các nước nên truyền tải thông điệp này đến người dân nhằm đấu tranh chống tội phạm sản xuất vắc-xin giả, đồng thời tiếp tục tăng cường phối hợp với các công ty dược phẩm, các cơ quan y tế và cảnh sát để trấn áp tội phạm này.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI