"Inception": Khi nào con quay… ngừng quay?

29/08/2020 - 09:01

PNO - Hơn cả một tác phẩm điện ảnh, Inception là cách mà Nolan nhìn nhận và giải thích về cách thức vận hành của não bộ con người, từ tiềm thức, ý thức, đến hành vi.

Năm 2010, Inception của Christopher Nolan ra mắt khán giả trên toàn thế giới, tạo ra một cơn chấn động mạnh mẽ. Thậm chí, ngay cả với những khán giả đã quen thuộc với những bộ phim “siêu tâm lý” của Nolan, Inception vẫn được xem như một loại “chất kích thích” cực mạnh...

Giá trị cuối cùng

Hơn cả một tác phẩm điện ảnh, Inception là cách mà Nolan nhìn nhận và giải thích về cách thức vận hành của não bộ con người, từ tiềm thức, ý thức, đến hành vi. Bằng trí tưởng tượng siêu việt, Nolan đã “lãng mạn hóa” những lý giải về các khái niệm cơ bản nhất thuộc về tiềm thức con người, với những tầng giấc mơ được kiến tạo đến vô cực. Ở đó, tồn tại “những kẻ đánh cắp giấc mơ” với khả năng xâm nhập và điều khiển giấc mơ của người khác, từ đó dẫn đến sự thay đổi về suy nghĩ và hành vi của người đó ở thực tại.

Trong phim, nhân vật chính Doom Cobb (Leonardo DiCaprio), một tên “siêu trộm”, cùng các cộng sự của mình đang làm nhiệm vụ đặc biệt là đi vào giấc mơ của Robert Michael Fischer (Cillian Murphy) để gieo vào đầu Robert những ý tưởng đã được sắp đặt sẵn. Tuy nhiên, Cobb lại không ngừng bị ám ảnh bởi cái chết và những ký ức của vợ mình, khiến anh liên tục rơi vào ảo giác, không thể phân biệt được giữa mơ và thực.

Trong câu chuyện của mình, Nolan đã để Cobb sử dụng một con quay. Khi con quay vẫn quay, là Cobb đang ở trong mơ. Ngược lại, khi con quay ngừng, nghĩa là anh đã về với thực tại. Tuy nhiên, cho đến cuối phim, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, thoát khỏi "limbo" (trạng thái tiềm thức sâu thẳm nhất của con người) để trở về bên các con, thì con quay của Cobb vẫn quay đều. Cảnh phim được cắt ngang ở đó theo ý đồ của đạo diễn.

Với những khán giả của Inception trong suốt 10 năm qua, đây có lẽ là một câu hỏi lớn nhất và gây tranh cãi nhiều nhất: Liệu kết thúc đó là thực hay mơ? Việc con quay vẫn không ngừng quay đó có ý nghĩa gì? Và khi nào thì con quay mới… ngừng quay?

Ngày 15/8/2018, sau 8 năm công chiếu, nam diễn viên Michael Caine (thủ vai giáo sư Stephen Miles) đã lên tiếng lý giải điều này: “Khi nhận được kịch bản Inception, tôi có chút bối rối. Tôi nói với Nolan rằng, tôi không thấy giấc mơ ở đâu cả. Thế nào là mơ và thế nào là thực tại? Anh ta đã nói lại rằng: "Khi ngài ở trong cảnh phim thì đó là thực tại". Thế tức là nếu tôi ở trong cảnh phim đó thì đó là thực, còn không thì đó là mơ."

Với sự giải thích này, có thể hiểu ở cảnh cuối phim, khi Cobb quay lưng lại với hai con và người cha, thì anh đã về với hiện thực. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Nolan có một ý đồ sâu xa hơn.

Và sau nhiều năm, sau hàng vạn những suy luận và phán đoán của người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới, mới đây nhất, Nolan đã lên tiếng: “Theo cách mà kết thúc bộ phim đã chỉ ra, nhân vật của Leonardo DiCaprio - Cobb đã quay lại với những đứa con của mình, anh ta đã ở trong thực tại chủ quan của bản thân anh ta. Anh ta không thực sự quan tâm đến điều gì nữa, điều đó đưa ra tuyên bố rằng: tất cả cấp độ của thực tại đều có giá trị”.

Một câu trả lời không trực diện nhưng lại mang đầy tính triết lý và sự gợi mở. Khi bản thân ta thấy hạnh phúc, thì đó là giá trị cuối cùng. Lúc đó, mơ hay thực có thực sự còn quan trọng nữa? Và đến lúc đó, có lẽ ta cũng không còn cần phải quan tâm đến việc khi nào con quay của Cobb sẽ ngừng quay nữa.

Màn “đặt cược” mạo hiểm của Christopher Nolan

Trước Inception, Christopher Nolan đã là một trong những đạo diễn lừng lẫy của Hollywood với những tác phẩm “bom tấn” như Memento (2000), The Prestige (2006), hay The Dark Knight (2008)… Cho đến hiện tại, ông vẫn luôn là một trong những đạo diễn ăn khách nhất lịch sử, đồng thời là một trong những nhà làm phim có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XXI.

Với Inception, Nolan đã suy nghĩ và xây dựng kịch bản của bộ phim trong suốt 10 năm. Ngay từ khi hoàn thành bộ phim Insomnia vào năm 2002, vị đạo diễn quái kiệt đã bắt tay vào viết những trang kịch bản đầu tiên với ý tưởng về “những kẻ đánh cắp giấc mơ”.

Ngay từ đầu, Nolan định kể câu chuyện theo chiều hướng của một bộ phim kinh dị với thể loại trộm cướp, thiên về hành động. Nhưng sau khi xem lại, ông thấy rằng mình nên “đặt cược nhiều hơn vào cảm xúc” nếu muốn phát triển bộ phim dựa trên những ý tưởng về giấc mơ và ký ức, với chiều sâu của tâm lý con người.

Ngay từ khi bắt tay vào Inception, Nolan đã muốn bộ phim phải được thực hiện với quy mô cực lớn, vì “khi bạn nói về giấc mơ, tiềm năng của trí óc con người là vô tận. Và vì vậy bộ phim cũng phải có cảm giác vô tận”.

Từ ý tưởng đó, những cảnh quay hoành tráng gần như lần đầu tiên được thực hiện cho đến thời điểm đó đã diễn ra, đó là dãy hành lang khách sạn có thể xoay 360 độ, những hệ thống pháo không khí khổng lồ, một xe bán tải được bọc trong khung vỏ bằng thép mô phỏng tàu hỏa… tất cả đều được diễn ra chỉn chu và chính xác từng chi tiết nhỏ theo ý của Nolan.

Dù đề tài về những giấc mơ là chủ đề không mới, khi trước đó, Hollywood cũng đã có nhiều tác phẩm “bom tấn” dựa trên chủ đề nhận thức và siêu hình, với cấu trúc phi tuyến tính của thời gian và không gian như  The Matrix (1999), Dark City (1998), The Thirteenth Floor (1999) và cả Memento (2000)… song Nolan, với tài năng bậc thầy cả về mặt hình thức, trí tuệ và cảm xúc trong điện ảnh, đã làm nên một thế giới Inception gây bất ngờ và choáng ngợp cho tất cả.

Ngày 11/2/2009, Warner Bros mua lại kịch bản Inception. Bộ phim được quay tại sáu quốc gia và bốn lục địa trong vòng 5 tháng với kinh phí 160 triệu USD.

Ngay từ khi ra mắt, Inception ngay lập tức gây tiếng vang toàn thế giới, doanh thu 824 triệu USD, đoạt bốn giải Oscar trên tám đề cử.

“Tất cả các vai diễn đều xoay quanh Leonardo”
Để gọi tên một điều gì đó đáng nhớ và gắn với thành công của Inception, sau Nolan, chắc chắn phải kể đến Leonardo DiCaprio.

Nolan cho biết, ông đã nghĩ đến Leo đầu tiên cho vai diễn chính Dom Cobb, dù trước đó ông đã tìm cách làm việc với Leo trong nhiều năm nhưng chưa thể thuyết phục anh tham gia phim nào của mình trước Inception

Về phía Leo, anh cảm thấy "bị hấp dẫn bởi ý tưởng về việc đánh cắp giấc mơ và làm cách nào nhân vật này có thể mở khóa thế giới giấc mơ của anh ta và làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới thực như thế".

Leo đã đọc kịch bản và nói rằng: "nó viết rất tốt và hoàn hảo nhưng bạn phải gặp Chris ở ngoài mới có thể hiểu hết về những điều quanh quẩn trong đầu ông ấy tám năm trời".

Để chuẩn bị cho vai diễn, anh đã dành 2 tháng trao đổi với Nolan về mối quan hệ giữa nhân vật Cobb và vợ. Họ trao đổi về các tình tiết phim với nhau mỗi ngày. Nam diễn viên cũng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về tâm lý học và những giấc mơ, thậm chí anh đã cố gắng điều khiển và hóa giải những giấc mơ của chính mình ngoài đời thực.Leo, cũng như nhân vật Cobb của anh, đã thực sự trở thành trung tâm của câu chuyện.

Và cũng chính vì lý do này, việc tuyển chọn các nhân vật phụ đều được cân nhắc kỹ càng sao cho có thể hỗ trợ và hợp tác tốt nhất với Leo. Và lần lượt những cái tên như Joseph Gordon-Levitt (vai Arthur), nữ minh tinh người Pháp Marion Cottilard (vai Mal), Ellen Page (vai Ariadne), Tom Hardy (vai Eames), Cillian Murphy vai Robert Michael Fischer, Michael Caine vai giáo sư Stephen Miles… đã đến và tạo thành những mảnh ghép hoàn hảo cho bộ phim.

Theo Forbes, thành công của Inception giúp Leo soán ngôi "vua phòng vé" Will Smith giữ trong 10 năm trước đó từ năm 2000. Bộ phim mang về cho Leonardo DiCaprio hơn 50 triệu USD tiền cát-sê và lợi nhuận phòng vé.

Tính đến nay, Inception vẫn là dự án thành công nhất với cá nhân Leo tính trên khía cạnh thu nhập. Ở Titanic, tài tử chỉ thu về khoảng 40 triệu USD, trong đó có 2,5 triệu cát-sê. 

Lan Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI