Indonesia bắt giữ nhóm lừa đảo, bán dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đã qua sử dụng

06/05/2021 - 19:04

PNO - Theo cảnh sát Indonesia, nước này vừa xảy ra một vụ lừa đảo liên quan đến việc xét nghiệm COVID-19 cho hàng chục ngàn hàng khách di chuyển bằng đường hàng không.

Ngày 27/4, 5 nhân viên của Kimia Farma, một công ty dược hàng đầu của Indonesia, đã bị bắt với cáo buộc đã cho rửa và đóng gói lại bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và tái sử dụng để xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại Sân bay quốc tế Kualanamu ở Medan thuộc miền Bắc Sumatra của nước này.

Nhiều hành khách bị lừa
Nhiều hành khách bị xét nghiệm bằng bộ dụng cụ đã qua sử dụng tại sân bay Kualanamu ở Medan, Indonesia

Theo quy định của Indonesia, cả hành khách trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình giấy chứng nhận đã làm xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính trước khi lên máy bay. Tranh thủ quy định này, Kimia Farma đã bán bộ dụng cụ xét nghiệm đã qua sử dụng tại sân bay Medan. Cảnh sát cho biết vụ lừa đảo này đã diễn ra trong khoảng 4 tháng.

Người phát ngôn của Cảnh sát Bắc Sumatra – Đại úy Hadi Wahyudi – cho biết hiện các nhà chức trách vẫn đang điều tra thêm để nắm rõ số nạn nhân đã dùng phải dụng cụ lấy dịch mũi họng đã qua sử dụng để xét nghiệm COVID-19.

“Các thủ phạm đã bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo này từ ngày 17/12/2020. Nếu mỗi ngày họ bán được 50-100 bộ dụng cụ thì đến nay số nạn nhân ước tính đã lên đến khoảng 10.000”, ông Hadi Wahyudi nói. Mỗi hành khách đã phải trả 200.000 rupiah (khoảng 14 USD) cho mỗi bộ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19.

Các nghi phạm đã bị buộc tội theo luật y tế của Indonesia, và sẽ có thể lĩnh án tối đa 10 năm tù giam nếu bị kết luận đã phạm tội, và sẽ chịu mức án tối đa 5 năm tù, theo luật bảo vệ người tiêu dùng của nước này.

Trong số những người bị bắt có cả giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực Medan của Kimia Farma. Cảnh sát cho biết mỗi nghi phạm có các vai trò khác nhau trong vụ lừa đảo, từ rửa dụng cụ lấy dịch mũi đã qua sử dụng, đóng gói lại bộ dụng cụ, đến vận chuyển hàng đến phòng xét nghiệm.

Trong cuộc đột kích bắt giữ 5 nghi phạm nói trên, cảnh sát đã tìm thấy các dụng cụ lấy dịch mũi họng đã được tái chế, bao bì tái chế và 149 triệu rupiah (khoảng 10.000 USD) tiền mặt.

Theo tờ South China Morning Post, hai luật sư đã nhiều lần bay qua sân bay Medan trong những tháng gần đây dự định sẽ khởi kiện Kimia Farma theo một vụ kiện dân sự tập thể, yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại 1 tỷ rupiah (khoảng 69.000 USD) cho mỗi hành khách là nạn nhân.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước của Indonesia – Erick Thohir – đã cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng những người liên quan đến vụ lừa đảo này sẽ phải chịu “hình phạt rất nghiêm khắc”.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, hiện đang phải đương đầu với một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Á. Theo Đại học Johns Hopkins, nước này đã ghi nhận hơn 1,6 triệu trường hợp nhiễm và 46.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia đã xác nhận có 2 bệnh nhân bị nhiễm biến thể B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong tuần qua, mỗi ngày nước này có trung bình 5.000 ca nhiễm COVID-19 mới. Các nhà chức trách Indonesia hiện đang lo ngại tình hình sẽ càng tồi tệ hơn trong dịp lễ Mudik sắp tới, khi hàng chục triệu người sẽ về đổ về quê để thăm gia đình và mừng lễ Eid al-Fitr – ngày kết thúc tháng Ramadan.

Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong các lễ hội Eid, chính phủ Indonesia vừa ban hành lệnh cấm đi lại trong nước từ ngày 6/5 đến ngày 17/5. Lệnh cấm này áp dụng cho các tất cả các hoạt động di chuyển công cộng và tư nhân, bằng các phương tiện xe hơi, xe máy, xe buýt, tàu hỏa, phà, tàu thủy và máy bay.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI