Indonesia là nước ASEAN ‘thua cuộc duy nhất’ trong thương chiến Mỹ-Trung

05/10/2019 - 14:00

PNO - Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mang lại lợi ích đầu tư cho hầu hết các nước Đông Nam Á trừ Indinesia, vì Jakarta không thu hút được các nhà sản xuất tìm cách né tránh biểu thuế cao trong cuộc “so găng” của hai cường quốc thế giới.

Trong số các nước ASEAN, Việt Nam được coi là nước nhận được lợi thế đầu tư lớn nhất, tiếp theo là Malaysia, Singapore và Philippines, các nước này đều được các nhà sản xuất “tháo chạy khỏi Trung Quốc” chọn làm nơi thay đổi chuỗi cung ứng của họ.

Indonesia la nuoc ASEAN ‘thua cuoc duy nhat’ trong thuong chien My-Trung
Lao động Indonesia làm việc tại một công trường xây dựng ở Jakarta, nước này đã “bỏ lỡ” một làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất muốn né tránh tác động của thương chiến Mỹ-Trung - Ảnh: AFP

Hai chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân của Singapore hôm 4/10 nói rằng Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines đã chọn phương thức kinh doanh - chủ yếu dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao hơn – khi Washington và Bắc Kinh “ăn miếng trả miếng” trong suốt 13 tháng vừa qua, gây nên đình trệ chuỗi cung ứng và biến động kinh tế trên toàn thế giới.

Hai chuyên gia của công ty môi giới Maybank Kim Eng cho biết Việt Nam nổi lên như một người hưởng lợi lớn nhất, với mức tăng 73% trong dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông năm 2018. Trong nửa đầu năm 2019, đơn xin đầu tư FDI vào Việt Nam tăng 211%.

Malaysia cũng ghi nhận một dòng tiền từ Trung Quốc, tăng từ đầu năm nay sau gần hai năm sụt giảm, trong khi Singapore cũng là người được hưởng lợi khi các công ty chuyển nhà máy đến Malaysia nhiều khả năng vay tiền từ các ngân hàng Singapore.

Ngay cả Philippines, trước nay không thu hút các nhà sản xuất cũng nhận được nhiều đơn xin đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Quốc gia không được lợi lộc gì trong bối cảnh mới có lẽ chỉ còn lại Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia không chịu bó tay ngồi yên. Mới đây, Tổng thống Widodo đã hối thúc các bộ trưởng trong nội các tận dụng tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tháng trước, Tổng thống Widodo – sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai nhờ những lời hứa thúc đẩy kinh tế Indonesia – đã yêu cầu các bộ trưởng trong chính phủ tăng cường hoạt động tìm cách tận dụng sự thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Ông Widodo trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong số 33 công ty Trung Quốc chuyển hoạt động ra nước ngoài, 23 công ty chọn Việt Nam trong khi 10 công ty còn lại đến các nước ASEAN khác, trong đó có Malaysia, Thái Lan và Campuchia.

Chuyên gia kinh tế Singapore cho biết công ty điện tử Đài Loan Pegatron quyết định xây dựng một nhà máy ở Batam, Indonesia, còn các tập đoàn đa quốc gia khác tỏ ra thận trọng hơn với một số yếu tố, chẳng hạn như luật lao động địa phương yêu cầu chủ lao động phải trả tiền thôi việc cao ngay cả khi nhân viên bị sa thải.

Việc Indonesia bỏ lỡ cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư được coi như “một hồi chuông cảnh tỉnh” đối với chính phủ nước này. Chính phủ Indonesia gần đây đã công bố kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp xuống 20% ​​so với mức hiện tại 25%.

Giống như Jakarta, chính phủ các nước khác ở khu vực Đông Nam Á đang chạy đua “trải thảm đỏ” mời chào các công ty Trung Quốc chuyển nhà máy đến nước mình.

Thái Lan, đang triển khai một gói tái sắp xếp được gọi là Thailand Plus. Ưu đãi theo gói bao gồm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, cũng như các khoản tài trợ cho lực lượng lao động có tay nghề. Tại Malaysia, chính phủ thành lập một ủy ban để giám sát và giải quyết nhanh các đơn xin FDI từ Trung Quốc.

Tô Châu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI