|
Ilo Ilo từng vượt qua cả The Grandmaster của Vương Gia Vệ, A Touch of Sin của Giả Chương Kha, Drug War của Đỗ Kỳ Phong… để giành giải cao nhất tại LHP Kim Mã |
Dẫu chỉ kể câu chuyện của một cậu bé, một gia đình bình thường ở Singapore nhưng bộ phim vẫn chất chứa những giá trị phổ quát, cần thiết trong thế giới bất định hôm nay.
Chỉ vô tình được xem Ilo Ilo tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2014, nhưng đây lại là tác phẩm điện ảnh đọng lại nhiều nhất trong tâm trí tôi suốt một năm qua, nhất là khi hiểu rõ thời điểm câu chuyện diễn ra.
Đó là năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu. Xét cho cùng, giai đoạn đó không nhiều khác biệt so với thời điểm hiện tại, khi di chứng khủng hoảng vẫn còn và những bất ổn không chỉ kinh tế mà cả chính trị, văn hóa… vẫn đang rình rập.
Chưa bàn tới cuộc khủng khoảng kinh tế - tiền tệ châu Âu mà điển hình là khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, khủng hoảng di dân ở Syria; các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng đang phải đối diện với nhiều chênh vênh, bất ổn.
Ilo Ilo chính là bộ phim nhỏ có góc nhìn lớn, là lát cắt sống động cho những vấn đề ở tầm vĩ mô. Thế nhưng, đây không phải “đại tự sự” thể hiện tham vọng mổ xẻ về kinh tế - chính trị, mà bộ phim là những điều hết sức gần gũi, chân thực, rủ rỉ với người xem những gì quen thuộc hàng ngày.
Với riêng đạo diễn Trần Triết Nghệ (Anthony Chen), đây là những ký ức tuổi thơ của chính anh. Nhân vật cậu bé Jiale ương bướng, ngỗ ngược đến mức tự gây chảy máu tay mình rồi đổ tội cho thầy chủ nhiệm có lẽ cũng không xa lạ với tuổi thơ nhiều người.
Nhân vật người giúp việc Terry được xây dựng từ ký ức về người bảo mẫu năm xưa của đạo diễn cũng rất dễ tìm trong đời sống. Hai nhân vật chính đó, thêm người bố đang loay hoay cải thiện thu nhập và người mẹ đang mang bầu của Jiale, cùng một số nhân vật phụ là họ hàng, thầy cô, bạn bè của cậu bé 13 tuổi, đủ để bức tranh đời sống của một gia đình thuộc tầng lớp bình dân được phác thảo tự nhiên trong tâm bão của cuộc khủng hoảng.
Điều đầu tiên khán giả có thể giải thích được ngay về sự ngỗ ngược của Jiale, đó là ngoài bản tính, còn vì cậu đang bị bỏ mặc. Ở hoàn cảnh có thể mất việc bất cứ lúc nào, dẫu đang mang bầu, bà Leng vẫn phải làm quần quật, bởi vậy, việc chăm sóc con càng bị xao nhãng.
Thiếu sự quan tâm của gia đình, Jiale càng trở nên lầm lì, dễ nổi loạn. Không thể cứ mãi phải “đánh Đông dẹp Bắc”, bà Leng đành bàn với chồng tìm một cô giúp việc để bớt gánh nặng cho gia đình.
Thế là cũng giống như nhiều gia đình, các cô “Ôsin” bỗng dưng phải đảm nhiệm nhiều công việc chính, quan trọng; trong khi chính các cô vì mưu sinh mà phải tạm bỏ bê tổ ấm nơi xa của mình.
Nhân vật được xây dựng thuyết phục trong Ilo Ilo là người giúp việc Terry đến từ hòn đảo có tên Ilo ở Philippines, cách Singapore hơn 2.000km. Xem bộ phim được thực hiện năm 2013, chúng ta sẽ hiểu tại sao Philippines lại nổi tiếng là nơi cung cấp những người giúp việc tốt đến thế.
Hẳn nhiều người Việt sẽ không khỏi chạnh lòng khi đọc những tựa bài trên báo chí như “Cơn lũ” đầu bếp Philippines xâm chiếm thế giới”, “Lý do Philippines xuất khẩu người giúp việc”... Rõ ràng, không thể coi đây như “chuyện nhỏ” hay một nghề “không đẳng cấp”, bởi sự ổn định và vững chắc được xây dựng nên từ kỹ năng nhỏ, thái độ nghiêm túc để tạo nên thiện cảm, từ đó khơi nguồn cho những thành tựu lớn lao khác.
Ở Ilo Ilo, người giúp việc Terry đã phải nhẫn nhịn, đấu tranh với tự ái cá nhân để chăm sóc cho cậu bé Jiale đáng thương hơn đáng trách. Đã thế, bà Leng chưa khi nào tin tưởng người giúp việc, xét nét từng hành động của Terry.
Sau này, khi Terry trở thành người quán xuyến trong gia đình, nơi các thành viên đang bị rơi rụng niềm tin vào cuộc sống, thì cậu bé Jiale lại dần tìm thấy sự chia sẻ, gần gũi với “cô Terry”, chứ không phải mẹ mình.
“Chú ngựa hoang” nhỏ bé dần được thuần phục, nhưng lúc này bà Leng lại vào thế vừa phụ thuộc, lại vừa muốn tách khỏi cô giúp việc. Bao tình tiết đời thường vừa buồn cười lại vừa thấm thía được thể hiện, để từ câu chuyện gia đình, Ilo Ilo mở ra nhiều góc nhìn rộng hơn với người xem.