NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHỌN VIỆC NHẸ NHÀNG

 

 

 

 

 

1. Đến bây giờ, Mai Quân - 27 tuổi, con gái của bà Hoàng Thị Mai - vẫn hay nhắc chuyện lúc mình còn nhỏ, má chở chạy trong hẻm tổ dân phố 20, khu phố 5, P.Thạnh Xuân, Q.12 cứ bị té xe hoài. “Đường có chút xíu, chỉ đủ một chiếc xe đạp chạy, mương nước dài hai bên, né kiểu gì cũng té. Về làm dâu Thạnh Xuân, tôi thấy đường là ngán. Ban ngày còn liều được chớ tối sợ dữ lắm. Hỏi má chồng sao người ta không sửa, má kêu nào giờ nó vậy, phải ráng chịu chớ sao” - bà Hoàng Thị Mai nhớ lại thời mới rời Q.Gò Vấp qua P.Thạnh Xuân, Q.12 làm dâu đầu những năm 1990. 

 

Lúc đó, tuyến giao thông xóm này vẫn chưa có tên hẻm 467 (nối giữa đường Hà Huy Giáp và Tô Ngọc Vân) như bây giờ. Do ngoài đầu đường có một phòng khám bệnh nên bà con gọi là hẻm bác sĩ Lộc. Bà Nguyễn Thị Út - má chồng bà Mai - cho hay nước mương ngày xưa trong veo, người dân múc lên dùng ngon lành, về sau bị ô nhiễm, không ai muốn đụng tới, phải qua trạm bơm bên khu phố 6 gánh nước về. 

Năm 1999, bà Mai làm Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 20. Từ đó, mỗi năm hai - ba bận, bà lên phường xin kinh phí mua đá xanh, cũng có khi rủ rê bà con hùn tiền, hùn sức thồ đá về lấp những đoạn sụt lún. Đá chất chồng ngoài đường lớn, mọi người phải xúc đổ đầy bao tời rồi xốc vác lên xe đạp dẫn vô bên trong. “Nhớ nhất là cứ mỗi dịp tết Trung thu, tôi lại vận động tiền mua quà, mua lồng đèn cho sắp nhỏ trong xóm. Đêm rằm, các cháu xách lồng đèn đi chơi, bị lọt mương, la khóc quá trời. Tiệc cưới, tiệc hỏi hay lễ, tết, người trong xóm phải đùm túm gấu quần, quấn tà áo dài lên cao, cực trăm ngả. Tôi cứ ước sao làm được con đường rộng rãi, bằng phẳng nhưng kinh phí vượt quá sức vì bà con tổ 20 lúc đó ai cũng khó ngặt hết” - bà Mai kể. 

Bà Mai tự làm và chăm sóc những chậu cây, hoa nhỏ treo trên bờ tường nhằm tạo cảnh quản cho hẻm 467.
Bà Mai tự làm và chăm sóc những chậu cây, hoa nhỏ treo trên bờ tường nhằm tạo cảnh quản cho hẻm 467.

 

Đầu những năm 2000, người dân ở tổ 20 còn trồng cỏ nuôi bò, gia công lịch treo tường, dệt giỏ xách hoặc đan lưới vợt đánh cầu lông. Mẹ con bà Mai cũng vậy, làm một ngày rưỡi được 100 chiếc vợt, thù lao chừng 70.000 đồng. Năm 2007, kiêm thêm nhiệm vụ Tổ trưởng tổ dân phố 20, bà Mai lại mang chuyện bê tông hóa hẻm ra bàn nhưng không thành. Bà Mai giãi bày: “Bà con mình cũng muốn có đường đẹp, có điều kinh tế còn eo hẹp. Như nhà tôi, đan vợt riết mà chẳng dành dụm được gì, tôi theo chồng vô các công trường xây dựng nấu cơm cho thợ, sau này mở quán bán hủ tíu, bánh canh nhưng vẫn nghèo. Thành thử, từ năm 1999 tới 2017, tụi tôi vẫn miệt mài thồ đá vá đường”. 

Năm 2017, chuyện làm đường lại được mang ra thảo luận. Lúc này, nhiều hộ ở đầu hẻm đã chuyển sang kinh doanh phòng trọ, kinh tế khá dần lên. Ngoài các buổi họp tổ, bà Mai thường ghé từng nhà vận động bà con đóng góp tiền để đào cống, đặt hố ga. Cuối cùng, 90 hộ dân đã góp mỗi hộ 3 triệu, 6 triệu, một số hộ góp tới 10 triệu đồng. Để đường rộng rãi, nhiều hộ vui vẻ chịu thiệt, cắt bớt một đoạn sân nhà. Chính quyền địa phương cũng duyệt kinh phí trải bê tông toàn bộ đường. Cuối năm 2017, con hẻm chính thức được gắn bảng tên “hẻm 467”, dài chừng 1km, đoạn rộng nhất 5m. Hôm khánh thành, bà con tự hùn tiền với nhau làm bữa liên hoan với mười mấy bàn tiệc và một sân khấu ca nhạc. Ai cũng mát lòng mát dạ. 

Bà Mai năm nay 58 tuổi, vừa làm tổ trưởng dân phố, vừa làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5. Bà kêu gọi cán bộ, hội viên phụ nữ luân phiên dọn rác, gỡ bảng quảng cáo, rao vặt trên các cột điện dọc hẻm. Vợ chồng bà còn tận dụng chai nhựa, cắt thành những bình nhỏ trồng các loại hoa, cây cảnh treo lên bờ tường đầu hẻm. 

2. Nghe tôi hỏi chuyện đường sá, bà Nguyễn Thị Nghị - 63 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 2, khu phố 1, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 - trầm ngâm: “Trần ai lắm. Có điều, bà con đồng lòng, riết rồi cũng thành hình”. Bà lục trong điện thoại, cho tôi xem chùm ảnh chụp đường liên tổ 2 - 15A những ngày còn lầy lội, không có cống thoát nước, bị ngập suốt. Từ cuối năm 2018, đường được trải nhựa bằng phẳng, có nhiều hoa và cây xanh do cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố trồng. 

Bà Nghị công tác tại Xí nghiệp Dệt Quân Đội thuộc Tổng Công ty 28, Bộ Quốc phòng. Bà về hưu năm 2007 với cấp bậc đại úy. Trước đó, vào năm 2001, chồng bà bị tai biến, liệt nửa người bên phải. 20 năm qua, sức khỏe ông yếu, không còn khả năng lao động. Ngoài tiền lương hưu, để trang trải cuộc sống, bà Nghị may quần shorts nam, gia công nón vải rộng vành, còn nhận dạy may miễn phí cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù bận rộn, bà vẫn dành tâm sức cho các hoạt động phong trào, đặc biệt là vận động người dân bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm. 

Bà Nghị (bìa phải) cùng bà con khu phố tạo dựng và chăm sóc bồn hoa trên đường TTH20 hồi đầu năm 2020.
Bà Nghị (bìa phải) cùng bà con khu phố tạo dựng và chăm sóc bồn hoa trên đường TTH20 hồi đầu năm 2020.

“Đường liên tổ 2 - 15A xưa là đường đất, rộng chưa tới 2m. Đất đá lởm chởm, mưa nắng gì cũng ngập nên ai có điều kiện thì trát bê tông một đoạn ngắn ngay trước cổng nhà. Một số hộ mua đá xanh về lấp ổ gà, còn lại thì đành chịu trận. Nhà tôi ở tổ 2A, qua bên đây thấy con đường nham nhở vậy buồn lắm” - bà nhớ lại. 

Năm 2009, bà Nghị đưa chuyện làm cống và trải nhựa đường ra bàn trong cuộc họp tổ dân phố nhưng chín người mười ý. Mãi tới năm 2013, một số hộ chủ động góp tiền làm đường nhưng kinh phí gom lại không đủ mua vật liệu và thuê nhân công nên tổ phải trả tiền lại, hẹn nhau một dịp khác. 

Đầu năm 2018, thấy đời sống kinh tế của bà con khá lên, bà Nghị lại kêu gọi họ góp tiền làm cống, bê tông hóa đường liên tổ 2 - 15A. Lần này, bà con góp được 320 triệu đồng. “Con đường mới được khánh thành giữa năm 2018, tôi vui không biết sao mà tả. Liền sau đó, tôi rủ chị em làm bồn hoa ở những chỗ đất trống. Tụi tôi xin gạch, xi măng về tự xây bồn, trồng hoa mào gà, vạn thọ, sao nháy. Bên này ngon lành rồi nhưng ngó qua phía bên kia, chỗ hẻm 111/5 đường TTH20 chật chội, đường sụn lút, tôi lại rầu” - bà Nghị tâm tình. 

Không chỉ nỗ lực vận động bà con góp tiền bê tông hóa đường, bà  Nghị (ngồi, bìa trái) còn tích cực kêu gọi phụ nữ địa phương tham gia xây bồn hoa, cải tạo các điểm đen vthành không gian xanh mát.
Không chỉ nỗ lực vận động bà con góp tiền bê tông hóa đường, bà Nghị (ngồi, bìa trái) còn tích cực kêu gọi phụ nữ địa phương tham gia xây bồn hoa, cải tạo các điểm đen vthành không gian xanh mát.

111/5 là hẻm cụt, cũng thuộc tổ 2, khu phố 1, P.Tân Thới Hiệp. Trong hẻm chỉ có 13 hộ dân và những ngôi mộ. Bà con trong hẻm đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên bà Nghị không thể vận động họ đóng góp tiền để bê tông hóa hẻm. Thay vào đó, bà tâm sự với những nhà khá giả. Thương quý và trân trọng chân tình của bà, chuyện bê tông hóa hẻm 111/5 không mấy gian nan. Kinh phí hơn 30 triệu đồng được mọi người góp rất nhanh. Tháng 3/2019, hẻm 111/5 chính thức khoác lên mình tấm áo mới, không còn cảnh ngập nước, sình lầy. 

Làm đường xong, bà Nghị lại chuyển sang cải tạo những điểm đen về rác, xây bồn hoa. Từ năm 2017 tới nay, khu phố 1 đã xuất hiện bốn bồn hoa lớn, có bồn tới 24m2.

 

 

Dựa vào dân, việc khó thành dễ

Đầu tháng 10/2021, khu phố 1, P.Tân Thành, Q.Tân Phú được UBND phường bàn giao 14 tấn gạo để hỗ trợ cho dân. Mặt bằng ban điều hành khu phố quá nhỏ, chị Nguyễn Ngọc Yến - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban điều hành khu phố 1 - nhanh chóng vận động được các hộ gần đó cho mượn mặt bằng làm điểm tập kết gạo. 

Mỗi ngày, chị Yến đều dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cha. Cha chị đã 94 tuổi nên khẩu phần của ông phải chuẩn bị riêng. Phần chị Yến cũng là bữa ăn dinh dưỡng đơn giản bởi nhiều năm về trước, chị mắc bệnh ung thư. Lo xong việc nhà, chị lại chạy ra khu phố để phát quà, cập nhật số liệu người bị ảnh hưởng của dịch bệnh, thăm người già neo đơn, em nhỏ có cha mẹ đang điều trị bệnh.

Chị Yến chăm lo, phụng dưỡng cha già
Chị Yến chăm lo, phụng dưỡng cha già

 

Chị Yến tật bật với các hoạt động chăm lo an sinh cho nhân dân.
Chị Yến tật bật với các hoạt động chăm lo an sinh cho nhân dân.

Cùng làm việc với chị là nhiều tình nguyện viên. Sau một buổi tất bật phân phát gạo cho các hộ khó khăn, chị Yến cho biết: “Một mình tôi không thể nào làm nổi, phải nhờ hơn mười tình nguyện viên, đều là người trong khu phố đến phụ khuân vác, cân ký và phân chia gạo vào từng túi nhỏ 15kg”. Từ khi nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ khu phố vào năm 2020 đến nay, chị vẫn thường huy động được nhiều người chung tay, góp sức vào các công việc lớn, nhỏ: “Dựa vào dân, huy động được sức dân thì việc khó cũng thành dễ”.

 

Tương tự, trong 27 năm công tác, chị Huỳnh Huệ Dung - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6, P.5, Q.6 - chưa bao giờ đơn độc trong các hoạt động, đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em. 

Năm 2012, chị Dung và chị Thu Vân (hội viên thuộc chi hội) thành lập bếp ăn từ thiện ở khu phố 6. Lúc đầu, bếp chỉ có bốn thành viên, hỗ trợ 400-500 suất ăn/lần, kinh phí do các thành viên tự đóng góp. Các chị tự tổ chức nấu thức ăn rồi đến trước cổng Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trao tặng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và khách vãng lai. Vừa làm, chị Dung vừa huy động thêm nhiều nguồn hỗ trợ. Đến nay, bếp có khoảng 20 thành viên, nấu và phát cơm, cháo, nui từ thiện hai lần/tháng vào các ngày 14 và 20 âm lịch, mỗi lần từ 1.200-1.500 suất, tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng. 

Chị Huỳnh Huệ Dung nhận rau từ nhà hảo tâm cho “Bếp ăn từ thiện” của KP6, P.5, Q.6
Chị Huỳnh Huệ Dung nhận rau từ nhà hảo tâm cho “Bếp ăn từ thiện” của KP6, P.5, Q.6

 

Để có được các suất ăn, chị Dung cùng các thành viên phải chuẩn bị và làm việc từ ngày hôm trước. Trong khi mọi người còn đang an giấc thì bếp ăn từ thiện đã đỏ lửa, đến 5g sáng là đã có đồ ăn và nước uống cho bệnh nhân. 

Mùa dịch COVID-19, bếp ăn từ thiện khu phố 6 đã nấu hơn 1.000 suất ăn miễn phí tặng người già, người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, lực lượng bảo vệ dân phòng và người dân trong các khu vực bị phong tỏa của Q.6.

 

Cán bộ phải làm gương

Bà Dư Thị Kiều - nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.10, Q.Tân Bình - nói về dân vận: “Việc gì cũng vậy, cán bộ cứ đi trước, làng nước sẽ theo sau”. Trong suốt mười năm làm chủ tịch Hội LHPN phường, bà Kiều cùng các cán bộ hội phụ nữ đã đưa phong trào phụ nữ của phường đi lên, thu hút cộng đồng người Hoa chung tay xây nhà tình thương cho người dân khó khăn, trao nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ. Phong trào “Hũ gạo tình thương” do Hội LHPN phường phát động trở thành điểm sáng trong công tác hội ở địa phương, hằng tháng hỗ trợ gạo cho hơn 16 hộ.

Từng theo chân bà Ứng Thị Liên - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chợ Bình Tây, Q.6 - trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi thấy bà kêu gọi từ thiện rất thân tình, có khi chỉ là một cú điện thoại: “Em ơi, có coi đài không, miền Trung khổ quá, bão chồng bão. Chị muốn xin 500 cái mền cho dân. Em phụ chị nghen”. Cuộc gọi vừa dứt, tài khoản của bà đã nhận được 15 triệu đồng, người cho không chỉ muốn tặng mền mà còn tặng thêm áo phao, thực phẩm. Hết bão lũ, lại đến dịch bệnh, bà lại xin rau, thịt, cá các nơi để tặng người dân Q.6 gặp khó khăn.

Tháng 8/2018, khi về ấp 4, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè dự lễ khánh thành con hẻm bê tông do dân góp kinh phí để xây, chúng tôi được người dân giới thiệu về chị Nguyễn Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, người đã nêu gương hiến đất mở rộng hẻm. Con hẻm này chỉ dài 400m, xuống cấp nhiều năm nhưng chính quyền xã, huyện chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, bồi thường để mở rộng hẻm. Khi UBND xã ra chủ trương vận động dân góp tiền, hiến đất, nhiều người phản đối. Chị Hương đã dời hàng rào nhà mình vào trong rồi ra ban nhân dân ấp góp tiền làm hẻm. Tiếp đến, chị bắt đầu ghé từng nhà vận động. Sau hai tháng, con hẻm lầy lội được bê tông hóa, bề ngang 2m, xe chạy phà phà. 

 

 

Từ bài thơ, quyết đi tìm hài cốt nhân vật

Trong căn phòng dành để tiếp đón thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt, bà Hà Thị Tố Nga (tổ 5, khu phố 1, phường 24, quận Bình Thạnh) xúc động kể tên từng trường hợp hy sinh mà bà hỗ trợ tìm được hài cốt. Gần 20 năm qua, đã có rất nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào ở căn phòng này. Không chỉ lo ăn ở, phương tiện đi lại, hỗ trợ kinh phí, bà còn cùng họ đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Lần giở quyển nhật ký đã mờ nét mực, bà Tố Nga nhớ lại cơ duyên đưa đẩy bà đến với công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ: “Một lần đọc bài thơ Thầy giáo đi bộ đội của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về thầy giáo Nguyễn Tân Việt, tôi rất xúc động, tìm hiểu và biết thầy Việt hy sinh năm 1972 ở mặt trận phía Nam nhưng vẫn chưa tìm được đơn vị, hài cốt, mộ phần. Thời chiến tranh khốc liệt, rất nhiều gia đình chỉ nhận được tờ giấy báo tử chứ không biết người thân của mình nằm lại ở đâu”.

Sau khi đọc bài thơ, bà tìm đến đài tưởng niệm 4.000 liệt sĩ ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm kiếm thông tin về người thầy liệt sĩ. Tỉnh đội mách bà tìm gặp ông trung đoàn trưởng đã về hưu, nhưng trong danh sách liệt sĩ lại không có tên trung úy Nguyễn Tân Việt. Liên lạc lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa thì biết quê liệt sĩ ở tỉnh Hải Dương nhưng không rõ huyện, xã nào. Bà Tố Nga gửi thông tin về địa phương, mới biết ông ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách. Từ đó, bà lần tìm được anh trai của liệt sĩ Nguyễn Tân Việt là ông Nguyễn Văn Kẻ. Giấy báo tử không còn kể từ ngày cha mẹ ông Kẻ qua đời khiến hành trình khôi phục danh sách liệt sĩ của bà Tố Nga càng khó khăn hơn. 

Đại tá  Hà Thị Tố Nga (ngồi) trong đợt về cúng 52 liệt sĩ ở Đài tưởng niệm cầu Rạch Chiếc
Đại tá Hà Thị Tố Nga (ngồi) trong đợt về cúng 52 liệt sĩ ở Đài tưởng niệm cầu Rạch Chiếc

Từ TPHCM, bà nhờ người quen tìm đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương tìm giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Tân Việt rồi nhờ ông Kẻ đến sao lưu giấy tờ, gửi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho mình. Có được giấy báo tử, bà trực tiếp đưa đến Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 33. Danh sách được khôi phục, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Tân Việt nằm ở vị trí số 609. Hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tân Việt sau đó được gia đình đưa về quê lo hương khói.

“Những năm tháng ấy, tôi ôm điện thoại suốt, bởi để tìm được một ngôi mộ liệt sĩ, phải gọi hàng trăm cuộc đi khắp nơi” - bà Tố Nga kể. Sau liệt sĩ Nguyễn Tân Việt, bà Tố Nga lại đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Ri - chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, giúp con trai của liệt sĩ này - vốn chào đời khi ông Ri đã vào Nam chiến đấu - tìm được nguồn cội của mình sau 50 năm. 

Đại tá Hà Thị Tố Nga cúng 52 liệt sĩ ở Đài tưởng niệm cầu Rạch Chiếc
Đại tá Hà Thị Tố Nga cúng 52 liệt sĩ ở Đài tưởng niệm cầu Rạch Chiếc

Bà Hà Thị Tố Nga tham gia kháng chiến từ năm 1965. Đến năm 1988, bà giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân Đội (Viettel). Năm 1991, bà được phong hàm đại tá đồng thời giữ chức vụ giám đốc công ty. Năm 1999, bà nghỉ hưu. Ngoài đi tìm hài cốt liệt sĩ, bà còn thường xuyên giúp đỡ các cựu chiến binh gặp khó khăn. Nhận thấy trung tâm chuyên cấp thuốc, điều trị cho những người nghiện ma túy, bệnh nhân HIV, bệnh lao ở khu phố mình thường xuyên tụ tập đông người, có nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, bà đã hỗ trợ tiền để lắp đặt hệ thống camera an ninh. Bà cũng tự nguyện đóng góp 4 triệu đồng và vận động người dân đóng góp để phủ kín hệ thống camera trên toàn khu phố.

Vận động người khá giúp người khó

Mỗi ngày, chị Lê Thị Ngọc Nga - Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú - rời khỏi nhà từ sáng sớm, đến hơn 19g mới trở về. Chị Ngọc Nga cùng các cán bộ khu phố rà soát, lập danh sách người gặp khó khăn do dịch bệnh, đi phát lương thực, nhu yếu phẩm. Chị nói: “Việc nào cũng cần làm ngay, nhất là lương thực, thực phẩm”. Suốt bốn tháng qua, chị đóng cửa shop thời trang và dành toàn thời gian để làm công tác hỗ trợ người dân. 

Khu phố 5 hiện có khoảng 1.400 phòng trọ. Thấy nhiều người khó khăn, chị Ngọc Nga tự trích tiền tích lũy hơn 20 triệu đồng và vận động thêm bạn bè, người khá giả trong khu phố đóng góp, mua gạo, nhu yếu phẩm trao tận tay từng gia đình. Chị Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tây Thạnh - cho biết: “Cô Nga từng là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú nên mọi phong trào, hoạt động chăm lo cho phụ nữ yếu thế, trẻ em tại khu phố đều được cô Nga tiếp sức”. 

 

Lê Thị Ngọc Nga vận động quà tặng cho các khu nhà trọ tại khu phố
Lê Thị Ngọc Nga vận động quà tặng cho các khu nhà trọ tại khu phố

Lúc còn trẻ, chị Ngọc Nga tình nguyện tham gia tòng quân, làm công tác thông tin cho Quân khu 7. Khoảng bốn năm sau, do hoàn cảnh gia đình, chị phục viên, chuyển sang đi làm cho công ty tư nhân. Năm 1993, chị vào làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại UBND phường 8, quận 4. Một năm sau, chị tham gia ban chấp hành hội phụ nữ phường và làm công tác phụ nữ cho đến khi nghỉ hưu non năm 53 tuổi do có bệnh. 

Sau khi về hưu, chị Ngọc Nga dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ già. Khoảng bốn năm trở lại đây, chị quay lại tham gia hoạt động tại địa phương, sinh hoạt tại chi bộ khu phố 5. Trong đợt bùng phát dịch lần đầu vào năm 2020, chị Ngọc Nga đã khởi xướng phong trào đảng viên chăm lo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị kể: “Lúc nghe tôi phát động, nhiều người tỏ ý dè dặt vì nghĩ nhiều người không đồng tình. Nhưng kết quả thật bất ngờ: trong buổi sinh hoạt chi bộ, 60 đảng viên đã đóng góp 20 triệu đồng, dùng mua 100 phần quà phát cho người dân”. Chị đúc kết: “Với mỗi việc, tôi đều hết lòng, hết sức, làm thật, nói thật nên được mọi người quý mến, mọi việc suôn sẻ”.

Kinh nghiệm của chị Ngọc Nga cũng chính là cẩm nang thành công cho cán bộ làm công tác dân vận. 

Bài: Diễm Chi, Thu Lê, Thiên Ân, Thảo Nguyên

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: