In ấn sách trước 1945: Nghệ thuật sắp chữ, trình bày và… giấy

21/04/2024 - 07:02

PNO - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay gắn liền chuyển đổi số cùng mục tiêu đưa sách đến với nhiều người đọc hơn.

Lịch phổ thông năm Quý Dậu 1934 với thông tin  Nhà in T.B. Cay ở Hà Nội dưới bìa 1
Lịch phổ thông năm Quý Dậu 1934 với thông tin Nhà in T.B. Cay ở Hà Nội dưới bìa 1

Đã qua rồi cái thời để một cuốn sách thành hình, không chỉ khởi thủy từ những con chữ tạo nên bản thảo của tác giả, dịch giả mà chức năng của hoạt động in ấn rất quan trọng. Hãy cùng Phụ nữ Chủ nhật quay lại thời gian 1945 về trước để hiểu sự đẹp xấu, hay dở của một cuốn sách - trong khâu in ấn - có lắm nẻo chi phối.

Năm 1927, cuốn Chiêu hồn nước được in gây chấn động dư luận, khuấy động lòng yêu nước khiến Sở Cẩm phải chú ý, điều tra và cho rằng “sách này là sách xui làm rối loạn, phản đối chính phủ”. Phạm Tất Đắc (tác giả của bài Chiêu hồn nước), dù 17 tuổi nhưng đã bị xử án tù. “Cùng với cơn gió lốc Chiêu hồn nước, những lá truyền đơn bay khắp đất nước Việt Nam. Đẩy mạnh cơn giông tố ấy, nghề in ấn âm thầm phát triển, mạnh nhất là ở Hà Nội” - nhà văn Ngọc Giao hồi tưởng trong Hà Nội cũ nằm đây.

Vẫn lời Ngọc Giao, các nhà in lớn nhỏ liên tiếp ra đời nửa sau những năm 1920, máy móc khiêm tốn, “một hai cái máy nho nhỏ, gọi là máy Minerve (máy công tử, đạp chân, như thợ may máy khâu) mặt máy chỉ mang nổi từ 6 đến 8 bát chữ”. Máy này chủ yếu dùng in hóa đơn, danh thiếp. Còn nếu in sách khoảng 200 trang thì phải in hàng tháng mới xong. Theo Ngọc Giao, ở Hà Nội, nhà in lớn có Minsang (Minh Sang) tức T.B. Cay, Ngô Tử Hạ, Lê Văn Tân, Tân Dân…; nhà in nhỏ có Tân Việt, Cộng Lực…

Bộ tiểu thuyết Yên Kỳ Nhi (1932) của nhà báo  Lê Trung Nghĩa, bìa 4 thể hiện Nhà in Nguyễn Văn Viết tại số 85 đường d’Ormay, Sài Gòn là nơi in ấn
Bộ tiểu thuyết Yên Kỳ Nhi (1932) của nhà báo Lê Trung Nghĩa, bìa 4 thể hiện Nhà in Nguyễn Văn Viết tại số 85 đường d’Ormay, Sài Gòn là nơi in ấn

Việc in sách bằng máy công tử Minerve, Vũ Hoàng Chương trải nghiệm thực tế khi sách Mây được in năm 1943 tại nhà in của Nhà xuất bản Đời Nay (số 80 Quán Thánh, Hà Nội) cũng là tòa soạn Báo Ngày Nay: “Sách in cỡ lớn, máy in được dành cho lại là thứ nhỏ nhất - máy Minerve - “Phải thứ máy đó mới thực hiện được hết những khía cạnh tế nhị của tập thơ do họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vời” - ông Miễn - quản lý ấn quán - bảo thế. Cho nên mỗi khuôn chỉ hoàn tất được 2 trang. Cứ cái nhịp “2 trang” chậm như rùa ấy, thì chốc chốc lại xuống khuôn, rồi lại sửa “mo-rát”, lại lên khuôn, lại sửa lần chót để chạy máy… Quần quật suốt ngày mệt quá!” - Vũ Hoàng Chương đã ghi lại trong bút ký Ta đã làm chi đời ta.

Khâu các nhà in khó khăn nhất trong hoạt động chuyên môn của mình là mua chữ in. Chữ in phải mua từ bên Pháp nhập về. “Chữ cỡ lớn làm titre (đầu bài) gọi là Europe gras (Ơ rốp béo), chữ nhỏ - Europe maige (Ơ rốp gầy), chủ nhà in tính đắt tiền là chữ Chetteman (Sentoman) cỡ 8, nét sắc. Loại chữ này dùng in sách đắt tiền, in lên loại giấy hảo hạng, gọi là giấy Boufflant. Loại hạng nhất, soi tờ giấy lên mắt ta nom rõ trong giấy có sợi chỉ nước (lignefeau) giá trị như tờ giấy bạc ngân hàng. Còn chữ dùng in báo, in sách thì dùng loại chữ đứng thông thường cỡ 9, 10 (romain) và chữ ngả”.

Bìa 1 và bìa 4 sách Các người danh nhơn ở chiến cuộc châu Âu của Hồ Đắc Khải  được Nhà in Lê Văn Phúc thực hiện rất đẹp vào năm 1915
Bìa 1 và bìa 4 sách Các người danh nhơn ở chiến cuộc châu Âu của Hồ Đắc Khải được Nhà in Lê Văn Phúc thực hiện rất đẹp vào năm 1915

Trong lĩnh vực in ấn sách báo của nước ta ở Hà Nội những năm 1930, ghi nhận công lao cải tiến, trình bày kỹ mỹ thuật của kỹ sư Đỗ Văn. Các văn thi sĩ, người sáng tác, viết sách dạo năm 1945 về trước hẳn nhiều người quý Đỗ Văn, nên không phải ngẫu nhiên mà trong tiểu thuyết lịch sử Người An Nam do Nhà xuất bản Đời Mới ấn hành năm 1945, Nguyễn Công Hoan đã in lời đề tặng dành cho Đỗ Văn với nội dung: “Cuốn sách cuối cùng viết dưới hồi Pháp thuộc để tặng cuộc đời ngang tàng và chìm nổi của ĐỖ VĂN”.

Đỗ Văn đã du học 3 năm tại Pháp để học nghề in, tập trung vào lĩnh vực đúc chữ. Ông đã làm việc cho Nguyễn Văn Vĩnh, phụ trách in ấn tại Nhà in Trung Bắc. Sách báo được in tại nhà in này có ưu thế là đẹp nhưng giá đắt. Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi nhớ Nhà in Trung Bắc in rất đẹp khi có bàn tay của Đỗ Văn. Thế nên mới có chuyện “sách Nhà xuất bản Đời Nay của Nguyễn Tường Tam, in ruột ở nhà khác cho rẻ nhưng đến cái bìa thì phải in ở nhà Trung Bắc. Dù trong có lem nhem nhưng sách vẫn được cái bìa đẹp nó tôn lên”.

Sau này, Lê Văn Hân - con trai của Lê Văn Tân chủ nhà in cùng tên - cũng sang Pháp theo học nghề in, đúc chữ; về nước lập lò đúc chữ, nhờ đó mà nạn khan chữ in đã được giải quyết.

Bà
Bìa 4 sách Các người danh nhơn ở chiến cuộc châu Âu của Hồ Đắc Khải được Nhà in Lê Văn Phúc thực hiện rất đẹp vào năm 1915

Với nhà in thì ngoài thợ ra, máy móc và nguyên liệu giấy là quan trọng. Thời gian 1939-1945, Thế chiến thứ hai nổ ra ở châu Âu. Hàng bên Pháp không sang Đông Dương được do sự ngăn trở của chiến tranh, mà Pháp thì bị quân Đức chiếm đóng, giấy in sách báo ở Việt Nam vì thế thiếu thốn, giá tăng cao. “Sách thời này phải in bằng giấy bản của ta, làm ở trên Bưởi. Một quyển sách in bằng giấy bản thì nhẹ nhưng nếu giữ sách không cẩn thận thì chỉ trong ít lâu, giấy nát, lèo nhèo, rồi như đống giẻ” - Ngọc Giao chia sẻ trong hồi ức Hà Nội cũ nằm đây.

Về món in ấn, là người có nhiều tác phẩm được xuất bản nên việc quen thân, hiểu biết về in ấn, xuất bản là sự thường với Nguyễn Công Hoan. Hồi ức Nhớ gì ghi nấy của ông cho hay, theo lệ, để in sách, người có nhu cầu sẽ đưa cho nhà in trước một số tiền. Sách in xong, sau một thời gian ấn định với nhau, tác giả trả hết tiền nhà in.

Phạm Cao Củng và Lê Tràng Kiều in 3.000 cuốn Hang gió ở Nhà in Nam Việt đã đặt trước một số tiền, giao kèo bán sách xong sẽ gửi số còn lại. Hiềm nỗi sau một thời gian sách bán ế không có tiền trả, gia đình 2 chàng văn sĩ mặt búng ra sữa phải trả nợ tiền in sách thay cho 2 ông con sớm mơ mộng văn chương. Kỷ niệm khởi nghiệp viết văn để đời này được tác giả của nhân vật thám tử Kỳ Phát ghi lại trong Hồi ký Phạm Cao Củng.

Thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương
Thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương

Trong việc in sách, cứ như cách Đào Duy Anh làm sách Hán Việt từ điển quyển Hạ với Nhà in Lê Văn Tân thì nhà in nhận bản thảo, thợ in sẽ sắp chữ và thực hiện bản in thử. Bản in thử được gửi lại cho tác giả xem để sửa bông rồi gửi lại cho nhà in. Sau khi sửa xong xuôi, việc in chính thức sẽ được thực hiện để ra thành phẩm.

Việc sửa bản in thử để hạn chế thấp nhất lỗi mo-rát là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho sách hoàn mỹ hơn, tránh được tối đa lỗi không đáng có và đỡ phải thực hiện việc “sửa chữ sái [sai, theo cách thể hiện trên sách báo Nam Kỳ 1945 trở về trước]” hoặc “đính chính”. Thế nên, khi nhận được sách Một năm trong đảng kỹ sư mỏ cuốn số 1 của em mình là Nguyễn Đức Kính xuất bản, Nguyễn Đức Chính đã phê bình “Chỉ chê em sao không cẩn thận việc in và việc sửa bản in thử (épreuves) hơn một chút. Người ta có thể “xuất bản theo lối nhà nghèo” mà vẫn có vẻ mỹ thuật. Sạch sẽ, trật tự là mỹ thuật của nhà nghèo”.


Trần Đình Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI