Indonesia sửa luật giúp tử tù có cơ hội được sống

10/10/2022 - 21:17

PNO - Một dự luật mới của Indonesia nếu được phê chuẩn sẽ mang đến cho các tử tù cơ hội được sống nếu họ cải tạo tốt trong thời gian thử thách lên tới 10 năm.

Indonesia vừa công bố kế hoạch sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành của mình. Một trong những điều luật liên quan đến cơ chế "ân xá có thử thách" đối với những phạm nhân bị tuyên án tử hình đang thu hút sự quan tâm thảo luận của công chúng.

Buôn bán ma túy bị xem là tội nghiêm trọng và có thể bị kết án tử hình ở Indonesia - Ảnh: Fajrin Raharjo/AFP
Buôn bán ma túy bị xem là tội nghiêm trọng và có thể bị kết án tử hình ở Indonesia - Ảnh: Fajrin Raharjo/AFP

Đã từ lâu, Indonesia duy trì hình phạt tử hình đối với những phạm nhân bị kết án các tội danh liên quan đến khủng bố, giết người và buôn bán ma túy. Thế nhưng ở dự thảo lần này của Bộ luật Hình sự sửa đổi thì việc thi hành án tử hình chỉ được xem là “phương án cuối cùng”. Thay vào đó, một giải pháp được đưa ra: thử thách 10 năm cho những người bị kết án tử hình và họ có thể được xem xét để giảm xuống thành án chung thân nếu đáp ứng được một số điều kiện cụ thể.

Theo dự thảo đang được các cơ quan liên quan xem xét và dự kiến ​​sẽ được ký ban hành thành luật trong vài tháng tới thì các thẩm phán được trao quyền tuyên án tử hình kèm theo thời gian thử thách tối đa 10 năm nếu bị cáo “tỏ ra hối hận, có cơ hội cải tạo; không đóng vai trò lớn trong việc phạm tội hoặc có các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án”.

Trong khi dư luận thể hiện sự ủng hộ chính sách hạn chế việc hành quyết các phạm nhân bị xử tử hình, một số nhà hoạt động xã hội bày tỏ mối quan tâm về việc liệu điều luật “ân xá có thời hạn” sau khi bị tuyên án tử hình sẽ thực thi như thế nào trong thực tế.

Theo tiến sĩ Usman Hamid, trưởng một tổ chức bảo vệ quyền con người có trụ sở ở Indonesia thì điều quan trọng là sự thay đổi này cần được áp dụng một cách công bằng cho tất cả các phạm nhân bị tuyên án tử hình và đặc biệt là “các quan tòa phải công tâm và không lạm dụng điều luật này khi ra quyết định”.

Ông Dobby Chew, điều phối viên của Mạng lưới Châu Á Chống hình phạt tử hình có trụ sở tại Malaysia cũng đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng, nhà nước cần phải thận trọng trong việc xác định các tiêu chí hoặc bối cảnh của việc áp dụng hình thức “ân xá có thời hạn”, đồng thời cần xây dựng các tiêu chuẩn khách quan có thể đo lường được để đánh giá kết quả cải tạo của phạm nhân trong giai đoạn thử thách.

Quan tòa được trao quyền quyết định việc tử tù có được hưởng thời gian thử thách hay không - Ảnh: Darren Whiteside/Reuters
Theo dự luật đang được xem xét thì quan tòa được trao quyền quyết định việc tử tù có được hưởng thời gian thử thách hay không - Ảnh: Darren Whiteside/Reuters

Việc bãi bỏ hay đình chỉ án tử hình cũng được một số quốc gia châu Á khác áp dụng trong thời gian gần đây.

Philippines đã đình chỉ việc áp dụng hình phạt tử hình vào năm 2006. Vào tháng 6/2022, Malaysia cũng đã tuyên bố bãi bỏ hình phạt tử hình bắt buộc.

Singapore thì công bố một điều luật tương tự vào năm 2012 khi đưa một số tội danh, bao gồm buôn bán ma túy và giết người, vào danh sách được xem xét miễn án tử hình bắt buộc.

Theo hãng tin Al Jazeera, không có vụ hành quyết nào được thực hiện trong hai năm 2020 và 2021 ở Singapore, thế nhưng vào tháng 4/2022, tòa án của Đảo quốc Sư tử này đã tuyên án tử hình và hành quyết bằng hình thức treo cổ với một công dân Malaysia vì tội buôn bán heroin.

Nhiều người đã lên tiếng phản đối hình phạt tử hình treo cổ mà Singapore áp dụng cho một tử tù hồi tháng 4/2022 - Ảnh: Roslan Rahman/AFP
Nhiều người đã lên tiếng phản đối hình phạt tử hình treo cổ mà Singapore áp dụng cho một tử tù hồi tháng 4/2022 - Ảnh: Roslan Rahman/AFP

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI