Indonesia: Bộ máy quan liêu khiến tiền hỗ trợ chưa đến tay nạn nhân dịch COVID-19

14/08/2020 - 06:00

PNO - Chính phủ Indonesia phân phối hàng chục tỷ đô la cho quỹ khẩn cấp giúp đỡ các hộ gia đình bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19 nhưng bộ máy quan liêu đã cản trở quá trình này.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, thành viên nội các được trọng dụng nhất của chính quyền Tổng thống Joko Widodo, có lý do chính đáng để coi một thực trạng giống như bệnh dịch mà bà đang phải đối mặt được gọi là “rủi ro đạo đức”. Đây là thuật ngữ kinh tế học và tài chính được sử dụng để chỉ một loại rủi ro phát sinh khi đạo đức của chủ thể kinh tế bị suy thoái. 

Chính phủ Indonesia đã chi 695,2 nghìn tỷ rupiah (tương đương 47,5 tỷ USD) cho quỹ cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ các nhóm chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch lần này, đồng thời kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng từ 5,2% trong năm 2019 sụt giảm kỷ lục trong 6 tháng đầu 2020 và dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4 % vào cuối năm nay.

Hàng triệu người thất nghiệp được ghi nhận tại Indonesia do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hàng triệu người thất nghiệp được ghi nhận tại Indonesia do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Nhưng các biện pháp hỗ trợ không xảy ra với tốc độ mà Joko Widodo mong muốn, một phần vì các công chức sợ mắc sai lầm và sau đó phải đối mặt với cáo buộc gây “thất thoát ngân sách nhà nước”, thường là cơ sở để buộc tội tham nhũng.

Mặc khác, Sri Mulyani Indrawati xác nhận với Asia Times rằng chính phủ đang gặp khó khăn do không duy trì được cơ sở dữ liệu toàn diện, được thành lập dưới thời cựu Phó tổng thống Boediono, liệt kê 40% hộ gia đình Indonesia có thu nhập thấp.

Trong 3 năm qua, rất ít hồ sơ về đối tượng người nghèo trong mạng lưới an toàn xã hội được cập nhật bổ sung, khiến nhóm chuyên trách phục hồi kinh tế của chính phủ Indonesia giữa đại dịch COVID-19 do Thứ trưởng Budi Sadikin đứng đầu, phải loay hoay tìm cách khai thác tốt nhất dữ liệu mà họ có trong tay. Theo đó, dự kiến chỉ khoảng 2/3 đối tượng chịu tổn thương có thể tiếp cận được quỹ cứu trợ.

Trong một nỗ lực mở rộng nhóm người hưởng lợi, các quan chức đã dựa trên hồ sơ của Cơ quan An sinh Xã hội việc làm (BJPS), thông báo chương trình trợ cấp lương 2,7 tỷ USD hiện có cho 13 triệu người sẽ nâng lên thành 15,7 triệu công nhân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, rủi ro đạo đức là một “tình huống rất khó xử”, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, cung cấp giảm thuế hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn. Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chỉ 10% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn là xương sống của nền kinh tế Indonesia, đang nhận được sự trợ giúp từ chính phủ.

Cuối tháng 6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tức giận, dọa cải tổ lực lượng đặc nhiệm COVID-19, do Bộ trưởng điều phối kinh tế Airlangga Hartarto và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir chịu trách nhiệm về việc xử lý đại dịch vì cách thức hoạt động, chi tiêu công được thực hiện chậm chạp giữa bối cảnh sụt giảm kinh tế trầm trọng.

Nhưng trong khi các quan chức nhấn mạnh rằng sức khỏe vẫn là ưu tiên hàng đầu, thì ông Widodo đã phải miễn cưỡng thay thế Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto, không hài lòng về việc chậm giải ngân 6,9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe.

Tính đến nay, Indonesia đang là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong vì COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á với gần 6.000 trường hợp. Theo Bộ Kế hoạch Phát triển Indonesia dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể đạt mức cao nhất trong 1 thập kỷ, với gần 13 triệu người vào cuối năm 2020.

Chung Thu Hương (theo Asia Times và Jakarta Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI