Indonesia: Cảnh báo sóng thần tiếp diễn sau thảm họa

24/12/2018 - 06:12

PNO - Con số cập nhật đến tối 23/12, có ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương, 30 người vẫn còn mất tích trong thảm họa sóng thần, sau vụ nổ núi lửa Krakatau.

Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
 

Khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là quận Pandeglang và Serang của tỉnh Banten, quận Lampung Selatan của tỉnh Lampung. Gần 600 căn nhà, hơn 360 tàu thuyền bị phá hủy hoàn toàn. Con số thương vong có thể tăng cao trong ít ngày tới, vì còn rất nhiều người dân sống ở vùng đảo xa mà hiện không thể liên lạc để xác nhận tình hình.

Hai đợt sóng cực mạnh liên tiếp đã tấn công khu vực bờ biển quanh eo biển Sunda trong tối 22/12. Eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Java và Sumatra, nối liền biển Java với Ấn Độ Dương. Chính quyền cảnh báo người dân tránh xa khu vực gần eo biển Sunda, vì thủy triều vẫn còn dâng cao cho đến hết ngày 25/12 và không thể chủ quan loại bỏ nguy cơ sóng thần có thể xảy ra. Hiện chưa có thông tin du khách nước ngoài thiệt mạng trong vụ sóng thần.

Chính quyền Indonesia, ngày 23/12, đã xin lỗi người dân vì không cảnh báo được khả năng có sóng thần. Ban đầu, chính quyền thông báo chấn động chỉ là do đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi người dân đừng hoảng sợ. Nhiều chuyên gia độc lập của quốc tế cho rằng, việc cảnh báo khả năng thảm họa trong tình huống này không dễ dàng, vì việc nổ núi lửa dẫn đến kích hoạt sóng thần là rất hiếm. Các chuyên gia cũng cho biết, thủy triều cao do trăng tròn cũng góp phần dẫn đến đợt sóng thần kinh hoàng vừa qua.

Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
 
Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
Cảnh tượng đau đớn xác nhận tin người thân qua đời

Ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn của Cơ quan Phòng, chống thiên tai Indonesia - cho biết: “Trước khi xảy ra sóng thần, núi lửa đã phun trào trong nhiều ngày. Lần phun mạnh nhất cách thời điểm xảy ra sóng thần đến một ngày. Diễn biến bất ngờ là điều không lường trước được. Hơn nữa, vì không có bất cứ trận động đất nào xảy ra nên việc dự báo sóng thần đã bị bỏ qua”.

Anh Rustina - một ngư dân may mắn sống sót, chưa kịp hoàng hồn - chia sẻ buổi tối kinh hoàng 22/12: “Tôi vẫn còn chưa tỉnh nổi sau cú sốc. Tối qua, tôi cùng mọi người đang chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến tàu kế tiếp thì bất ngờ đợt sóng lớn tiến vào. Chúng tôi chỉ kịp lùa hết người thân cùng bỏ chạy. Chúng tôi không biết mọi thứ đã thật sự an toàn chưa”.

Chị Yuni, người dân sống gần khu vực sóng thần tấn công, kể: “Tôi đang ở nhà xem ti vi thì bất ngờ nghe tiếng động lớn như gió dập vậy. Khi tôi mở cửa thì nước ùa vào nhà rất nhanh. Tôi bỏ hết của cải ở lại, chạy ào ra ngoài, tranh thủ lúc nước rút. May mắn là tôi đã chạy kịp trước khi đợt sóng mạnh thứ hai ập đến”. Đợt sóng thứ hai mạnh hơn đợt đầu rất nhiều và chính là đợt sóng đã cuốn phăng hàng trăm sinh mạng.

Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
Núi lửa Krakatau phun trào
Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
Hoạt động của núi lửa Krakatau nhìn từ trên cao.

Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Thống kê cho biết, 90% vụ phun trào núi lửa trên thế giới xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này. Năm 2018 là năm mà người dân Indonesia chịu quá nhiều tổn thất, mất mát do thiên tai. Tháng Chín vừa qua, hơn 2.000 người thiệt mạng khi động đất lớn xảy ra ngoài bờ biển đảo Sulawesi, gây ra sóng thần, kéo vào tàn phá thành phố Palu.

Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao chính quyền Indonesia không triển khai hệ thống phao cảnh báo sóng thần ở tất cả khu vực gần biển. Trên thực tế, Indonesia không thể triển khai hệ thống này, vì hệ thống phao cảnh báo sóng thần cần đến hàng ngàn phao, khó có thể kết nối được hết và chính quyền cũng không đủ kinh phí duy trì. Trước đó, vào đầu tháng Tám, trận động đất mạnh 6,9 độ richter đã xảy ra ở đền thờ Hồi giáo Jabal Nur, làm 142 người chết.

Lịch sử từng ghi nhận vụ nổ núi lửa Krakatau vào ngày 27/8/1883, được xếp vào nhóm thảm họa kinh hoàng nhất. Dư chấn vụ nổ đã tạo cơn sóng thần cao 30m, ập vào hai đảo Java và Sumatra, tiếp tục làm 36.417 người thiệt mạng, phá hủy toàn bộ hàng trăm ngôi làng gần đó. Chỉ số phun trào núi lửa ở mức độ 6, tức gấp 13.000 lần sức công phá của quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima tháng 8/1945. 

Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
 
Indonesia: Canh bao song than tiep dien sau tham hoa
 

Thiên Như (theo Sky News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI