Indonesia: Vắc-xin COVID-19 dành cho tù nhân bị đánh cắp và bán ra bên ngoài

25/05/2021 - 18:44

PNO - Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 4 người, bao gồm 3 công chức và 1 nhân viên quản lý tại nhà tù Tanjung Gusta ở Medan - một thành phố ở phía Bắc Sumatra, Indonesia - hôm 21/5 với cáo buộc ăn cắp và bán lại hơn 1.000 liều vắc-xin COVID-19 dành cho phạm nhân và nhân viên trong nhà tù. Đây là vụ bê bối liên quan đến COVID-19 thứ hai trong tháng ở Indonesia, làm dấy lên những quan ngại về việc vi phạm nhân quyền của hệ thống nhà tù của nước này.

Theo cảnh sát, nhóm nghi phạm nói trên đã ăn cắp và bán 1.085 liều vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất với giá 250.000 rupiah Indonesia (khoảng 17 USD) mỗi liều.

Một người dân Indonesia được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Một người dân Indonesia được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: EPA

Hai trong số các nghi phạm - có tên được viết tắt là IW và KS và hiện đang là bác sĩ tại Nhà tù Tanjung Gusta ở Medan và Văn phòng Y tế công cộng Bắc Sumatra - đã từng sử dụng nguồn vắc-xin được cho là dùng để sử dụng riêng trong hệ thống nhà tù Bắc Sumatra để tiêm cho người dân bên ngoài ở Medan và Jakarta trong 15 đợt, Cảnh sát trưởng Bắc Sumatra -  RZ Panca Putra Simanjuntak - cho biết.

Đây là lần thứ hai trong tháng, Bắc Sumatra bị chấn động bởi các vụ bê bối và tham nhũng liên quan dịch COVID-19. Vào đầu tháng 5, một nhóm người liên quan đến vụ tái chế và bán lại các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 thông qua việc lấy dịch mũi họng tại sân bay quốc tế Kualanamu cũng đã bị cảnh sát Indonesia bắt giữ. Vụ bê bối tại nhà tù Tanjung Gusta lần này càng làm dấy lên quan ngại về vấn đề tham nhũng và vệ sinh trong hệ thống nhà tù vốn đã quá đông đúc ở nước này.

Judith Jacob - một nhà phân tích an ninh và nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London - đã mô tả các nhà tù ở Indonesia là “một mối nguy hiểm cho sức khỏe” do tình trạng quá tải và thiếu nhân sự quản lý. “Qua những gì đã chứng kiến, tôi nhận thấy rằng khó có thể thực hiện giãn cách xã hội hay cách ly đối với các tù nhân đã bị nhiễm COVID-19. Indonesia vẫn chưa xem trọng việc đảm bảo sức khỏe cho tù nhân trong bối cảnh nguy cơ lây lan của đại dịch đang rất cao”, Jacob nhận xét.

Đến nay, Indonesia đã ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm COVID-19 và đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch tại các nhà tù trên khắp đất nước. Trong số đó, nhà tù Kerobokan nằm trên đảo Bali, đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm vào tháng 10 năm ngoái.

Theo Usman Hamid - Giám đốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế Indonesia - các nước không nên “bỏ quên” tù nhân trong đại dịch. “Bởi vì các nhà tù ở Indonesia quá đông, phạm nhân đã phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm cao. Thêm vào đó, họ lại còn trở thành nạn nhân của các vụ mua bán vắc-xin phi pháp - một hành vi thể hiện sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, Hamid lên tiếng.

Cảnh sát chống bạo động chuẩn bị tiến vào nhà tù Pekanbaru, sau khi khoảng 200 tù nhân thoát ra khỏi cơ sở quá đông đúc ở miền Tây Indonesia
Cảnh sát chống bạo động chuẩn bị tiến vào nhà tù Pekanbaru, sau khi khoảng 200 tù nhân thoát ra khỏi cơ sở quá đông đúc ở miền Tây Indonesia - Ảnh: AP

Vào tháng 8/2020, Tổ chức Theo dõi nhân quyền Indonesia báo cho biết, vào thời điểm bắt đầu của đại dịch COVID-19, hệ thống các nhà tù của nước này đã giam giữ gần 270.000 phạm nhân, cao hơn gấp đôi so với công suất 133.000 người của hệ thống, khiến cho các phạm nhân trở thành đối tượng dễ bị lây nhiễm COVID-19, nhất là trong điều kiện thiếu nước sạch và môi trường sinh hoạt kém vệ sinh.

“Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ tình trạng thiếu dịch vụ y tế kéo dài nhiềm năm liền trong các nhà tù ở Indonesia. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà tù của nước này không thể hoặc không muốn giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về các biện pháp y tế dự phòng và dịch vụ y tế cho các tù nhân. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận thấy rằng những người bị giam giữ ở nhiều quốc gia đã không được làm xét nghiệm COVID-19, và một số nước như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn từ chối điều trị y tế cho các phạm nhân đã bị nhiễm bệnh. Indonesia không nên nằm trong số các nước này”, Hamid cảnh báo.

Hamid cho biết thêm, vào tháng 4/2020, Yasonna Laoly - Bộ trưởng Luật và Nhân quyền Indonesia - đã thông báo rằng 50.000 tù nhân sẽ được trả tự do sớm và hủy bỏ việc thăm phạm nhân để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, khoảng 234.000 phạm nhân ở nước này vẫn còn đang bị giam giữ, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền.

Theo cảnh sát trưởng Simanjuntak, mặc dù Indonesia - quốc gia có dân số hơn 270 triệu người - chỉ mới tiêm chủng đầy đủ cho một tỷ lệ dân số khá thấp, tương đương khoảng 10 triệu người, nhưng đây không phải lý do cho hoạt động mua bán vắc-xin phi pháp trên thị trường chợ đen. “Người dân không nên quá lo lắng vì chính phủ đã đảm bảo rằng sẽ tiêm vắc-xin đầy đủ cho cộng đồng theo từng giai đoạn. Vì vậy, không cần phải chạy đua theo việc tiêm ngừa COVID-19 và mất tiền không cần thiết cho việc này”, Simanjuntak nói.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI